Độc đáo mộ cổ Sài Gòn: Nơi an nghỉ của đệ nhất hào phú Nam kỳ

15/09/2015 06:12 GMT+7

Trong nhà thờ Huyện Sĩ (góc Tôn Thất Tùng - Nguyễn Trãi, Q.1, TP.HCM) cổ kính, uy nghiêm có một nhà mồ rất độc đáo.

Trong nhà thờ Huyện Sĩ (góc Tôn Thất Tùng - Nguyễn Trãi, Q.1, TP.HCM) cổ kính, uy nghiêm có một nhà mồ rất độc đáo.

Trong nhà thờ Huyện Sĩ (góc Tôn Thất Tùng - Nguyễn Trãi, Q.1, TP.HCM) cổ kính, uy nghiêm có một nhà mồ rất độc đáo.
Tượng ông Huyện Sĩ trong nhà mồ ở hậu cung nhà thờ Huyện Sĩ, TP.HCM - Ảnh: H.Đ.N
Tượng ông Huyện Sĩ trong nhà mồ ở hậu cung nhà thờ Huyện Sĩ, TP.HCM - Ảnh: H.Đ.N
Những bức tượng sống động
Muốn vào thăm nhà mồ này, nên đến nhà thờ Huyện Sĩ vào thời điểm trước hoặc sau các buổi lễ ngày chủ nhật (có 6 lễ), còn các ngày khác trong tuần chỉ có 2 thánh lễ sáng sớm và chiều tối (lúc 5 và 17 giờ) - thời điểm đó khá bất tiện cho người tham quan, mà các giờ khác thì nhà thờ đóng cửa.
Ngôi nhà mồ nằm phía sau cung thánh, dưới một mái vòm rất hài hòa với tổng quan của nhà thờ, cho nên nếu không được giới thiệu, khách tham quan sẽ dễ nhầm đó cũng là một trong những gian hậu thất của nhà thờ.
Bước qua chiếc cổng nhỏ với những song sắt thưa, khách sẽ thấy phần mộ của vợ chồng ông bà Huyện Sĩ, vợ nằm bên phải, chồng bên trái, theo đúng quan niệm “nam tả, nữ hữu” của người xưa. Trước mộ mỗi người là bức tượng bán thân (bằng thạch cao) ghi rõ họ tên, năm sinh, năm mất. Dưới tượng ông có tấm biển ghi: “Philippe Lê Phát Đạt (1841 - 1900)”, dưới tượng bà ghi: “Madame Philippe Lê Phát Đạt - Née Agnes Huỳnh Thị Tài (1845 - 1920)” (bà Philippe Lê Phát Đạt nhũ danh Agnes Huỳnh Thị Tài). Hai ngôi mộ nằm song song, cách nhau một lối đi khoảng 2 m. Mỗi mộ là một hộp vuông bằng đá cẩm thạch trắng nguyên khối cao khoảng 1 m, dài gần 3 m, có trang trí hoa văn. Trên nắp mộ là tượng toàn thân của ông bà với kích thước bằng người thật trong tư thế nằm, đầu hướng về cung thánh. Tượng bằng đá cẩm thạch nguyên khối và dính liền với phần mộ (chúng tôi đã xem xét rất kỹ nhưng không phát hiện kẽ hở giữa tượng và phần nắp mộ).
Tượng ông Lê Phát Đạt (tức Huyện Sĩ) đầu đội khăn đóng, kê trên 2 chiếc gối, mình mặc áo dài gấm, hai tay nắm trước ngực, chân đi giày. Tượng bà Huỳnh Thị Tài để đầu trần, cũng gối trên 2 chiếc gối, mắt nhắm kín, mặc áo dài gấm, hai bàn tay đan vào nhau trước ngực, chân đi vớ và mang hài thêu... Chắc chắn, ai đã đứng trước hai pho tượng này đều phải xuýt xoa vì vẻ đẹp hết sức tinh tế, mềm mại và sống động của hai pho tượng. Từ nét mặt đôn hậu như đang “an giấc ngàn thu” cho đến những đường nhăn của chiếc gối, của đôi vớ bà đi, đường lượn của đế giày, nếp gấp của áo, những sợi gân trên mu bàn tay..., thậm chí đến cả những vòng hoa văn hình tròn chữ Thọ in chìm trên áo dài gấm cũng được thể hiện một cách hết sức tinh xảo...
