“Huyền thoại” Lâm Quang Tèo

07/03/2009 15:20 GMT+7

(TNTS) Khán giả có thể ít biết về tác giả và đạo diễn - những người ẩn phía sau một vở tuồng - nhưng với Lâm Quang Tèo thì khác. Bởi kịch bản Chuyện bây giờ mới kể của anh từng nổi đình nổi đám từ năm 1988 cho đến 1996, làm nên tiếng tăm như cồn cho Thành Hội và cho cả Kim Cúc, Tấn Thành, Hồng Vân, Hồng Đào, Thành Lộc, Thanh Thủy. Cả một thế hệ khán giả chỉ cần nói tên vở là xuýt xoa hoài niệm. Và “huyền thoại” về Lâm Quang Tèo cũng thú vị không kém…

Tưng tửng, ngang ngang

Ai gặp Quang Tèo, sẽ thấy không bữa nào giống bữa nào. Có hôm thì áo quần chải chuốt mặt mày bảnh bao. Áo sơ mi mới cứng bỏ vô quần, tóc chải keo láng mướt tưởng như giám đốc. Hoặc giả, cái áo tàu nút thắt, tay dài, trịnh trọng như mấy tay buôn Thượng Hải, mà nhìn kỹ thì… ghê ghê giống xã hội đen!

Nhưng có hôm, quay ngoắt 180 độ, Tèo vác cái quần kaki lửng đi nghênh ngang cùng đôi dép nhựa, áo thì búa xua sao cũng được. Mà lại tỉnh bơ mượn điện thoại di động của nghệ sĩ cải lương Bảo Anh nữa chứ!

Bảo Anh hỏi: “Điện thoại đâu cha?”. “Mất rồi”. Và Tèo ngồi rung đùi bấm bấm. Cái điệp khúc “mất” này bạn bè quá quen. Có khi mất thiệt, mà có khi đem bán “giải vây” kinh tế đó thôi. 

Có lần ông bầu Phước Sang cũng phải đưa điện thoại cho Tèo xài đỡ, vì Tèo làm việc cho Kịch Sài Gòn, phải có điện thoại để liên lạc chứ. Xài đỡ, rồi… tiêu luôn, hỏi đâu, chả biết. Hoặc hết tiền thì bảo Phước Sang ứng trước tác quyền kịch bản, hỏi chừng nào nộp, ai biết.

Không nộp cũng chả làm gì được nhau, he he. Nhưng nếu có tiền thì Tèo cũng chơi xả láng sáng về sớm với anh em. ai nói động thì coi chừng bị chửi tắt bếp. Biết điều thì cứ chiều chuộng Tèo một tí, cười hề hề là xong. Định nghĩa ngắn gọn về Tèo, anh em thở khì bảo: vừa dễ thương, vừa bực mình, vừa muốn chơi, vừa muốn chạy.

Người vậy mà viết được cái kịch bản nổi tiếng, tin nổi không?

 Thời "máu me"

Ông nội của Lâm Quang Tèo vốn là một tá điền của ông Hội đồng Trạch (cha của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy). Đến đời ba Tèo dĩ nhiên lại làm tá điền cho cậu Ba Huy.

Cho nên Tèo hiểu rất rõ về xứ sở Bạc Liêu, và nghĩ kỹ thì Tèo cũng mang cái “máu Bạc Liều” dữ lắm! Anh thường nghe cha kể những câu chuyện phóng khoáng của cậu Ba Huy đối với tá điền, khiến ai cũng mến.

Xứ Bạc Liêu ngút ngàn đồng ruộng, ông Hội đồng Trạch là người Tàu Minh Hương lưu lạc đến đây, may đào được hũ vàng chắc của vua chúa thời lưu lạc cất giấu, thế là có vốn bỏ ra mướn nhân công khai khẩn đất, mua máy móc, đăng bộ sổ, từ đó phất lên.

Cậu Ba Huy được giao trông coi một khu đất, thấy tá điền thất mùa cậu bèn mở lẫm lúa hàng ngàn giạ kêu mọi người vác hết về nhà mà ăn. Mấy tay tuần khạo bí mật chạy đi báo với ông hội đồng, ông xuống tới thì cậu Ba đã giả vờ kêu người bịt mặt vô trói cậu như là bị cướp.

Và chuyện khoái nhất là trong lúc thực dân Pháp đè đầu cưỡi cổ dân mình thì cậu dám bỏ tiền ra mướn “mấy thằng Tây” về làm công cho cậu, coi như giải tỏa chút ấm ức của thiên hạ.

Nhưng bất ngờ, tôi đã phát hiện Quang Tèo có một câu chuyện tương tự cậu Ba Huy, dù so sánh có hơi khập khiễng nhưng không thể phủ nhận con người Bạc Liêu vẫn có cái gì đó cực kỳ thú vị.

Anh trai của Quang Tèo theo kháng chiến, phải sắm sửa đồ dùng sinh hoạt, mà nhà lại nghèo. Thế là cha anh lên đấu võ đài kiếm tiền cho con. Ông thắng trận rất vẻ vang.

Con đi, ông ở nhà nuôi giấu cán bộ. Đến lượt Quang Tèo, 11 tuổi, được đưa ra Bắc học, nhưng dọc đường pháo địch bắn rát quá, lãnh đạo sợ các em nhỏ thương vong, đành cho quay lại. Tèo về căn cứ ở Tây Ninh làm liên lạc.

Và chính thời gian đó “thằng bé” được nuôi dưỡng trong cái nôi văn học nghệ thuật tuyệt vời của nghệ sĩ sân khấu Bảy Bạch, Ngô Y Linh… cùng rất nhiều nhà văn khác.

