Hình thể hóa kịch Lưu Quang Vũ

28/08/2013 03:00 GMT+7

Một bản dựng mới kịch Lưu Quang Vũ vừa ra mắt đã tạo ra những ý kiến trái chiều trong công chúng yêu mến những tác phẩm của nhà viết kịch tài hoa này.

Có nên “vẽ rắn thêm chân” ?

Buổi làm việc của Nam Tào, Bắc Đẩu đáng lẽ không “vô trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đến thế nếu họ không cuống lên để đi dự tiệc nhà Tây Vương Mẫu. Chính vì thế, đáng lý phải gạch tên một kẻ bạc ác bất nhân, lừa thầy phản bạn, dối trá tham tàn thì Nam Tào, Bắc Đẩu lại gạch tên ông Trương Ba. Gạch tên trong sổ Nam Tào nghĩa là ông Trương Ba phải chết.

Phần mở của Hồn Trương Ba, da hàng thịt (diễn tối 26.8 tại Hà Nội) đáng lẽ phải cuống cuồng trong nhịp làm việc nhanh, rồi làm ẩu để còn đi hội của mấy vị quan nhà trời. Nhưng với bản dựng hình thể của NSND Lan Hương, Nhà hát Tuổi Trẻ, căn nguyên vô trách nhiệm ấy đã bị cắt. Suốt mười lăm phút đầu là những màn múa không rõ nghĩa. Trong khi Hồn Trương Ba, da hàng thịt chính là kịch bản thành công nhất của Lưu Quang Vũ. Kịch bản lớn bởi tầng sâu triết học gửi gắm vào đó.


Ông Trương Ba bị giằng xé giữa hai bà vợ - Ảnh: Nhà hát cung cấp

Không phải bản dựng kịch hình thể Hồn Trương Ba, da hàng thịt không có những miếng trò hay. Có cảnh ông Trương Ba bị đến hai bà vợ, một của mình, một của anh hàng thịt níu kéo. Mà ông lúc thì nghiêng bên này, khi lại nghiêng bên nọ. Tạo hình hai người vợ đứng trong hai bên đòn gánh của ông gợi nhớ đến cái cân. Thú vị. Hay một cảnh khác, khi quan trên đến nhà ông Trương Ba sách nhiễu, hắn trèo hẳn lên cổ hai bố con ông ngồi, gợi đến câu “đè đầu cưỡi cổ” mà dân gian hay nói.

Lúc cần thoại thì lại… múa

Thế nhưng, những cảnh đó rồi đều qua đi, trong khi khán giả lại chỉ thấy bài học về nhân cách, sự lựa chọn sinh tử của Trương Ba sao mà mờ nhạt. Mờ nhạt bởi logic tính cách của nhân vật chạy đi đâu hết. Để đến mức, việc Trương Ba xao xuyến trước vợ anh hàng thịt chỉ như một thói quen xác thịt cũ của anh hàng thịt. Trong khi, đúng ra đó là rung động trước một người phụ nữ không ngớt âu yếm chăm sóc mình tận tình. Những đoạn thoại bộc lộ nội tâm bị thốt ra với một đài từ yếu ớt. Chưa kể những đoạn đột nhiên nhạc nổi lên vào cao trào rồi tắt phụt không lý do. Rồi đúng lúc cần tập trung tung hứng thoại thì diễn viên lại múa - biểu diễn hình thể…

“Trong sân khấu, hình thể phải kết hợp thật chặt với nghệ thuật thốt lời”, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nói. “Đặc biệt với những vở diễn mà nghĩa của nó tràn qua lời trên bề mặt, đạt tới chiều sâu của đài từ thì không có cách gì mà dựng hình thể khơi khơi trên đấy được”.

Chê bản hình thể không phải bởi công chúng (trong đó có bà Thái) chỉ khăng khăng với những Trương Ba Trọng Khôi, vợ anh hàng thịt Lan Hương của những năm xưa cũ. Công chúng cũng từng mở rộng vòng tay với nhạc kịch Tin ở hoa hồng của Sân khấu kịch IDECAF (TP.HCM). Trong vở diễn đó, tuy Thành Lộc đôi chỗ ham vui quá đà mà hài hóa vở diễn, song Mỹ Duyên đã thực sự trở thành một bông hồng trong trẻo. Công chúng chê bản dựng Hồn Trương Ba, da hàng thịt lần này bởi kịch bản đã không được làm tới bởi sự ham lạ của đạo diễn, thành ra nhiều chỗ thừa thãi, trong khi nội tâm nhân vật lại bị ngó lơ.

Chỉ còn vài tháng nữa là tới Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ. Ở đó những vở diễn triết lý nhất, mang tính thời đại nhất của cố tác giả được dựng với nhiều thủ pháp khác nhau. Bài học từ những bản dựng kịch của ông cho thấy, nếu thủ pháp mang lại tươi mới thì hiểu nguồn căn của kịch tính, tính cách nhân vật mới là điều cốt tử. Mà chính sự “vỡ chữ kịch bản” ấy giờ đây nhiều nhà hát lại đang thiếu. Thiếu nó, mọi thủ pháp ngay lập tức rơi vào nguy cơ vẽ rắn thêm chân.

Hủy thoại, kịch Lưu Quang Vũ mất hay

Tôi không thích vở kịch hình thể Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Không thích không phải vì không thích kịch hình thể. Kịch đương nhiên là thoại, nhưng thoại của Lưu Quang Vũ quá sắc sảo. Vì thế biến Hồn Trương Ba, da hàng thịt thành hình thể mà hủy thoại là mất hết hay của vở. (Họa sĩ Lê Thiết Cương)

Thích sự thoát ly khỏi văn bản

Tôi thích một số màn diễn thoát ly khỏi văn bản của vở kịch hình thể Hồn Trương Ba, da hàng thịt, thể hiện sáng tạo, gửi gắm thêm của đạo diễn và biên đạo. Ví dụ những đoạn diễn cảnh hai vợ chồng ông Trương Ba, hạnh phúc đớn đau và ái ân chua xót của hai vợ chồng - người vợ luống tuổi và người chồng trong thân xác tráng niên. Chuyện tình cảm của họ không bị thể hiện thô tục mà xoáy nhiều vào khía cạnh nỗi đau trong lòng khi không thể chia sẻ được. Sự sáng tạo thêm từ kịch bản gốc của đạo diễn đã mở ra những trạng thái tâm lý rất sinh động.

Tôi cũng thích một số đạo cụ, chẳng hạn cái cuốc để cuốc ruộng, lại biến thành quân cờ khi chơi cờ, một lúc sau lại thành mái chèo đưa linh khi ông Trương Ba chết. Nó rất giống nghệ thuật truyền thống. (Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng)

Trinh Nguyễn

>> Gặp lại Hồn Trương Ba da hàng thịt
>> Thí sinh "Bước nhảy hoàn vũ" vừa nhảy vừa... diễn kịch
>> Nghệ sĩ Việt trẻ diễn kịch từ thiện tại Úc
>> “Ông tây” diễn kịch
>> Cựu binh Mỹ độc diễn kịch thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.