Hội họa - kênh đầu tư hấp dẫn

06/02/2012 03:14 GMT+7

Christie's vừa đưa ra bản báo cáo cho thấy năm 2011 doanh số bán các bộ sưu tập và tác phẩm nghệ thuật của nhà đấu giá này tăng 14% so với năm 2010, đạt 5,7 tỉ USD.

Christie's vừa đưa ra bản báo cáo cho thấy năm 2011 doanh số bán các bộ sưu tập và tác phẩm nghệ thuật của nhà đấu giá này tăng 14% so với năm 2010, đạt 5,7 tỉ USD.

Christie's vượt Sotheby's

Chìa khóa của sự thành công là sự tăng trưởng trong bán ra các tác phẩm thời hậu chiến và đương đại. Theo nhận định của các nhà phân tích thuộc Bloomberg, năm 2011 chỉ riêng với các tác phẩm nghệ thuật đương đại, Christie's đạt 1,15 tỉ USD và Sotheby's - 550 triệu USD. Đến cuối tháng 2.2012, Sotheby's mới công bố doanh thu năm 2011, nhưng ngay từ bây giờ có thể khẳng định, so về kết quả kinh doanh, Christie's đã vượt Sotheby's.

Tác phẩm của các danh họa đương đại như Andy Warhol, Roy Lichtenstein, Mark Rothko (đều của Mỹ) và Gerhard Richter (Đức) là địa chỉ đầu tư khá tin cậy. Chẳng hạn bức I Can See the Whole Room!... and There's Nobody in It! (Tôi nhìn khắp căn phòng… nhưng không có ai!) của Lichtenstein đạt giá kỷ lục: 43,2 triệu USD. Đây là lần thứ hai nghệ thuật đương đại lên ngôi, vượt qua mốc 1 tỉ USD. Vào năm 2007, các tác phẩm của Andy Warhol, Damien Hirst (Anh) và Jeff Koons (Mỹ) đạt doanh thu 1,2 tỉ USD.

 
Tác phẩm I Can See the Whole Room!... and There's Nobody in It!

Khá thú vị khi năm 2011, Christie's ghi nhận sự suy giảm của tác phẩm thuộc chủ nghĩa Ấn tượng và chủ nghĩa Tân thời - địa chỉ mà các chuyên gia hội họa năm nào cũng khuyên nên đầu tư vào đó. Bởi, tác phẩm của các danh họa đại diện cho các chủ nghĩa này như Bruegel (Hà Lan), Picasso (Tây Ban Nha) không khi nào xuống giá. Chẳng hạn, năm 2010, bức Nu au plateau de sculpteur (Khỏa thân trên đồi nhà điêu khắc) của Picasso được Christie's bán với giá kỷ lục: 106,4 triệu USD.

Tề Bạch Thạch “thắng” Picasso

Từ năm 1997 đến 2010, tác phẩm của Picasso luôn dẫn đầu thị trường tranh, nhưng đến năm 2011, vài họa sĩ Trung Quốc đã vượt danh họa người Tây Ban Nha. Chẳng hạn, tranh của Zhang Daqian (1899-1983) năm rồi đạt doanh thu 506,7 triệu USD, còn Tề Bạch Thạch (1864-1957) - 445,1 triệu USD (năm 2011 tranh của Picasso thu về chỉ 311,6 triệu USD). Hai họa sĩ này còn chưa được biết nhiều trên thị trường tranh quốc tế, nhưng tại Trung Quốc họ rất nổi tiếng. Người Trung Quốc mua tranh của danh họa Trung Quốc, chẳng thế mà nhà đấu giá Beijing Poly được thành lập năm 2006, nay đứng thứ ba thế giới, sau Christie's và Sotheby's.

Năm 2011, doanh thu các tác phẩm hội họa cổ điển của Trung Quốc tăng 20%. Còn với hội họa hiện đại, họa sĩ Cui Ruzhuo (sinh năm 1944) có bức Hoa sen bán tại chi nhánh Christie's ở Hồng Kông đạt giá kỷ lục 15,8 triệu USD. Chi nhánh này năm qua đạt doanh thu cao nhất: 835,7 triệu USD.

Người Mỹ, người châu u ngoài quan tâm đến các họa sĩ của mình, giờ bắt đầu chú ý và mua các tác phẩm của các họa sĩ đương đại Trung Quốc và châu Á. Điều này hứa hẹn thị trường tranh châu Á trong vài năm tới sẽ sôi động hơn.

Năm qua, tổng doanh thu từ bán tranh trên toàn thế giới đạt 11,25 tỉ USD. Trong số 15 họa sĩ có tranh bán lời nhất, có tới 10 họa sĩ Trung Quốc. Trong thời gian tới, có thể tên tuổi của Tề Bạch Thạch, Zhang Daqian sẽ được toàn thế giới biết đến và tác phẩm của họ sẽ ngày càng lên giá. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, đầu tư vào hội họa không chỉ là cách bảo toàn vốn mà còn là địa hạt cho lợi nhuận khá cao.

Tranh của Paul CEzanne đạt giá 250 triệu USD

Bức Card Players (Chơi bài) do họa sĩ người Pháp Paul Cezanne vẽ năm 1895 đã được hoàng gia Qatar mua với giá 250 triệu USD vào hôm 2.2 vừa qua. Như vậy, Cezanne trở thành họa sĩ có tác phẩm đạt giá kỷ lục tại các cuộc mua bán cá nhân.

Card Players thuộc sở hữu của tỉ phú người Hy Lạp George Embiricos. Vào mùa đông 2011, Embiricos rao bán bức tranh, khi đó có hai nhà sưu tập là William Acquavella và Larry Gagosian trả 220 triệu USD nên cuối cùng hoàng gia Qatar mua được bức tranh này.

Trước đó, bức tranh đắt nhất trong bộ sưu tập cá nhân là Nu au plateau de sculpteur của Picasso đạt giá 106,4 triệu USD năm 2010. Tiếp đến là bức №5, 1948 của Paul Jackson Pollock (Mỹ) bán được 140 triệu USD vào năm 2006 và trong năm này, bức Woman III của Willem de Kooning (Mỹ) bán được 137,5 triệu USD.

Bảo Quyên

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.