Hồ Anh Thái - nhà văn đi sứ

25/06/2011 17:51 GMT+7

Không còn là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nhà văn Hồ Anh Thái cũng không xuất hiện trong các sự kiện văn học. Bạn bè biết rằng anh không chỉ rời khỏi Hà Nội mà còn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam: hiện anh đang là Tham tán - Phó đại sứ Việt Nam tại Iran.

Chào nhà văn - phó đại sứ. Vì sao anh lại đến Iran chứ không phải một đất nước nào khác?

Hơn hai chục năm qua, tôi nghiên cứu về Ấn Độ, mà giữa Ấn Độ và Iran có nhiều điểm chung về lịch sử, văn hóa, chủng tộc... Nên từ Ấn Độ mà xoay sang Ba Tư thì cũng không phải tay ngang.

Theo anh, điều tích cực nhất trong văn hóa Hồi giáo là gì?

Giáo lý nào cũng khuyên con người tự biết mình, biết vị trí của mình trong trời đất, và làm điều thiện, bỏ điều ác. Ở Iran, đời sống khá bình yên. Xe hơi để ngoài đường suốt đêm không ai vặt gương vặt đèn hay cào xước. Đi chợ, ta có thể mua đồ rồi bỏ đâu đó, sau quay lại nhặt, không bị ai lấy. Nhìn chung, người ta có cái nghiêm túc của đức tin, có thể diện để mà giữ sạch cho mình và cho xã hội.

Thế hệ trẻ Iran hiện nay có điểm gì chung và khác biệt với phần còn lại của thế giới?

Do tinh thần Hồi giáo nghiêm khắc, hầu như người ta không bia rượu, có chăng là loại bia non-alcoholic không cồn, nhưng cũng hiếm khi dùng. Iran có nhiều tiệm ăn nhưng không có quán rượu. Nhiều nhà hát, rạp chiếu phim nhưng không có vũ trường. Thanh niên chủ yếu hoạt động dã ngoại, đến với thiên nhiên: thể thao, leo núi, trượt tuyết, cắm trại… và đến nhà hát. Lái xe hơi đi lòng vòng cũng là một cái thú. Nhưng không có đua xe đâu nhé.

Anh đang ôm ấp dự định sáng tác nào với Iran?

Tôi sẽ viết tiểu thuyết về xứ Ba Tư ngày xưa và đất nước Iran hôm nay. Thêm một cuốn khảo luận về lịch sử, văn hóa, đất nước con người. Hai cuốn tiểu thuyết ra mắt trong thời gian tới đều là viết từ trước, còn hiện tại tôi phải tập trung vào việc cơ quan, chưa viết thêm được chữ nào.

Văn học có được coi trọng trong sinh hoạt văn hóa - tinh thần của người dân?

Ba Tư là xứ sở văn chương với các đại thụ cổ điển như Ferdowsi (sử thi Shahnameh), Saadi (Vườn hồng), Omar Khayyam (thơ Rubaiyat)... Người Iran hiện vẫn thích thơ và văn chương, là điều hiếm có trong xã hội hiện đại. Các hoạt động thơ ca, hội thảo văn chương vẫn thường xuyên, thu hút đông đảo công chúng.

Anh nghĩ vì sao điện ảnh Iran với số vốn đầu tư nhỏ và chỉ với đạo diễn “nội địa” lại thường thống trị trong những festival điện ảnh lớn mà họ tham gia?

Đầu những năm 1990, điện ảnh Iran nổi lên thành hiện tượng ở LHP Cannes, Berlin, Venice. Giới điện ảnh u Mỹ giờ đã gọi Iran là cường quốc điện ảnh. Người ta ngỡ ngàng sao lại có những kiệt tác điện ảnh giản dị mà lạ lùng đến thế. Người ta nói đến một triều đại trong điện ảnh Iran và điện ảnh thế giới khi gia đình Makhmalbaf (vợ chồng và hai người con) đều là những đạo diễn tuyệt vời. Tôi nghĩ điện ảnh Iran thành công vì trước hết họ có những tài năng lớn. Tài năng lớn ấy vượt lên trên sự hạn chế của kinh phí thấp, của máy móc thiết bị bình thường, và lách qua thành kiến của người duyệt phim.

Một yếu tố nữa khiến điện ảnh Iran thành công như ta thấy: Ba Tư là xứ sở của triết học và văn chương. Cái gốc triết học hàng nghìn năm đã khiến điện ảnh của họ, khi chạm đến vấn đề nhỏ nhất cũng gợi mở sự liên tưởng xa rộng nhất.

Anh thường giới thiệu những gì của Việt Nam cho bạn bè Iran?

Người Việt ở Iran thường bị nhận nhầm là người Trung Quốc, Nhật, Hàn… Một số người chỉ nhớ Việt Nam đánh Mỹ. Còn nhiều việc phải làm để tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau. Thử hỏi ta đã biết gì về những nhà văn Iran chủ lực trên văn đàn hiện nay? Cần phải góp phần tạo được sự giao lưu hai chiều cho văn học nghệ thuật Iran hiện đại đến với Việt Nam, và ngược lại.  

Ngô Thị Kim Cúc
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.