Huyền thoại Lý Tiểu Long - Kỳ 5: Sự nghiệp điện ảnh

10/02/2012 03:05 GMT+7

Để lại vỏn vẹn 5 bộ phim điện ảnh nhưng Lý Tiểu Long khiến khán giả thế giới nhận ra rằng không ai có thể làm được những gì anh đã thể hiện.

Để lại vỏn vẹn 5 bộ phim điện ảnh nhưng Lý Tiểu Long khiến khán giả thế giới nhận ra rằng không ai có thể làm được những gì anh đã thể hiện.

>> Kỳ 4: Nâng tầm võ thuật

Bị Hollywood chối từ

Từng đóng vài phim từ thuở bé, Lý Tiểu Long luôn mơ một ngày nào đó sẽ thành danh trên đất Mỹ. Vì vậy, vai Winslow Wong trong phim Marlowe (1969) hay một số vai trên truyền hình qua các phim như The green hornet (Ong bắp cày xanh), Batman (Người dơi -1966), Ironside (1967), Blondie hay Here come the brides (Nơi các cô dâu đến - 1969)... vẫn không thỏa kỳ vọng của võ sư họ Lý. Anh thật sự muốn trở thành siêu sao điện ảnh. Trong các phim này, đa phần Lý phải mang mặt nạ để khán giả không nhận ra anh là người châu Á.

Nhưng kinh đô điện ảnh Hollywood không dễ chấp nhận Lý bởi anh lọt thỏm trong số đông những diễn viên hành động võ thuật, và nguyên nhân chính khiến Lý ít cơ hội tiếp cận các “ông lớn” sản xuất phim cỡ Warner Bros., Paramount Pictures hay 20th Century Fox là do anh mang dòng máu da vàng!

 
Lý Tiểu Long và Kareem Abdul-Jabbar trong phim Tử vong du hí - Ảnh: Brucelee.com

Nghe lời khuyên của bạn bè, Lý khăn gói về lại Hồng Kông tìm cơ hội. Rất may, Raymond Chow, ông chủ hãng Gia Hòa đồng ý ký hợp đồng làm phim với Lý. Tháng 7.1971, hãng Gia Hòa bắt đầu quay Đường Sơn đại huynh (The big boss) tại một thị trấn nhỏ ở Thái Lan. Phim công chiếu ngày 3.10.1971 gây nên cơn sốt tại Hồng Kông. Khán giả ngỡ ngàng vì lần đầu tiên được tận mắt thưởng thức những màn võ thuật quá đẹp và cực kỳ bạo lực trên màn ảnh rộng dù đã bị cắt bớt vì kiểm duyệt.

Siêu sao điện ảnh đầu tiên của châu Á

Cơn sốt vé phim Lý Tiểu Long tại Đông Nam Á

Vào thời điểm ra rạp, Tinh võ môn đã làm tắc đường tại Singapore sau giờ làm việc suốt nhiều ngày liên tiếp. Vé chính thức phim Tinh võ môn là 2 yuan tại Đài Loan được giới “phe” vé chợ đen “hét” đến 40 USD nhưng vẫn không đủ bán. Tại Philippines, Tinh võ môn làm vài chục khán giả bị thương, ngất xỉu khi chen lấn mua vé... Chính quyền Hồng Kông phải cho ngưng bán vé phim Long tranh hổ đấu vì giao thông tắc nghẽn nghiêm trọng khi phim khởi chiếu được vài ngày.

Chưa một diễn viên châu Á nào trước Lý trở thành siêu sao điện ảnh thế giới. Thành công của Đường Sơn đại huynh giúp Lý nổi tiếng nhanh. Bộ phim thứ hai là Tinh võ môn (Fist of fury) ra rạp ngày 22.3.1972, kể về Trần Chân - một đệ tử của Hoắc Nguyên Giáp (người sáng lập ra Tinh võ môn). Trần Chân điều tra uẩn khúc sau cái chết bí ẩn của thầy. Lần đầu tiên Lý dùng vũ khí côn nhị khúc. Đây là phim duy nhất nhân vật Lý đóng bị chết và có cảnh anh hôn một cô gái (Miêu Khả Tú) trên phim. Ngay từ phim đầu tiên cho đến các phim còn lại, Lý luôn vào vai người anh hùng bảo vệ kẻ yếu thế nhưng khá e dè với phái đẹp. Tinh võ môn đoạt giải Kim Mã năm 1972.

