Hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước - Kỳ 5: Gay go mặt trận ngoại giao

30/05/2012 03:30 GMT+7

Từ năm 1963 đến 1968, tôi tham gia nhiều hội nghị phụ nữ quốc tế lớn, ở Moskva (Liên Xô), Sofia (Bulgaria), Nimes (Pháp).

>> Kỳ 4: Trong sào huyệt mật thám
>> Kỳ 3: Cả thành phố xuống đường
>> Kỳ 2: Theo tiếng gọi non sông
>> Kỳ 1: Thời niên thiếu ở Phnom Penh
>> 
Chị Hai Bình - gia đình, bạn bè và đất nước

Phụ nữ thế giới đều ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của Việt Nam, nhưng không phải lúc nào cũng thông cảm hết các yêu cầu của ta. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Phụ nữ quốc tế ở Salzburg (Cộng hòa Áo), Jeannette Vermeersch, là người ủng hộ chúng ta rất tích cực, nhưng chị lại thắc mắc: “Tại sao chúng mày cứ quá nhấn mạnh Mỹ là đế quốc xâm lược, nếu nói vậy mà Mỹ nó rút đi thì chúng tao sẵn sàng nói ngay!”.

Tôi cười đáp: “Chị Jeanette ơi, theo tôi chúng ta lên án họ còn ít quá nên đã không làm cho họ phải quan tâm đến ý kiến của chúng ta đấy”. Chúng tôi cùng ôm nhau cười và Jeanette bảo: “Thôi được rồi, chúng tao rất yêu mến nhân dân Việt Nam nên chúng tao cũng “chiều” theo chúng mày vậy!”. Nghị quyết của hội nghị được thông qua với lời lẽ lên án Mỹ rất mạnh mẽ. Bạn bè yêu mến chúng ta không chỉ vì tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh của chúng ta mà còn vì cảm phục quyết tâm và tinh thần hy sinh to lớn của một dân tộc nhỏ dám đứng lên chống lại một đế quốc khổng lồ, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ”, một David chống lại Golliath và càng đánh càng thắng.

Gay go mặt trận ngoại giao  
Bà Nguyễn Thị Bình (giữa) tại Đại hội Thanh niên Leningrad, năm 1962 - Ảnh tác giả cung cấp

Chúng tôi phải làm cho bạn bè năm châu hiểu rõ Mỹ đang tiến hành chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, đồng thời cũng phải nêu rõ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là đại diện duy nhất chân chính của nhân dân miền Nam chống xâm lược Mỹ. Những năm đầu điều này không dễ. Chúng ta nhấn mạnh như vậy là để phủ nhận việc chính quyền Sài Gòn rêu rao họ là “quốc gia”, là “yêu nước”. Nhưng nhiều bạn quốc tế cho ta nói vậy là quá cứng nhắc. Chúng tôi phải kiên trì giải thích rất khó khăn mới thuyết phục được. Về sau khi uy tín của Mặt trận ngày càng cao cả trong nước và ngoài nước, và sau tết Mậu Thân khi lực lượng Hòa bình và Dân chủ của luật sư Trịnh Đình Thảo ra đời, ta không nói Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là đại diện chân chính duy nhất nữa thì nhiều bạn bè lại không đồng tình, cho rằng dù thêm lực lượng yêu nước nào đi nữa thì Mặt trận vẫn xứng đáng là duy nhất và chân chính. Chúng tôi lại phải ra sức giải thích chiến lược tập hợp tối đa lực lượng của chúng ta, và vì yêu mến và tin cậy chúng ta nên cuối cùng bạn cũng đồng tình.

Đối với các chính phủ càng không dễ dàng. Ngay cả Liên Xô thời đó, tuy ủng hộ cuộc chiến đấu của chúng ta, nhưng nói đến “đế quốc Mỹ”, đến “xâm lược” thì cũng rất cân nhắc. Trong một số thông cáo chung với chính phủ các nước chúng tôi đến thăm thường phải thảo luận công phu, kiên trì mới thống nhất được ngôn từ. Thường họ tránh gọi đích danh Mỹ, và thay vì “xâm lược” thì nói “can thiệp”. Điều đó chứng tỏ uy quyền của Mỹ trên thế giới rất lớn, và cũng lại càng chứng tỏ quyết tâm to lớn và ý nghĩa vĩ đại trong cuộc chiến đấu của chúng ta.

Chúng tôi rất quan tâm đến việc tranh thủ các lực lượng hòa bình, chống chiến tranh ở Mỹ. Lần đầu tiên tôi gặp một số đại diện phong trào phản chiến Mỹ là ở cuộc họp tổ chức tại Bratislava (Cộng hòa Slovakia) năm 1967, có khoảng 40 người tham dự. Cảm giác đầu tiên của tôi về những người Mỹ này không lấy gì làm tốt đẹp. Họ ăn mặc lôi thôi lếch thếch, có người mũi giày hở toác ra, ăn nói thì rất tự do. Nhưng vào hội nghị, khi tôi trình bày tình hình Việt Nam, đặc biệt ở miền Nam, tội ác của quân đội Mỹ, nguyện vọng của nhân dân ta chỉ mong muốn có hòa bình, độc lập, không hề làm ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ..., họ chăm chú lắng nghe, đặt nhiều câu hỏi.