Phía cuối gian nhà mồ còn có 2 tượng bán thân đặt đối xứng trên tường. Đó là tượng vợ chồng người con trai ông bà Huyện Sĩ là Jean Baptiste Lê Phát Thanh (1864 - 1948) và vợ Anna Đỗ Thị Thao (1865 - 1922). Sở dĩ vợ chồng người con (Lê Phát Thanh) được đặt tượng tại đây vì đã có công dâng cúng 2 quả chuông (trong 4 quả chuông, đặt đúc bên Pháp) cho nhà thờ này, còn ông bà Huyện Sĩ thì hiến 1/7 tài sản của mình lúc đó để xây dựng ngôi nhà thờ sau này mang tên của chính ông.
Hai bên vách tường nhà mồ là những bức phù điêu cùng với cụm tượng (4 người) trên đài thờ ở chính giữa phía trong cùng nhà mồ, diễn tả lại cuộc tử nạn của Chúa Jesus. Tất cả đều được chạm khắc rất tinh xảo và sống động nhưng đáng tiếc là không thấy lưu tên nghệ nhân thực hiện.
Đại điền chủ giàu nhất Nam kỳ
Ông Lê Phát Đạt (quê quán tại Tân An, Long An) sinh tại Cầu Kho (Sài Gòn) trong một gia đình theo đạo Công giáo, thuở nhỏ ông có tên là Sĩ, tên thánh là Philippe. Ông được các giáo sĩ người Pháp đưa sang Pénang (Malaysia) du học. Tại đây Sĩ được học tiếng Latin, Pháp, Hán và quốc ngữ (lúc đó chữ Việt mới sơ khai). Do trùng tên với một người thầy nên Sĩ đổi tên thành Lê Phát Đạt.
Về nước, Lê Phát Đạt được Chính phủ Nam kỳ bổ dụng làm thông ngôn, rồi được đề bạt làm Ủy viên Hội đồng quản hạt Nam kỳ (năm 1880). Tuy nhiên, dù đã đổi tên nhưng người ta vẫn gọi ông là Sĩ... Cái sự “phất lên” trở thành một hào phú giàu nhất Nam kỳ của ông Sĩ (được lưu danh trong câu nói “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường...” của dân Nam kỳ) được nhiều người cho là nhờ “ăn may” và cả sự liều lĩnh. Vào thời điểm đó, Pháp vừa buộc triều đình Huế ký Hòa ước Giáp Tuất (1874, triều đình công nhận Nam kỳ là thuộc địa của Pháp, đổi lại Pháp trả thành Hà Nội và các tỉnh bị Pháp chiếm ở Bắc kỳ cho Nam triều). Do vậy, lòng dân tan tác, ruộng đất hàng chục ngàn mẫu bỏ hoang - không ai dám nhận là của mình vì sợ phải đóng thuế (cho Pháp) và sợ triều đình bắt tội là hợp tác với Pháp. Thấy đất ruộng bỏ hoang, chính quyền Pháp lập đoàn kiểm tra, khoanh vùng và bán đổ bán tháo cho các viên chức bản xứ, không mua cũng bị ép mua. Ông Sĩ mua hết, gia sản không đủ ông phải vay tiền từ nhiều nguồn để mua ruộng, rồi giao cho tá điền canh tác. Nhờ đất đai phì nhiêu, mưa thuận gió hòa, trúng mùa liên tiếp ông trở nên giàu sụ. Các con của ông như bà Lê Thị Bính (mẹ Nam Phương hoàng hậu), Lê Phát An, Lê Phát Thanh, Lê Phát Vĩnh, Lê Phát Tân... đều trở thành những đại điền chủ, họ có rất nhiều đất ở Tân An, Gò Công, Đức Hòa, Đức Huệ xuống tận vùng Đồng Tháp Mười...
Ông Lê Phát Đạt trích 1/7 gia sản để xây nhà thờ Chợ Đũi. Ông mất năm 1900 (trước khi nhà thờ được khởi công vào năm 1902, hoàn thành năm 1905). 20 năm sau, vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài qua đời. Thi hài của vợ chồng ông được đưa vào an táng trong nhà thờ, phía sau cung thánh như ngày nay. Nhà thờ Chợ Đũi cũng “mất tên” do người ta đã quá quen gọi ngôi giáo đường này là nhà thờ Huyện Sĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.