Hang Con Moong là mộ táng thời đồ đá

04/12/2012 03:10 GMT+7

Sở VH-TT-DL Thanh Hóa vừa phối hợp với Viện Khảo cổ Việt Nam công bố kết quả khai quật hang Con Moong và hang Mang Chiêng (thuộc xã thành Yên, H.Thạch Thành, Thanh Hóa) đợt 3 năm 2012. Đây là đợt khai quật, nghiên cứu kéo dài gần một năm, do các nhà khảo cổ Việt Nam và các nhà khoa học của Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga thực hiện.

Căn cứ vào hiện vật thu được, các nhà khảo cổ đã nhận định, hang Con Moong là di tích mộ táng của cư dân thời đại đồ đá. Di tích có địa tầng dày nguyên vẹn, minh chứng cho sự tiến triển về cổ khí hậu từ khô lạnh giai đoạn cuối băng hà (Late Pleistocene) sang nóng ẩm (Early Holocene); từ văn hóa thời đại đồ đá cũ sang đồ đá mới; từ kỹ nghệ chế tác công cụ mảnh sang kỹ nghệ cuội ghè; từ kỹ thuật ghè đẽo đến mài lưỡi công cụ; từ săn bắt, hái lượm sang trồng trọt sơ khai… Hang Con Moong chính là đại diện cho sự diễn tiến văn hóa gắn với nhiều giai đoạn trước Sơn Vi sang Sơn Vi, đến văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn và Đa Bút.

Hang Con Moong là mộ táng thời đồ đá
Hang Con Moong - Ảnh: Ngọc Minh

Còn tại hang Mang Chiêng, bước đầu các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật 6 m2 trong lòng hang và cũng đã thu được nhiều hiện vật, di cốt động vật, di cốt người tại đây. Di chỉ này cũng được các nhà khảo cổ nhận định là di chỉ mộ táng của cư dân thời đại đồ đá mới, có tổ hợp công cụ đá gần với văn hóa Hòa Bình. Tuy nhiên đặc trưng mộ táng kết cấu dạng cụm tròn, khác với văn hóa Hòa Bình.

Trong đợt khai quật lần này, các nhà khảo cổ còn phát hiện thêm một hang mới là hang Diêm, thuộc hệ thống di tích hang động tiền sử Thành Yên. Kết quả thu thập được trong đợt khai quật lần này là những tư liệu khảo cổ có giá trị, giúp các nhà khoa học có những đánh giá mang tính tổng thể trong quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận hang Con Moong là di sản văn hóa thế giới.

Ngọc Minh

>> Israel có thể đưa Iran trở về thời kỳ đồ đá?

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.