Hội nghị hai ngày, không khí mỗi lúc cởi mở, thân thiện hơn. Cuối cùng hai bên siết tay nhau, hứa hẹn sẽ nỗ lực làm cho dư luận các nước, đặc biệt là Mỹ, hiểu rõ thực tế ở Việt Nam, sẽ cùng nhau tăng cường đoàn kết để sớm chấm dứt cuộc chiến tranh mà cả nhân dân Mỹ cũng không hề mong muốn. Riêng tôi còn có hai cuộc gặp mặt với phụ nữ Mỹ, một ở Jakarta (1965), một ở Paris (1967), các cuộc gặp mặt giữa phụ nữ hai nước có nét đặc biệt riêng, tình cảm hơn và dễ thông cảm với nhau hơn.

Khi nói đến những đau khổ của phụ nữ và trẻ em Việt Nam, nhiều chị người Mỹ không cầm được nước mắt. Những cuộc gặp này chủ yếu do Phong trào Phụ nữ đấu tranh cho Hòa bình (Women Strike for Peace) tổ chức. Sau năm 1975, khi sang Mỹ tôi còn gặp lại một số chị như Cora Weiss, Mary Clark - những thành viên tích cực của phong trào này... Tôi nghĩ đây là những người bạn ta không bao giờ được quên, họ thật sự đã dành một phần quý báu cuộc đời mình dũng cảm đấu tranh cho Việt Nam.

Những năm 1963-1965, trong phong trào cách mạng quốc tế xuất hiện những bất đồng, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc đấu tranh của nhiều nước và gây cho ta nhiều tình huống khó xử. Lúc đầu Trung Quốc phát động chiến dịch phê phán chủ nghĩa xét lại Nam Tư. Đài, báo Trung Quốc đưa ra những lập luận gay gắt mà sắc sảo dễ thuyết phục người nghe. Sau đó họ chuyển sang công kích trực tiếp Liên Xô. Người đứng đầu Liên Xô là Khrushchev bị lên án là xét lại, là thân Mỹ. Chủ trương của chúng ta là phải tranh thủ sự ủng hộ của cả phe xã hội chủ nghĩa, đặc biệt “hai ông anh lớn” Liên Xô và Trung Quốc, chỗ dựa của cuộc chiến đấu đang rất gay go quyết liệt của chúng ta. Theo tôi, nói chung trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chúng ta đã cố gắng giữ vững được lập trường đó, nhưng trong thực tế không phải lúc nào cũng xử sự được dễ dàng.

Tại Đại hội Phụ nữ quốc tế tháng 7.1963 ở Moskva đã nổ ra một cuộc tranh luận ồn ào giữa đoàn đại biểu Trung Quốc với ban tổ chức. Đại biểu phụ nữ Trung Quốc lên cướp micro để tuyên bố lập trường của mình. Cả hội nghị hỗn loạn, sau đó giải tán. Đoàn đại biểu Việt Nam mà tôi là trưởng đoàn rất gần gũi với đoàn Trung Quốc nhưng chúng ta cũng không tán thành xung đột với Liên Xô. Từ đó tại các hội nghị của các tổ chức dân chủ quốc tế vắng mặt đoàn Trung Quốc.

Khoảng giữa năm 1964, tại Đại hội Hòa bình ở Moskva, hẳn là để tranh thủ cảm tình của đại diện các nước, Chủ tịch Khrushchev tổ chức một cuộc chiêu đãi chào mừng lớn ở Cung hội nghị Kremlin. Tôi là trưởng đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, suy nghĩ không biết khi đến gặp ông chủ tịch đầy tai tiếng này thì nên nói gì? Sau cùng tôi đến bắt tay Khrushchev, tự giới thiệu là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đại diện cho nhân dân miền Nam đang chiến đấu chống Mỹ, cảm ơn nhân dân Liên Xô đã ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của chúng tôi, mong rằng cùng với nhiều nước khác trên thế giới, Liên Xô ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa. Không biết người phiên dịch có nói hết ý tôi không, chỉ thấy Khrushchev mỉm cười, gật gật. Tôi thở phào, thấy mình không có cách nào nói đúng lập trường hơn!

Nguyễn Thị Bình

>> Hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước - Kỳ 3: Cả thành phố xuống đường
>> Hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước - Kỳ 2: Theo tiếng gọi non sông
>> Thời niên thiếu ở Phnom Penh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.