Hà Nội kỳ nhân, kỳ sự - Kỳ 4: Đào Nhật Tân có từ bao giờ ?

30/08/2012 03:15 GMT+7

Đào Nhật Tân - linh hồn của những ngày tết, cũng từng bị coi là hoa tư sản, bị ế ẩm và bị phá sạch hồi thập niên 50 thế kỷ trước.

Dân gian có câu “Đào Nhật Tân, phân Cổ Nhuế”, vậy đào Nhật Tân có từ bao giờ?

Trở lại thế kỷ thứ 7, Tống Bình trở thành thủ phủ của mười hai châu, năm mươi huyện thuộc An Nam đô hộ phủ do nhà Đường (Trung Quốc) lập ra vào năm 607. An Nam đô hộ phủ đặt ở vị trí mà nay là đất Phú Thượng, Nhật Tân (thuộc quận Tây Hồ). Quan và quân Trung Hoa ở đây không biết bao giờ được về quê hương và để bớt nỗi nhớ, đồng thời tính được thời gian ở Giao Chỉ, viên quan đứng đầu đã sai quân lên rừng Hoàng Liên Sơn đốn đào mang về trồng. Khi hoa nở, họ biết tết sắp đến ở quê nhà và cộng các mùa hoa lại, họ biết đã ở đất Giao Chỉ bao nhiêu năm.

Một giai thoại được sách chép lại là Tết  Kỷ Dậu (1789), sau khi tiêu diệt 20 vạn quân xâm lược nhà Thanh ở Thăng Long, Quang Trung đã sai quân phi ngựa thần tốc ngày đêm mang một cành đào Nhật Tân vào Phú Xuân để tặng công chúa Ngọc Hân thay thiệp báo tin mừng chiến thắng và cành hoa đào tươi thắm cũng là lời nhắn gửi tình cảm tới người vợ yêu. Vì là giai thoại nên có thể thật và không thật, nhưng ít nhiều đều xuất phát từ hiện thực cuộc sống. Xâu chuỗi với chuyện hoa đào ở An Nam đô hộ phủ thì có thể đưa ra kết luận hoa đào ở Nhật Tân rất có thể có từ thế kỷ thứ 7.

Để có được cành đào tươi thắm, người trồng đào phải trải qua nhiều vất vả - Ảnh: tư liệu
Để có được cành đào tươi thắm, người trồng đào phải trải qua nhiều vất vả - Ảnh: tư liệu
 

Đào phai bây giờ vẫn còn ở Nhật Tân nhưng còn đào bích có từ bao giờ? Trong một bài đăng trên Báo Hà Nội mới số Xuân năm 1981 có đoạn: “Đầu thế kỷ 20 có một khách phương xa đem đến quán Trấn Vũ một cành đào bích, cụ thủ từ là Đồng Khuê thấy hoa đỏ thắm rực cả góc chùa, nhận thấy đây là giống đào quý hiếm bèn ghép vào gốc đào ta để giữ giống rồi sau đó giao cho hai người làng Nhật Tân là Đường Nguyên và Hương Việt. Từ đó bích đào được dân làng Nhật Tân nhân rộng ra”. Đến Nhật Tân hỏi tung tích hai cụ Đường Nguyên và Hương Việt, nhưng vì chỉ có tên chữ, không có tên Nôm, nên không ai trong làng biết cụ Đường Nguyên và Hương Việt ở xóm nào. Khách phương xa đến quán Trấn Vũ nếu là người Việt Nam thì chắc hẳn phải có vùng đất nào đó ở miền Bắc có giống đào này. Tuy nhiên đến nay, không thấy sách xưa nói đến chuyện này. Nếu khách phương xa là người Trung Hoa thì có thể tin được vì từ xưa Trung Hoa đã có giống bích đào. Phải chăng bích đào ở Nhật Tân có nguồn gốc từ Trung Hoa?

Trước năm 1954, Nhật Tân có dinh Lẫm chuyên trồng đào nên còn gọi là dinh Đào. Dinh rộng chừng 5 ha trông ra hồ Tây. Tương truyền rằng ở đây có cây đào tổ. Ngoài dinh Đào thì dân cũng trồng ở những mảnh đất nhỏ và với dân số vài chục vạn người thì hàng vạn cành đào là đủ cung cấp cho thú chơi ngày tết của Hà Nội.

