"Giải phẫu sự phụ thuộc" (*)

29/11/2008 02:56 GMT+7

Nhật Bản bắt đầu công cuộc Duy Tân từ năm 1868 dưới thời Hoàng đế Meiji, ban đầu tập trung vào việc học những tri thức kỹ thuật - công nghệ, và từ những năm 1920-1930 chuyển sang khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có Phân tâm học và những ứng dụng vào tâm lý học chữa bệnh.

Ba cây đại thụ trong Phân tâm học của Nhật Bản là Kosawa Heisaku với chủ đề về phức cảm Ajase (biến thái của phức cảm Oedipe mang nhiều màu sắc Phật giáo), Kitayama Osamu về sự cấm đoán - "Không được nhìn", và Takeo Doi về những ý tưởng xoay quanh cái amae. Phong cách của ba tác giả này luôn mang tinh thần vận dụng học thuyết Freud vào hoàn cảnh nước Nhật, chứ không giáo điều.

Tư tưởng chỉ đạo công trình Giải phẫu sự phụ thuộc là đi tìm "tư duy của người Nhật Bản" và đem "so sánh với tư duy phương Tây, vì thấy nó không có tính logic mà mang tính trực giác"; định hướng đó chi phối động cơ nghiên cứu của tác giả một cách rõ ràng.

Phương pháp nghiên cứu của Takeo Doi không chỉ là chuyện ngôn ngữ, mà là sự thể hiện của tâm lý dân tộc trong lớp ngôn ngữ tồn tại và phát triển lâu đời với lịch sử dân tộc.

Cách nghiên cứu của Takeo Doi cũng lý giải vì sao người Nhật Bản hiện đại hóa đất nước song vẫn duy trì được văn hóa truyền thống; vì sao một dân tộc dân chủ hóa cao độ lại vẫn chấp nhận thiết chế phong kiến mà điển hình là vẫn duy trì lòng tôn trọng nhà vua; vì sao một dân tộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đến chân tơ kẽ tóc song lại không triệt để đòi hỏi tự do đến mức quá trớn; vì sao trong ứng xử, người Nhật Bản có vẻ như khó nói lời xin lỗi, song lại hối lỗi sâu sắc hơn hẳn người phương Tây...

T.Đ

(*) Giải phẫu sự phụ thuộc - bản dịch của Hoàng Hưng, NXB Tri thức, 2008.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.