Đưa đờn ca tài tử vào trường học

06/12/2014 06:40 GMT+7

Kỷ niệm đúng 1 năm ngày UNESCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (5.12.2013), Sở VH-TT TP.HCM kết hợp Trung tâm văn hóa và CLB ĐCTT TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm về ĐCTT tại Bảo tàng TP.HCM vào sáng qua (5.12).

Đưa đờn ca tài tử vào trường học
Em Thế Thanh, 12 tuổi, một giọng ca tài tử gây bất ngờ - Ảnh: H.K

Nội dung buổi tọa đàm khá phong phú nhưng chủ yếu xoáy mạnh vào vấn đề làm sao đưa ĐCTT phát triển mạnh mẽ trong trường học. Nhạc sĩ Bùi Anh Tôn đề nghị: “Nên thành lập các câu lạc bộ ĐCTT trong trường học để các em tự sinh hoạt thêm và xin được Sở VH-TT hỗ trợ nhạc cụ”.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó giám đốc Sở VH-TT nói: “Chúng tôi có đến sinh hoạt tại Trường THCS Trần Đại Nghĩa, các em rất thích ĐCTT. Có em còn biết đàn nữa. Sở chỉ đạo các quận huyện phát hiện tài năng trẻ như thế để có kế hoạch bồi dưỡng”. Nghệ nhân dân gian Thanh Tùng cũng từng đi dạy thường xuyên cho các trường đại học, ông nhận thấy sinh viên cũng cảm thụ ĐCTT rất tốt chứ không đến nỗi thờ ơ.

Vấn đề quan trọng là dạy cái gì cho các em dễ nắm bắt. TS Mỹ Liên bức xúc: “Trong kho tàng ĐCTT còn biết bao nhiêu bài bản ngắn gọn, dễ thương như Lưu thủy hành vân, Thu hồ, Phong ba đình... sao không dạy mà đã vội bắt các em vô bài bản lớn hoặc dạy tân cổ giao duyên!”. Soạn giả Ngô Hồng Khanh lại lo lắng chuyện người dạy. Ông nói: “Ngoài trường học còn có các lò đào tạo riêng bên ngoài. Nhiều người mới học đờn chưa vững nhịp mà đã đi dạy, báo hại học trò mất căn cơ, nguy hiểm quá”. Chính vì vậy, nhạc sĩ Nhất Dũng mong các nghệ nhân trong các CLB ĐCTT hỗ trợ giảng dạy cho các trường học, bởi ngay các giáo viên trong trường cũng ít được tiếp xúc ĐCTT.

Hoàng Kim

>> Hết lòng với đờn ca tài tử
>> Truyền cảm hứng đờn ca tài tử cho học sinh
>> Caravan xe cổ ở xứ sở đờn ca tài tử
>> Nơi vinh danh đờn ca tài tử Nam bộ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.