Hợp tác làm phim với nước ngoài: Có tiếng mà không có miếng

18/09/2013 03:25 GMT+7

Tây' và 'ta' cùng hợp tác sản xuất phim điện ảnh và truyền hình không còn là xu hướng mới, nhưng đến giờ những cái bắt tay này chưa thực sự phát huy hết 'quyền năng'.

'Tây' và 'ta' cùng hợp tác sản xuất phim điện ảnh và truyền hình không còn là xu hướng mới, nhưng đến giờ những cái bắt tay này chưa thực sự phát huy hết 'quyền năng'.

 Hình ảnh trong phim Mùa len trâu, bộ phim hợp tác giữa Việt Nam, Bỉ và Pháp - d
Hình ảnh trong phim Mùa len trâu, bộ phim hợp tác giữa Việt Nam, Bỉ và Pháp - Ảnh: Tư liệu

Thường những bộ phim hợp tác luôn được kỳ vọng về mặt chất lượng, với nhiều mới mẻ và đột phá. Nhưng thực tế, nhiều dự án hợp tác sản xuất phim mới chỉ “có tiếng mà không có miếng”, phim làm ra chất lượng kém, gây thất vọng cho khán giả.

Mới đây, Lọ lem Sài GònRanh giới trắng đen - hai bộ phim được quảng cáo rầm rộ với việc hợp tác với đoàn làm phim nước ngoài (trong đó có cả những vị trí chủ chốt như đạo diễn, diễn viên…) đến từ Hàn Quốc và Indonesia, đã khiến khán giả lắc đầu ngao ngán vì… quá dở. Thất bại này cho thấy người ta đã nhầm khi nghĩ cái mác “ngoại” đơn thuần chỉ là hình thức, dùng làm 'mồi câu' công chúng.

Bên cạnh đó, trước nay nhiều bộ phim hợp tác là những bộ phim “kỷ niệm”. Không ít các tác phẩm theo tiêu chí này rất dễ bị chế biến thành những món khô khan, nhạt miệng, và hệ lụy là khó hấp dẫn khán giả. Chuẩn bị lên sóng vào cuối tháng 9 này, liệu Người cộng sự - bộ phim hợp tác giữa Đài truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình TBS Nhật Bản sẽ phá tan những nghi ngại về phim “kỷ niệm” bấy lâu nay?

Đôi đũa lệch

Những nguyên nhân khiến việc hợp tác sản xuất phim không thành công như mong đợi đã được đưa ra mổ xẻ. Trong đó, hầu hết các dự án hợp tác mới chỉ dừng lại ở hình thức, các nhà làm phim trong nước mới chỉ vô tư coi đây giống như “cơ hội để học hỏi kinh nghiệm làm phim”, chứ chưa nghiêm túc nghĩ đến việc kinh doanh điện ảnh như nhiều nước trên thế giới. Hàn Quốc và Trung Quốc, hay Hollywood và châu Á đã liên tục phát triển những dự án hợp tác sản xuất phim điện ảnh và truyền hình chung. Mục tiêu của các ngành công nghiệp điện ảnh này là “lợi dụng” lẫn nhau trong việc mở rộng đối tượng công chúng, phát hành phim tại thị trường nước ngoài và tất nhiên cuối cùng là tăng doanh thu.

“Xuất khẩu” phim đang là mục tiêu phấn đấu của nền điện ảnh Việt. Vừa qua Công ty Thiên Ngân cho biết đã ký được thỏa thuận hợp tác với đơn vị phát hành phim toàn cầu là Asia Releasing LLC. Bộ phim Lửa Phật (Công ty BHD sản xuất) cũng đã được một số công ty nước ngoài mua bản quyền để phát hành tại nhiều khu vực trên thế giới. Đây là dấu hiệu đáng mừng với việc xuất khẩu phim Việt, nhưng đó chỉ là những cuộc kinh doanh riêng của nhà sản xuất với công ty phát hành, trong khi mảnh đất hợp tác sản xuất phim lại đang bị bỏ dở.

Trước đây từng có bộ phim Mùa len trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh được sản xuất với sự hợp tác của ba hãng phim Việt Nam, Pháp và Bỉ, đã được công chiếu tại Việt Nam, Pháp và Mỹ, nhưng đây chỉ là trường hợp hiếm hoi.

Dù vậy cũng có một tia sáng mới cho thấy sự thay đổi trong việc hợp tác phim, đó là dự án sản xuất 30 tập phim truyền hình của Đài truyền hình Việt Nam với Công ty CJ (Hàn Quốc). Hai bên đối tác cùng đầu tư kinh phí làm phim với tỷ lệ 50/50 và cùng chia sẻ trách nhiệm tìm kiếm lợi nhuận cho phim. Đầu ra của bộ phim đã được hướng tới thị trường Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác.

Rõ ràng, chỉ khi thị trường làm phim trong nước và nước ngoài không còn là những “đôi đũa lệch”, các nhà làm phim cùng đứng trên một mục tiêu thì việc hợp tác mới giúp phim Việt đi quãng đường xa hơn.

Nhiều cái khó

“Không phải các nhà làm phim Việt Nam không nghĩ đến việc “xuất khẩu” phim qua hợp tác sản xuất, nhưng họ có nhiều cái khó. Nhìn vào thực tế, Việt Nam vẫn là thị trường điện ảnh còn quá nhỏ, chưa mấy ai hào hứng trong việc hợp tác sản xuất phim. Trung Quốc hay Hàn Quốc có thể kết hợp với nhau vì đó đều là hai thị trường điện ảnh lớn. Họ có những nghệ sĩ được hâm mộ ở cả hai quốc gia. Phim thương mại cần có ngôi sao, còn nghệ sĩ của chúng ta vẫn chưa có người hâm mộ ở nước ngoài. Ngược lại, một nhà sản xuất Việt Nam muốn mời một diễn viên nổi tiếng của quốc tế thì đụng ngay đến chuyện chi phí, và ngay bản thân ngôi sao đó khi được mời cũng e ngại với nền điện ảnh mà họ chưa biết gì. Chỉ khi nào nền điện ảnh trong nước đủ vững thì may ra mới có khả năng làm được việc đó. Còn hiện nay, hầu hết chúng ta mới chỉ hợp tác ở những dự án nhỏ mà thôi” - đạo diễn Phan Đăng Di.

Ngọc An

>> Cắt giờ phim Việt
>> Nhiều "bom tấn" đổ bộ rạp phim Việt mùa hè
>> Diễn viên Hồng Kông Hoàng Thu Sinh: “Nếu đóng phim Việt Nam thì vai gì cũng đóng”
>> Chờ đợi gì phim Việt ?
>> Vì sao phim Việt thất thế trên sân nhà ?
>> Phim Viet Costas: Citizenship undefined đoạt giải nhất
>> Liên hoan phim Việt - Hàn lần thứ 1
>> Phim Việt thời thiếu vai để đời: Bỏ phí người tài!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.