Ngày 10.10.1954, bộ đội về tiếp quản thủ đô. Đó là một ngày không thể nào quên với người Hà Nội và cả dân tộc khi Pháp buộc phải rút khỏi Việt Nam chấm dứt gần một trăm năm chiếm đóng mảnh đất hình chữ S. Tới tết ông Công, ông Táo, lác đác đã có nhà cắt đào mang vào phố và hớn hở về nhà. Nhưng những ngày sau thì mang đi lại mang về. Cả làng ngơ ngác. Đến 27 tết thì nỗi lo âu hiện ra trên nét mặt những người nông dân. Chợ hoa Hàng Lược đông hơn mọi năm nhưng lại ít người mua đào hơn. Dân làng không biết điều gì xảy ra và sau đó mới vỡ lẽ khi người đi chợ hoa bảo hoa đào là hoa của tư sản nên không ai muốn đón năm mới bằng thứ hoa của giai cấp vừa bị cách mạng lật đổ.

Người bán hoa nhớn nhác, người ở nhà thì nóng ruột khi không thấy con cháu về lấy thêm. Đến đêm ba mươi, người mua đào vẫn thưa thớt. Tết năm ấy nỗi buồn trùm lên Nhật Tân. Hoa đào ế chất đầy vườn. Sang năm 1955, dinh Đào bị phá sạch và người ta nuôi vịt nên có tên là trại Vịt. Một ngày, Chủ tịch Ủy ban hành chính Trần Duy Hưng về thăm nhà ở Xuân Đỉnh, đi qua dinh Đào quen thuộc với người Hà Nội, không thấy đào mà chỉ thấy vịt, ông ghé vào hỏi thăm mới biết chuyện. Ông khuyên mọi người quay lại trồng đào vì tin hoa đào là hoa của tư sản chỉ là tin đồn không căn cứ. Và cây đào hồi sinh ở Nhật Tân. Trước kia, đào chỉ được trồng ở một số diện tích nhất định trong làng và ở dinh cổ, sau do nhu cầu ngày càng lớn nên làng mới trồng trên đất lúa.

Người xưa hay ví người con gái xinh đẹp nhưng duyên tình trắc trở là “phận má đào”. Và đào Nhật Tân cũng có thân phận chẳng khác gì cô gái xinh đẹp kia. Năm 2001, dự án xây khu đô thị mới Ciputra liên doanh với nước ngoài triển khai thì cả ruộng đào nằm trong dự án nên bị thu hồi. Người sống chết với đào chết đứng, chạy ngược chạy xuôi gõ các cửa, báo chí lên tiếng nhưng thành phố đã quyết rồi... Và nhiều nhà âm thầm ra bãi sông Hồng gây dựng lại từ đầu. Một cú sốc nữa với đào Nhật Tân là năm 2006, năm đó chứng khoán là kênh thu hút rất đông người đầu tư, bỏ tiền vào mã nào cũng có ăn vì thế người ta kiêng màu đỏ và dân chứng khoán kiên quyết không trưng đào.

Bây giờ đào ngoài bãi rất đẹp, ấy là nhờ những người sống chết với loài hoa này, nhờ công lao và kinh nghiệm bao đời truyền lại. Đúng là những gì là của dân, thuộc về dân thì dân không bỏ dù ai đó muốn bỏ.

Bích đào hoa to, mỗi cụm chỉ độ dăm bông, mỗi bông có mười hai hay mười bốn cánh nhưng cũng có loại bông kép có tới ba hai cánh, loại này ít trồng vì không được người chơi ưa chuộng. Cánh bích đào dày có màu hồng thắm, xếp thành nhiều lớp bao bọc nhị vàng phía trong tỏa ra tua tủa, lá bích đào hình mũi mác màu xanh biếc, cành vươn thẳng đứng.

Nguyễn Ngọc Tiến
(Trích Đi dọc Hà Nội, Chibooks)

>> Hà Nội kỳ nhân, kỳ sự - Kỳ 3: Thụy Chương nấu rượu là đà cả đêm
>> Hà Nội kỳ nhân, kỳ sự - Kỳ 2: Răng đen, răng trắng và răng... tetracyline
>> Hà Nội kỳ nhân, kỳ sự - Ai xây tháp Rùa ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.