Dung dị làng tranh Đông Hồ

17/02/2010 15:29 GMT+7

Hỡi cô thắt lưng bao xanh Có về làng Mái với anh thì về Làng Mái có lịch có lề Có sông tắm mát có nghề làm tranh" (TNO) Câu ca dao ngày xưa đã níu kéo tôi tìm về Làng Đông Hồ - tên gọi của Làng Mái ngày xưa. Bấm vào đây để xem video clip

Những ngõ làng loanh quanh, những ngôi nhà với bức tường gạch nâu mộc nổi bật giữa những màu xanh của cánh đồng lúa, của bụi chuối, của những vạt cỏ ven đê và xa xa ngoài bãi đê là con sông Đuống uốn chảy êm đềm…

Đây đó thấp thoáng những sân phơi tranh với sắc màu xanh đỏ, với những lấp loáng sắc điệp. Những hình ảnh rất đặc trưng của nông thôn Bắc Bộ càng khiến ta đắm chìm, liên tưởng về một không gian xưa cũ.

“Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ đến tháng Chạp thì về buôn tranh”

Tôi nhớ rằng, ngày xưa ấy, cứ đến tháng Chạp là làng lại mở đến 5 phiên chợ bán tranh Tết vào những ngày 6, 11, 16, 21, 26. Năm tháng qua đi, những chợ phiên ngày ấy nay đã không còn, thế nhưng cái hồn của làng tranh Đông Hồ như vẫn nguyên vẹn như ngày xưa.


Chạm khắc bản in tranh

Làng tranh Đông Hồ ra đời từ thế kỷ 16. Điều đáng nói là dẫu cho một làng nghề tồn tại đến trên 500 năm nay nhưng vẫn chưa ai nghe nói đến ông tổ làng nghề. Tất cả tinh hoa dòng tranh dân gian này đều lưu truyền từ bàn tay nghệ nhân dân gian từ đời này sang đời khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ kia.

Cả làng có đến 17 dòng họ theo nghề tranh. Nhưng hiện chỉ có 3 gia đình theo nghề với những tâm huyết và đầu tư thực sự.

Như câu chuyện của dòng họ Nguyễn Đăng với 20 đời nối nghiệp mà người cầm trịch hiện nay là nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, người đã cùng UBND huyện Thuận Thành đầu tư 2,5 tỉ đồng xây dựng Trung tâm lưu giữ, bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ tại xã Song Hồ.

Ông cũng là người lưu giữ gần 1.000 bản khắc, khuôn tranh trong đó có nhiều bản khắc gỗ hiếm quý cách đây trên 200 năm và cả những bức tranh cổ từ 300 năm nay.

Từ những năm 11, 12 tuổi ông Chế đã theo ông bà ra chợ bán tranh tại đình làng. Có lẽ những ấn tượng ngày thơ bé về những phiên chợ Tết đã khiến ông đắm đuối, mê mải với những bức tranh dân gian đến như vậy.

Ông Chế cũng cho chúng tôi biết một chi tiết rất thú vị về làng tranh Đông Hồ này. Làng tranh Đông Hồ này thật sự có 2 nghề song hành, nghề làm hàng mã và làm hàng tranh.

Từ tháng 3 đến tháng 7 cả làng làm hàng mã, từ tháng 8 đến tháng Chạp âm lịch trở qua làm tranh. Theo ông Chế, nếu suy nghĩ theo một góc độ, một chừng mực nào đấy thì hàng mã là tín ngưỡng chứ không phải là mê tín; đây là cách để người sống nghĩ đến người chết, đáp ứng đời sống tâm linh.


Quét hồ điệp lên giấy dó

Trở lại với nghề làm tranh. Ông Chế cho biết tranh Đông Hồ có đến 180 loại khác nhau. Đề tài tranh khá phong phú, gắn liền với đời sống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng và nhất là phản ảnh chân thật đời sống của người dân Việt Nam ta. Có lẽ nhờ vậy mà dòng tranh này còn sống mãi với thời gian.

Tranh khắc gỗ Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam. Ngày xưa, mỗi khi đến dịp Tết Nguyên đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới. Thú chơi tranh ngày ấy thật là tao nhã, thâm trầm khi những mong muốn cho năm mới, người chơi tranh đều ý nhị gởi gắm vào nội dung bức tranh mình chọn mua.

Nhà thơ Tú Xương đã có câu thơ về tranh Đông Hồ như thế này: “Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột / Om sòm trên vách bức tranh gà”. Nghe qua như thấy một phong vị Tết nhất ẩn chứa vào mỗi một bức tranh nơi này.

Nét dân gian của tranh Đông Hồ không chỉ nằm ở bố cục, hình ảnh rất đặc trưng còn nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in. Người làng Đông Hồ thường mua giấy dó - làm từ vỏ cây dó, cũng sản xuất lại Bắc Ninh - và sau đó lấy vỏ con sò điệp tán nhuyễn trộn với hồ nếp và quét lên giấy dó, đem đi phơi khô.

Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên. Như đốt cây xoan hay lá tre để lấy than mài ra màu đen; lấy lá chàm hoặc gỉ đồng để có màu xanh; lấy hoa hòe tán ra màu vàng; lấy sỏi son hoặc gỗ vang mài ra màu đỏ.

Đây là những màu khá cơ bản, không pha trộn và vì số lượng màu tương ứng với số bản khắc gỗ, nên thường thường tranh Đông Hồ chỉ dùng tới bốn màu mà thôi. Bản khắc gỗ phải làm bằng gỗ cây thị thì mới cho ra những bản tranh sắc nét và màu mực mới tươi thắm được.


Phơi giấy điệp

Kề bên nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế là nhà cụ Nguyễn Hữu Sam, năm nay đã 77 tuổi. Gia đình cụ cũng đã có trên mười đời theo đuổi nghề tranh dân gian độc đáo này đây.

Cháu dâu của cụ Sam là chị Nguyễn Thị Dung về nhà chồng tính ra cũng đã trên 20 năm. Chị Dung cho biết gần làng có 2 phiên chợ họp hằng ngày đó là chợ Dâu và chợ Chằm. Những năm trước đây, chợ hay bày bán tranh nilon của Thái, của Tàu. Giá thì rẻ thật nhưng màu sắc thì lòe loẹt và xem ra nội dung không có ý nghĩa gì với ngày Tết quê nhà. Nay thì người dân đã trở lại chọn mua tranh Đông Hồ về treo cho ấm cúng.

Anh Nguyễn Hữu Quả, cháu cụ Sam cho biết, khách đến mua tranh thường chọn mua theo bộ sưu tập. Ngày Tết người dân Bắc Bộ thường chọn mua hai bức tranh đi theo đôi: Vinh hoa với hình ảnh bé ôm gà và Phú quý với hình ảnh bé ôm vịt. Đôi tranh này còn có ý nghĩa: Tiến tài Tiến lộc, Tài hằng nguyên trí, Lộc vị cao thăng.

Rồi cũng hình ảnh gà nhưng qua bức “Gà dạ xướng” thì đã có ý nghĩa là xua đi những điều không may mắn, đem lộc đến với gia đình. Hoặc với bức “Gà thư hùng” thì có ý nghĩa muốn cầu mong: “Lắm con nhiều cháu, giống cánh giống lông. No vợ đủ chồng, có đầu có mỏ”.


Những bản khắc gỗ đã có từ 200 năm nay của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế

Thú chơi tranh vốn là một thú chơi tao nhã. Người chơi tranh mua tranh về lại còn có thú làm thơ họa tranh. Hai bức đối nhau “Đánh ghen” và “Hứng dừa” luôn đem lại nhiều ý tưởng thú vị. Bức “Đánh ghen” được họa rằng:

“Măng non nấu với gà đồng
Thả chơi một trận xem chồng về ai”

Nhưng cũng có thể được dẫn sang một ý khác:

“Thôi thôi nuốt giận làm lành
Chi điều sinh sự, nhục mình, nhục ta”

Hoặc là:

“Mẹ về tắm mát nghỉ ngơi
Ham thanh chuộng lạ mặc thầy tôi với dì”

Trong khi đó, bức “Hứng dừa” thể hiện gia đình hạnh phúc được đề thơ rằng:

“Khen ai khéo tạo nên dừa
Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi”

Nhưng cũng có thể lại được ẩn ý khôi hài rằng:

“Này anh đồ tỉnh, anh đồ say
Đang cơn gió cả leo cây hái dừa
Cô đồ sao khéo hững hờ
Bỏ dừa bên dưới hứng dừa bên trên”


Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế với bức Chăn trâu thổi sáo

Có thể nói, niềm đam mê của ông Nguyễn Đăng Chế, của anh Nguyễn Hữu Quả đã khiến cho dòng tranh dân gian ngày xưa nay đã phục hồi. Chúng tôi chợt nhớ lời ông Chế tâm sự rằng, nhiều người nói rằng tranh Đông Hồ sẽ mai một đi, nhưng ông tin là với hồn Việt ẩn chứa trong mỗi bức tranh thì tranh Đông Hồ vẫn sống, như mạch sống đã lan truyền từ đời ông cha ta hàng 500 năm nay.

Một gian nhà Việt, những bức tranh cổ dung dị của người Việt tất cả đã tạo nên một hồn Việt không thể phai nhạt đi theo năm tháng. Ngày Tết Việt đã có những bản sắc riêng biệt chính từ những di sản văn hóa của cha ông ta như thế này đây.

Hồng Hạnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.