Căn hầm Tèo ở với mấy chú chất đầy sách, và Tèo cắm cúi đọc Shakespeare, Moliere, nghe mấy chú dạy về cải lương… Một thế giới như không hề có đạn bom ác liệt, mà thi vị, bay bổng...

 

Trung (Mạnh Tràng) và Sương (Đại Ngọc Trâm) trong vở Người tình tuổi Sửu của Lâm Quang Tèo - Ảnh: H.Đức

1975, giải phóng, Tèo 17 tuổi, được ra Long Xuyên học văn hóa với lũ bạn cùng trang lứa. 1976, đùng một hôm, mấy chú giao trách nhiệm cho Tèo và các bạn đi cải tạo tư sản. Thôi thì không nói chuyện đó đúng hay sai, chỉ nhắc chuyện Tèo đã làm một nghĩa cử nhớ đời.

Hồi ấy Tèo là tổ trưởng, ăn lương bao cấp cũng kham khổ như ai, vậy mà người ta mời một ly cà phê Tèo cũng từ chối, nhất định giữ sự trung thực. Ông chủ nhà nơi tổ của Tèo đến làm việc, một đêm lén đem nửa bọc hột xoàn đến tặng Tèo, anh từ chối thẳng, nhưng tội nghiệp họ, không tố giác, sợ họ đi tù, mà lẳng lặng bảo họ lấy lại vài viên để phòng thân.

Nhờ đó, ông chủ nhà về sau này có cơ hội làm ăn. Sau này, khi Tèo đang học khoa diễn viên trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM thì có một người mang đến thùng quà rất to cho anh, chính là lòng biết ơn của ông chủ nhà. Tèo lấy đó làm vốn rồi khá lên luôn.

Cái máu của Tèo vừa trong trắng vừa ba gai. Và những bức xúc đã dồn nén để cho ra kịch bản Chuyện bây giờ mới kể.

 Những trang viết dữ dội

Những năm 1988, nói tới chống tiêu cực, không dễ dàng như bây giờ. Vậy mà Quang Tèo đã khắc họa chân dung một cán bộ cấp cao dối trá, trong lúc những người lính, người dân thì tận tụy hy sinh cho đất nước. Nhân vật Út Trâm (nghệ sĩ Kim Cúc) đã nói một câu toát lên chủ đề vở diễn: “Sự giả dối còn ghê tởm hơn tất cả những cuộc chiến tranh”.

Và cũng chính chủ đề này mà Sân khấu 5B e sợ sẽ không được duyệt. Kể cả thủ pháp của đạo diễn Minh Hải cũng dữ dội không kém, đầy cá tính, gai góc. Nhưng may cho tác phẩm khi nó gặp tác giả Lê Duy Hạnh - Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM - người con của đất Bình Định, thì cái lá gan cũng không kém gì chàng tài tử xứ Bạc Liêu. Ông Hạnh bảo cứ diễn, chừng nào cấp trên hay biết thì… tính sau.

Nhưng Lâm Quang Tèo còn… láu cá hơn. Anh “giả nai” đi mời thượng tướng Trần Văn Trà, ông Trần Trọng Tân (Phó bí thư Thành ủy TP.HCM), bà Út Huệ (ủy viên Hội Phụ nữ Nam Bộ), ông Cáp Xuân Diệm (Phó giám đốc Ty Công an TP.HCM), cùng một số cán bộ cao cấp khác. Ai cũng vui vẻ đi xem, vì tưởng là một suất kịch bình thường.

Về phía nghệ sĩ và ông Lê Duy Hạnh, tới giờ diễn bỗng toát mồ hôi khi thấy một hàng nhân vật VIP ngồi trong khán phòng. Nhưng không thể rút lui được nữa, đành diễn. Nào ngờ, chính những cán bộ VIP ấy lại vỗ tay nhiều nhất. Coi như mặc nhiên vở kịch được “duyệt”, thế là đường hoàng bán vé không còn phập phồng lo sợ nữa. Anh em lắc đầu: “Chịu thua Lâm Quang Tèo!”.

Kiểu chơi của Tèo là vậy. Một lần khác, tỉnh Cà Mau mời Tèo về phụ trách một tiểu phẩm để truyền hình trực tiếp. Ai cũng nghe Tèo đăng ký đề tài bác Ba Phi, chắc chuyện dân gian, thôi khỏi duyệt.

Ai ngờ khi lên diễn, Tèo cho bác Ba Phi chửi cán bộ tiêu cực rằng: “Tao nói dóc nhưng bà con vui vẻ, và giới thiệu được cái giàu cái đẹp của xứ sở. Còn tụi bây nói láo để bòn rút của dân, tội lỗi trăm bề”. Cán bộ tỉnh hoảng hồn, thôi, lần sau không dám mời cha nội này nữa, cha đá giò lái kiểu nầy có ngày chết cả đám!

Bây giờ Tèo thú nhận mình cũng có viết những tác phẩm để “kiếm cơm”. Nhưng cuối cùng anh vẫn bức xúc trước cuộc đời. Người tình tuổi Sửu mới ra mắt dịp Tết, cứ tưởng nói chuyện yêu đương cho vui, nhưng không, vẫn là gởi gắm tấm lòng với người nông dân và con trâu từng nhọc nhằn nuôi sống mọi người.

Anh còn đang ấp ủ một vở khác, nói về những người nông dân bị bần cùng hóa, phải xa lìa quê hương trong thời buổi kinh tế thị trường, nhường đất cho sân golf và các khu quy hoạch treo. Tôi bảo: “Căng lắm nghen!”.

Tèo cười: “Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn mà, làm sao quên được gốc gác. Cứ viết, không duyệt được thì cất đó, sợ gì. Kệ!”. Rồi, lại ngang như cua! Nhưng anh còn “lửa”, thì cũng đáng quý!

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.