Hội An, Mỹ Sơn cần cơ chế đặc thù

18/12/2014 09:00 GMT+7

Đó là ý kiến của ngành chức năng tại hội nghị Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hội An, Mỹ Sơn qua 15 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hội nghị do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hôm 16.12.

Đó là ý kiến của ngành chức năng tại hội nghị Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hội An, Mỹ Sơn qua 15 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hội nghị do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hôm 16.12.

Hội An, Mỹ Sơn cần cơ chế đặc thù 1Chính quyền Hội An kiến nghị cần có cơ chế đặc thù để bảo tồn, tôn tạo phố cổ - Ảnh: Hoàng Sơn
Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh, cho biết với những chính sách phù hợp trong 15 năm qua, hai di sản văn hóa Hội An và Mỹ Sơn đã giải quyết hài hòa được mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế xã hội, trở thành trung tâm du lịch lớn. Trong 15 năm, tổng lượt khách đến Hội An và Mỹ Sơn đạt gần 17 triệu lượt, trong đó khách quốc tế gần 9 triệu lượt.
Bảo tồn gặp khó
Tuy nhiên, theo ông Hài, công tác bảo tồn hai di sản thế giới hiện đang gặp nhiều khó khăn. Khu phố cổ Hội An là một di tích “sống”, đa số thuộc sở hữu tư nhân nên nhận thức và lợi ích của các chủ di tích không phải lúc nào cũng thống nhất với các nguyên tắc bảo tồn. Trong khi đó, di tích tháp Chăm bằng gạch lại nằm trong môi trường khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt nên càng xuống cấp nghiêm trọng. “Do vậy, cần có sự tập trung chỉ đạo của các cấp, các ngành. Từ hội nghị này, chúng tôi kiến nghị Chính phủ, Bộ VH-TT-DL và các bộ, ngành T.Ư có cơ chế đặc thù cho việc trùng tu hai di sản văn hóa thế giới”, ông Hài nêu ý kiến.
Bộ ngoại giao hỗ trợ quảng bá hai di sản
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao), nhận định hai di sản là minh chứng cho việc ngoại giao văn hóa thông qua di sản. Bài học bảo tồn của Hội An và Mỹ Sơn đã vượt qua biên giới và đóng góp vào kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa trên thế giới. “Với một mạng lưới cơ quan đại diện khắp nơi trên thế giới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh quảng bá hình ảnh di sản Hội An và Mỹ Sơn đến với các nước. Đặc biệt, sẽ thúc đẩy các cam kết quốc tế về di sản từ phía UNESCO và các đối tác của chúng ta. Chúng tôi ghi nhận các ý kiến của ngành văn hóa Quảng Nam và phối hợp Bộ VH-TT-DL để hỗ trợ thiết thực cho hai di sản này”, bà Mai nói.
Ông Hài nói thêm, Hội An và Mỹ Sơn đang cần một cơ chế đặc thù về nguồn vốn đầu tư cũng như cơ chế riêng để tháo gỡ các vướng mắc. “Nguồn vốn đầu tư là để theo kịp công tác bảo tồn. Cần cơ chế riêng trong việc thực hiện công tác trùng tu, bởi trùng tu không thể rập khuôn theo các quy định của xây dựng cơ bản được. Như ở Hội An, các di tích nhà cổ vướng các quy định hiện hành của Bộ Xây dựng”, ông Hài nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho hay hơn 80% di tích Hội An thuộc sở hữu tư nhân nên khi tu bổ di tích địa phương đã gặp nhiều khó khăn trong quy định về tu bổ theo Nghị định 70/2012 và Nghị định 15/2013. Cụ thể, theo 2 nghị định này, một công trình nhà cổ muốn trùng tu phải được Bộ VH-TT-DL và Bộ Xây dựng thẩm tra; trong khi việc sửa chữa nhà cổ của người dân cần được tiến hành khẩn trương, số lượng nhiều. Thực tế này dẫn đến nhiều hồ sơ xin tu bổ di tích đã bị dồn ứ.
“Đầu tư cho di sản, 5 năm sau sẽ khác”
Theo ông Hài, Chính phủ đã có quyết định quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An và Mỹ Sơn nhưng nhiều năm qua vẫn chưa hỗ trợ ngân sách. Tại Hội An, qua 2 năm quy hoạch tổng thể được phê duyệt nhưng các dự án hầu hết chưa triển khai được vì chưa có nguồn vốn. Ngành văn hóa tỉnh cũng nhìn nhận, tiến trình đô thị hóa quanh phố cổ đang diễn ra mạnh mẽ do việc Hội An trở thành đô thị loại 2 (năm 2015). Nếu không có định hướng kịp thời, đô thị hiện đại sẽ lấn áp phố cổ.
Hội An, Mỹ Sơn cần cơ chế đặc thù 2Thánh địa Mỹ Sơn - Ảnh: Diệp Đức Minh 
Tại Thánh địa Mỹ Sơn, đến nay chỉ mới làm được một số dự án liên quan đến hạ tầng di tích và tu bổ các nhóm tháp G thông qua hợp tác quốc tế và tháp E7. Nhiều hạng mục chưa được thực hiện do thiếu nguồn kinh phí. “Bảo tồn di sản văn hóa không phải cứ cần có nhiều vốn, nhưng phải có tiền mới làm được”, ông Hài nói.
PGS-TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, dẫn các số liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hội An trong 15 năm qua và nhận định đầu tư vào phát huy giá trị di sản tạo ra nguồn thu rất lớn. “Cần cơ chế đặc thù thì phải chứng tỏ cho Chính phủ biết rằng, phải bỏ vốn đầu tư vào di sản văn hóa. Hãy ứng xử với di sản văn hóa bằng góc độ văn hóa và công bằng trong kinh tế học để phát triển. Đầu tư cho di sản, 5 năm sau sẽ khác”, ông Bài nhận định.
Nghiên cứu bộ máy quản lý di sản hợp lý
TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), đề nghị tỉnh Quảng Nam cần nghiên cứu mô hình, bộ máy quản lý hợp lý cho hai di sản. Ông đặt vấn đề, mô hình quản lý di sản Mỹ Sơn trực thuộc cấp huyện thì liệu có đảm bảo công tác khai thác giá trị từ di sản. Trong khi đó, di sản này cần phòng nghiên cứu riêng, phòng tu bổ riêng, phòng giáo dục riêng... với lượng biên chế lớn để quảng bá di sản tốt hơn. “Vậy cấp huyện liệu có cáng đáng nổi công tác quản lý một di sản văn hóa thế giới hay không? Liệu ngân sách địa phương có đảm đương được không?”, ông Hùng đặt câu hỏi và cho rằng cơ chế đặc thù cần cụ thể, chi tiết. “Cơ chế đặc thù áp dụng tại Di sản văn hóa thế giới cố đô Huế có 4 nội dung. Trong đó, có nội dung T.Ư sẽ hỗ trợ 100 tỉ đồng/năm (từ 2013 - 2020) để bảo tồn nhưng do khó khăn nên cũng không có vốn đầu tư. Do vậy, Quảng Nam phải chủ động nghiên cứu cơ chế đặc thù ở Huế và xây dựng cơ chế đặc thù cho hai di sản Hội An và Mỹ Sơn. Hai di sản cần cái gì cụ thể, sau đó làm việc với Bộ Tài chính để trình Chính phủ phê duyệt”, ông Hùng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.