Đừng ngơ ngác trước "Nhật ký chàng ngác ngơ"

14/04/2006 00:33 GMT+7

Nhật ký chàng ngác ngơ" là cái tên mới của Những cuộc phiêu lưu của tâm hồn mà Lê Hoàng viết từ năm 1984. Kịch bản này vừa được dựng bởi một cái tên đạo diễn lạ mà quen: Chiều Xuân - nổi danh với nghề diễn viên và lần đầu tiên đứng tên đạo diễn.

Như vậy gần như cùng lúc, 3 vở kịch đúng "chất" Lê Hoàng được tung hứng hằng đêm. Phía Nam có 2 vở Thiên thần gõ cửa của Sân khấu kịch Phú Nhuận và Con tàu lên thiên đường do Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM (5B Võ Văn Tần) dựng lại vở Đi tìm những gì đã mất nổi tiếng từ những năm 90 của Nhà hát kịch T.Ư. Nói những vở diễn này đúng "chất" Lê Hoàng nhất bởi lẽ đó đều là những kịch bản "nặng", bắt buộc diễn viên phải thuộc thoại, người xem phải tập trung lắng nghe những đoạn độc thoại dài, những cuộc đối thoại tung hứng kiểu Lê Thị Liên Hoan... Nhật ký chàng ngác ngơ được viết cho hai diễn viên chính đối thoại với nhau xung quanh tình yêu, đôi lứa và cả cái chết. Kịch bản đào sâu mối quan hệ giữa tác giả và các nhân vật của mình, thông qua đó đặt ra những câu hỏi lớn về vai trò của người nghệ sĩ trong xã hội, những suy tư trăn trở trong sáng tác và sự không thể phân biệt giữa hư cấu và thực tế.

Chiều Xuân trong vai một thiếu nữ đến tìm gặp một nhà viết kịch bản mà cô ngưỡng mộ, xin anh cho cô một vai diễn. Đạo diễn bị thuyết phục nên anh viết cho cô 3 câu chuyện và 3 lớp diễn buộc cô phải trộn lẫn nhân vật mình đóng với tình cảm cá nhân của mình. "Đây là một nhân vật rất khó đóng và tôi phải tự đóng luôn vai nữ chính", Chiều Xuân cho biết, "Không phải mình không tin vào khả năng của các diễn viên nữ khác mà tôi biết mình "ngấm" kịch bản và nắm đường dây vở diễn rõ ràng nhất để có thể tách bạch hai nửa hư và thực trong vở diễn này". Vai nam chính - ông đạo diễn do Trung Hiếu đảm nhận được đích danh đạo diễn mời tham gia. Chính Hiếu cũng tự lý giải khi nhận vai này là vì anh tin rằng, cứ những vai "không bình thường" thì y như rằng sẽ thành công. Tất nhiên, để những cuộc hội thoại liên tục dồn khán giả phải chú ý mà lại hấp dẫn được, thì bàn tay đạo diễn dứt khoát phải rất "nghề". Và Chiều Xuân đã chọn lối diễn xuất hơi khoa trương, cường điệu... Có lẽ sau đợt đi tu nghiệp nghề diễn viên tại  Pháp và làm trợ lý đạo diễn cho vở kịch Le neuveu de Rameau tại Nhà hát quận 20 Paris mà vở diễn đầu tay của Chiều Xuân mang rất nhiều màu sắc của kịch cổ điển Pháp. Điểm diễn là rạp Chuông Vàng, tuy bé nhưng nằm giữa những khu phố Tây của Hà Nội cũng khiến cho vở diễn thêm phần bên ngoài duyên dáng và cổ điển. Tuy nhiên màu sắc sân khấu đương đại của vở diễn này lại là điều cần thiết mà lâu nay vẫn thường bị coi nhẹ ở sân khấu Việt Nam. Đó là hiệu quả của âm nhạc, âm thanh và ánh sáng. May mắn cho Chiều Xuân, vở diễn này là công trình nằm trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ phát triển văn hóa VN của Pháp và các kỹ thuật viên sân khấu vừa tham gia khóa đào tạo về kỹ thuật thực hiện. Dưới bàn tay của Jean-Louis Lercebeau, giáo viên của Viện Đào tạo kỹ thuật sân khấu (Pháp), bốn màn diễn sẽ được điều chỉnh phù hợp, đặc biệt chú trọng vào những lớp diễn thực - hư đan xen nhau. m nhạc của vở diễn do nhạc sĩ trẻ Đỗ Bảo lần đầu tiên viết nhạc cho kịch cũng là một điều thú vị.

Với Nhật ký chàng ngác ngơ, tham vọng của những người tổ chức là đã đến lúc những người làm sân khấu không có quyền ngơ ngác trước những biến đổi nhanh chóng của kỹ thuật sân khấu. Người làm sân khấu đang rất cần những động lực như thế để có thể có một cú hích đủ lực, hấp dẫn người xem quay trở về với kịch nghệ.

Chu Minh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.