Giải thưởng Việt Nam học hướng đến đâu?

03/03/2009 22:31 GMT+7

Quỹ văn hóa Phan Chu Trinh đang chuẩn bị công bố giải thưởng VN học. PV Thanh Niên đã trao đổi với TS Chu Hảo, Phó chủ tịch quỹ xung quanh vấn đề này.

* Thưa ông, 2 năm sau ngày ra đời, Quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh đã hoạt động không mấy suôn sẻ, và phải đổi tên thành Quỹ văn hóa Phan Chu Trinh, vì sao?

- Chúng tôi đã xin phép thành lập Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh nhằm vận động tài chính hỗ trợ dịch thuật và xuất bản. Nhưng tiếc rằng Quỹ hoạt động không thành công. Mặt khác, có lẽ vì hai chữ “dịch thuật” không mấy hấp dẫn, không thu hút nhiều nhà tài trợ, nên chúng tôi đã đổi tên thành Quỹ văn hóa Phan Chu Trinh với mong muốn thu hút tài trợ và mở rộng phạm vi chứ không chỉ bó hẹp trong hoạt động dịch thuật. Với tên gọi mới, Quỹ văn hóa Phan Chu Trinh sẽ có nhiệm vụ tìm nguồn tài trợ, không những cho Dự án Tủ sách tinh hoa, mà còn tài trợ và tôn vinh các công trình nghiên cứu văn hóa đặc sắc, có ý nghĩa nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Mô hình hoạt động của Quỹ mới sẽ giống như một quỹ xã hội chuyên nghiệp.

* Trong tháng 3.2009, Quỹ sẽ công bố giải thưởng VN học. Vậy tiêu chí trao giải là gì ?

- Tác phẩm được trao giải phải là công trình khoa học nghiêm chỉnh, công phu, có giá trị thực sự đối với VN theo đánh giá của Hội đồng khoa học của giải thưởng. Ngoài ra, trong lĩnh vực nghiên cứu, bước đầu chúng tôi sẽ chọn những công trình có tính khoa học cao nhưng gần gũi với thực tiễn VN. Với các tiêu chí này, chúng tôi sẽ chọn một tác giả nước ngoài nghiên cứu VN học có uy tín trong giới học thuật quốc tế.

* Hiện nay có tình trạng dường như hội nào, quỹ nào cũng đua nhau trao giải thưởng, dẫn đến “bội thực”. Thậm chí, nhiều giải thưởng đã chết ngay khi mới chào đời...

- Đúng là có những giải thưởng chết ngay sau khi trao. Nhưng vẫn có những giải thưởng có uy tín không nhỏ. Ngày xưa, giải thưởng Tự Lực văn đoàn cũng chỉ là giải thưởng của một nhóm tư nhân, không phải là quan điểm đại diện cho cả nền văn học. Thế nhưng, bất kỳ nhà văn nào được giải thưởng này cũng tự coi là người may mắn. Giải thưởng văn học Pháp Goncourt cũng chỉ trao bằng mà không có tiền thưởng. Thế nhưng, những người được giải thưởng thì rất hào hứng và tác phẩm đoạt giải thì bán rất chạy.

* Ngoài giải thưởng VN học, Quỹ còn dự định trao giải Tinh hoa giáo dục quốc tế cho những cuốn sách dịch có giá trị về giáo dục. Lần trước, giải này được trao cho Bùi Văn Nam Sơn với bản dịch Phê phán lý tính thuần túy của triết gia Immanuel Kant. Liệu những cuốn sách này sau khi được trao giải có được đông đảo độc giả biết đến?

- Tủ sách Tinh hoa trí thức thế giới chủ yếu phục vụ giới tri thức. Có thể coi đây không phải là sách dành cho đại chúng. Nhưng không có nghĩa là chúng tôi coi thường việc phục vụ cộng đồng. Giải thưởng tuy không nhằm phục vụ đại trà nhưng không có nghĩa là không có tác dụng xã hội.

* Vậy ý nghĩa xã hội, ý nghĩa phục vụ cộng đồng ở đâu khi mà cộng đồng ít biết đến?

- Tiêu chí cụ thể sẽ do Hội đồng Quỹ đặt ra. Nhưng tiêu chí cao nhất mà chúng tôi hướng đến vẫn là những giá trị phổ quát về Chân, Thiện, Mỹ. Chủ trương của Quỹ văn hóa Phan Chu Trinh là khuyến khích dân chủ, khuyến khích tự do sáng tạo, nhưng không vi phạm pháp luật. Có thể Quỹ sẽ ủng hộ những tác phẩm không “ăn khách”, những công trình còn ít được Nhà nước và xã hội quan tâm, nhưng chắc chắn phải thỏa mãn các tiêu chí do Quỹ đề ra và chủ nhân của nó phải là những tài năng thật sự.

Nhân đây tôi cũng xin thông báo thêm là, Quỹ cũng sẽ trao các giải thưởng nghiên cứu văn hóa. Chẳng hạn, lần này đã có ý kiến đề xuất trao giải đặc biệt cho một nhà nghiên cứu lão thành xuất sắc ở TP.HCM. Chúng tôi hết sức trân trọng và hoan nghênh ý kiến đề xuất này và sẽ đề nghị Hội đồng khoa học của Quỹ xem xét, nếu học giả được đề cử đồng ý tham gia.

Y Nguyên
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.