Hộp vàng hoa sen là của hoàng thái hậu?

09/07/2012 03:00 GMT+7

Xinh xắn như một trái cam nhỏ với những hoa văn tinh tế, hộp vàng hoa sen vừa tìm thấy ở Đông Triều có thể là hộp đựng đồ trang sức của người nữ trong hoàng gia, cụ thể là hoàng thái hậu.

Chiếc hộp vàng đặt gọn trên lòng bàn tay nhà sư Thích Quảng Hiển dính đầy đất rất dẻo trên con đường lên di tích chùa Ngọa Vân, Yên Tử. Vị trí quả đồi phát hiện chiếc hộp nằm ở khu vực Suối 1 thuộc xã An Sinh, H.Đông Triều, Quảng Ninh. “Chất liệu bằng vàng cho thấy rõ dấu ấn của đời sống hoàng cung tại vùng đất Đông Triều vốn giàu tiềm năng nghiên cứu khảo cổ”, TS Bùi Minh Trí - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành (TTNCKT), đơn vị được giao nghiên cứu chiếc hộp, cho biết.

Thậm chí, từ chất liệu quý hiếm này cộng với vị trí lịch sử của vùng đất, TS Trí không ngần ngại khẳng định đây chính là đồ ngự dụng. “So sánh với những mảnh vàng, với những vật dụng và đồ dùng phát hiện tại di tích Hoàng thành Thăng Long, chúng tôi thấy rất rõ việc chúng được làm cùng phong cách. Sự trùng hợp đó cho thấy chiếc hộp này nhiều khả năng được thợ kim hoàn tại kinh thành chế tác để làm đồ ngự dụng”.

 Hộp vàng hoa sen là của hoàng thái hậu?
Cách trang trí của hộp khiến nhiều người nghĩ đến vật dụng đựng trang sức - Ảnh: Trung tâm nghiên cứu kinh thành cung cấp

Dựa trên tư liệu chiếc hộp được phát hiện trên đường lên am Ngọa Vân, nơi vua Trần Nhân Tông tu hành và hóa Phật, có người còn đặt câu hỏi, liệu đó có thể là hộp đựng xá lị của nhà vua không. Tuy nhiên, giả thuyết này mau chóng bị bác bỏ. Thứ nhất, khi phát hiện, trong hộp chỉ có đất mà không có các hạt vật chất cứng (như các hạt xá lị vẫn vậy). Thứ  hai, xá lị của các vị Phật thường được đặt trong những bảo tháp nhỏ trước khi an vị. “Quan trọng hơn, nếu là hộp đựng xá lị của Phật hoàng, chắc chắn chiếc hộp sẽ được an vị tại một vị trí quan trọng trong khu lăng mộ. Trong khi đó, tại nơi phát hiện chiếc hộp chưa hề có dấu hiệu lăng mộ nào”, một nhà khoa học tại TTNCKT cho biết.

 

Một PGS-TS của Viện Sử học cũng xác nhận theo sử chép, Đông Triều chính là quê gốc của nhà Trần, nơi vương triều Trần chọn làm nơi xây dựng quần thể các lăng mộ của các vua Trần từ sau năm 1320. Chính vì thế, theo nhà nghiên cứu này, giả thuyết về đồ ngự dụng của nhà Trần do TS Trí đưa ra rất thuyết phục.

Trên thực tế, các di tích nổi tiếng có liên quan đến lịch sử nhà Trần ở Đông Triều nằm khá gần nhau, hợp thành một tập hợp. Chúng bao gồm am Ngọa Vân nơi vua Trần Nhân Tông tu hành và hóa Phật, chùa Quỳnh Lâm nơi phát tích của Thiền phái Trúc Lâm, đền An Sinh nơi thờ các vua Trần. Đặc biệt, trong tổng thể di tích này có quần thể 7 lăng mộ của 7 vua Trần hiện còn ở khu vực An Sinh.

“Từ khu lăng mộ này đến địa điểm phát hiện ra chiếc hộp rất gần”, TS Trí cho biết. Nếu đi bằng đường mới qua hồ nước mất khoảng 3 km để tới đây. Nhưng đó là đường vòng. Nếu trước kia có những con đường thẳng hơn, chắc chắn chỉ mất khoảng hơn 1 km”.

Chính khoảng cách quá gần này khiến các nhà khoa học của TTNCKT liên hệ tới cứ liệu lịch sử liên quan đến khu lăng mộ. Một cứ liệu lịch sử đã “mỉm cười” với họ. “Vua Trần Anh Tông mất khi đã là Thái thượng hoàng. Sau khi ông mất, vợ ông là Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng thái hậu đã dời lên gần lăng mộ ông để tiện bề hương khói cho chồng”, một nhà khoa học ở TTNCKT nói.

Tuy sử sách không nói rõ chỗ ở cụ thể của vị hoàng thái hậu kể trên, nhưng nó hẳn phải ở rất gần với khu lăng mộ. Thêm vào đó, kích thước, cách trang trí của hộp cũng khiến nhiều người nghĩ đến vật dụng đựng trang sức. Điều này cũng khá phù hợp với việc chủ nhân của nó là một vị hoàng thái hậu. “Như vậy, khả năng chiếc hộp vàng là đồ vật của chính vị hoàng thái hậu này hoàn toàn có thể xảy ra”, một nhà khảo cổ giấu tên nhận định.

Trinh Nguyễn

>> Bảo vật hộp vàng hoa sen bị mất nắp?
>> Sẽ trưng bày bảo vật "hộp vàng hoa sen"?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.