Cuối năm 1972, bộ phim thứ ba của Lý là Mãnh long quá giang (The way of the dragon) ra mắt khán giả. Phim được quay tại đấu trường Colosseum (Roma, nước Ý) với nhiều cảnh đánh nhau cực đẹp giữa Lý Tiểu Long (vai Đường Long) với Chuck Norris (Colt). Mãnh long quá giang đánh dấu sự trưởng thành của Lý trong điện ảnh khi đảm nhiệm vai trò đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất và cả biên kịch.

Hãng Warner Bros. nhìn thấy được tài năng của Lý và “sửa sai” bằng cách mời anh cộng tác trong phim Long tranh hổ đấu (Enter the dragon) do Robert Clouse đạo diễn. Lần đầu đóng phim cho Hollywood, Lý căng thẳng và run sợ. Anh sụt đến 10 kg vì quá tập trung cho vai diễn. Nhưng rồi bằng tài năng, Lý đã chinh phục đạo diễn lẫn nhà sản xuất. Đạo diễn Robert Clouse kể lại trong phim tài liệu Huyền thoại Lý Tiểu Long rằng Lý rất giỏi dàn dựng các cảnh đánh nhau trên phim. Anh vẽ ra toàn bộ những động tác võ thuật trên story board (bản vẽ tay các cảnh quay của một bộ phim), sau đó diễn theo đúng bản vẽ.

Thành Long từng được kỳ vọng là Lý Tiểu Long thứ 2

Ngôi sao điện ảnh Hồng Kông Thành Long (Jackie Chan) từng tham gia các vai phụ trong Tinh võ mônLong tranh hổ đấu. Năm 1976, lúc 21 tuổi, Thành Long được đạo diễn La Duy (đạo diễn phim Đường Sơn đại huynh) để mắt và muốn biến anh thành một Lý Tiểu Long thứ hai trong phim Tân Tinh võ môn. Phim không thành công vì Thành Long không thể diễn võ thuật như Lý Tiểu Long. Sau này, chính Thành Long thú nhận anh không bao giờ làm một Lý Tiểu Long thứ hai được dù rất hâm mộ thần tượng. Vì vậy, anh chọn cho mình phong cách diễn xuất khác: pha trộn võ thuật và hài hước để tạo dấu ấn cho khán giả.

Giữa năm 1973, Long tranh hổ đấu tạo nên cơn chấn động thế giới khi phát hành ra rạp. Phim được đầu tư 850.000 USD nhưng thu về đến hơn 200 triệu USD vào thời điểm đó trên toàn cầu. Lý Tiểu Long trở thành thần tượng điện ảnh. Tiếc thay, Lý chưa bao giờ được xem Long tranh hổ đấu do đột tử trước khi phim ra rạp ngày 19.8.1973. Đạo diễn Robert Clouse thú nhận: “Tôi ngồi xem Long tranh hổ đấu cùng Linda Lee chỉ vài tuần sau khi Lý qua đời. Thật khó khăn cho tôi và cả Linda khi nhìn lại Lý trên màn bạc”.

Bộ phim cuối cùng của Lý Tiểu Long là Tử vong du hí (Game of the death). Phim đang quay nửa chừng thì Lý mất nên nhà sản xuất là hãng Gia Hòa phải chỉnh sửa kịch bản. Trong phần đầu phim, Lý đấu với Kareem Abdul-Jabbar, vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp Mỹ cao đến 2,25 mét. Đoạn sau, vai của Lý được một diễn viên khác đóng thế.

Một bộ phim “ăn theo” tên tuổi Lý là Tháp tử vong (Tower of death), được quảng cáo phần kế tiếp của Tử vong du hí ra rạp ngày 21.3.1981 với diễn viên đóng thế Lý Tiểu Long là Vương Thanh Lợi. Tuy nhiên, phim nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Sau đó, rất nhiều diễn viên có ngoại hình giống Lý Tiểu Long liên tục xuất hiện trên màn bạc như: Bruce Li (Hồ Trung Đào), Bruce Le (Hoàn Thanh Long), Bruce Leung (Lương Tiểu Lang), Dragon Lee... đến từ Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc... nhưng không ai có thể thay thế được diễn viên kiệt xuất họ Lý.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.