Đinh Q.Lê: Lòng tôi luôn mong trở về Việt Nam

20/11/2012 06:05 GMT+7

Ngay lập tức, một nhà nghiên cứu nước ngoài reo lên khi đọc lướt cuốn Nghệ thuật đương đại VN: “Đây rồi, Đinh Q.Lê. Anh ấy là người có thể vinh danh nghệ thuật VN trên thế giới”.

Với người ngoài là vậy, nhưng nghệ sĩ trong nước mới chỉ biết tới anh cách đây vài năm, bởi sự gia nhập của anh khá lặng lẽ. Sang Mỹ khi mới 11 tuổi, anh sống “ở bển” 14 năm mà không ngày nào không nghĩ mảnh đất đó chỉ là nơi tạm dừng chân chứ không phải là nhà, không phải là quê hương mình. Kết thúc khóa học master năm 1992, sau đó đi dạy 1 năm tại viện nghệ thuật ở Boston, tới ngày mở cửa, anh ngay lập tức trở về nước. Thoạt tiên anh đi đi về về, nhưng sau đó, anh ở lại hẳn kể từ năm 1997 để làm việc. “Trong lòng tôi luôn luôn mong muốn trở về VN”, anh tâm sự.

 Đinh Q.Lê
Đinh Q.Lê - Ảnh: nhân vật cung cấp

Trong những năm đầu về VN, anh hoàn toàn không giao lưu với họa sĩ ở cả hai trung tâm nghệ thuật TP.HCM và Hà Nội. Trong suốt 8 năm, anh có bạn bè ở TP.HCM nhưng phần lớn đều không phải họa sĩ. Thay vì những cuộc giao lưu với người cùng nghề, anh chọn cách dành thời gian riêng để nuôi lớn phần hiểu biết về VN trong mình sau 14 năm xa nhà. Tuy nhiên, anh không cắt đứt lìa với nghệ thuật thế giới, với những mối quan hệ cũ thời còn ở Mỹ.

Hồi tưởng, phân tích chiến tranh

Vì thế, khi giám tuyển Singapore là Ong Keng Sen và Tay Tong tới mời anh tham gia một chương trình nghệ thuật châu Á tại Hà Nội năm 2002, anh mới lộ diện. Trong cuộc gặp đó, người ta ngạc nhiên vì anh bao nhiêu thì anh cũng lo lắng cho tác phẩm của mình bấy nhiêu. Vì sao một nghệ sĩ được giám tuyển nước ngoài tìm kiếm mà trong giới không hay dù đã ở TP.HCM bao năm. Còn anh chỉ đau đáu, không biết họ có hiểu và có thể chia sẻ những gì mình làm không? Những người bạn từ “work shop” đó sau này vẫn tiếp tục gặp gỡ, trao đổi với anh. Đó là những nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Như Hương và Phạm Trung, nhạc sĩ Dương Thụ, họa sĩ Trần Lương, họa sĩ Ly Hoàng Ly… “Tôi thực sự cảm động và hạnh phúc vì sự đồng cảm của các bạn nghề”, anh cho biết.

 

Từ một máy móc gây chết chóc, tang thương, người ta thể hiện mong muốn được sống cuộc sống hiện đại

Là “người về từ nghìn trùng”, lại được đào tạo cơ bản, Đinh Q.Lê có cả hai điểm trội mà ai cũng thèm muốn: kỹ thuật tốt, cách đặt vấn đề hiện đại và sâu sắc. Những trải nghiệm của anh, như nhiều người sinh năm 1968, bắt đầu bằng những hồi tưởng, phân tích chiến tranh. Bứt khỏi cuộc sống VN tới 14 năm, khao khát dựng lại cuộc chiến trong anh càng mạnh mẽ. Những sáng tác của anh về đề tài này do đó, vừa là cuộc kiếm tìm trải nghiệm, vừa có độ lùi lịch sử và nhờ đó mà không thiên kiến.

Anh cũng tận dụng được những kỹ thuật từng được đào tạo khi dựng phim ngày còn học tại Mỹ. Nó cũng cho thấy rõ hơn, chẳng có gì có thể ngăn được sự cộng hưởng giữa những loại hình nghệ thuật khác nhau. Chẳng hạn, trong một tác phẩm của anh về chiến tranh, có thể thấy cả dấu ấn phim hoạt hình lẫn điện ảnh tài liệu. Hội họa lại ẩn hiện khi trong lời thoại, lúc trên những bức ký họa… Đinh Q.Lê đã chỉ huy để chúng quện vào nhau thành đa nghĩa hơn trong những khuôn hình tưởng chừng đơn giản nhất.

Ý tưởng phim bắt đầu từ nhận xét của anh dựa trên sưu tầm tranh ký họa chiến tranh của một số họa sĩ miền Bắc. Tại sao đa số họa sĩ không ghi lại những cảnh đau thương chết chóc? Vai trò và trách nhiệm của họa sĩ trong thời chiến là gì?...

Chính vì thế, tác phẩm của anh chủ yếu tái hiện lại cuộc sống và những mất mát người thân trong cuộc chiến. “Ba hồi đó là ba hy sinh. Ba đi công tác rồi ba bị thủ tiêu”, bà Kim Tiến- một nhân chứng chiến tranh kể, hai bàn tay liên tục vặn vào nhau. “Mẹ hồi đó mẹ làm liên lạc, đưa thư cho mấy chú cán bộ… Mẹ bị bắt bỏ tù cũng 3-4 năm gì đó”. Màn hình chuyển qua một câu chuyện chiến tranh khác. Sau đó nữa, nữ họa sĩ Vũ Giáng Hương nói về việc vẽ những bà mẹ VN anh hùng. Xen lẫn trong cảnh nữ nghệ sĩ là những bức ký họa đề tài mẹ VN, nữ chiến sĩ của bà. Những bức họa này đã được Đinh Q.Lê dùng kỹ thuật hoạt hình làm cho chuyển động. Động tác khá đơn giản và trong thời gian ngắn. Chiến tranh đồng hiện trong thời hiện tại như thế, hiện ra chân xác về một hoàn cảnh đời sống đặc biệt không ai muốn lặp lại.

“Tiếp xăng” cho máy bay Hai Lúa

Cũng từ những bước đi theo ký ức chiến tranh, Đinh Q.Lê tìm thăm nhà hai người nông dân chế máy bay trực thăng dự định để phun thuốc trừ sâu. Có bao nhiêu cái nhìn về những Hai Lúa giỏi kỹ thuật đó? Liệu nó có thể là gì khác ngoài khâm phục sự đam mê sáng tạo, thoáng cười vì nỗi viển vông? Đinh Q.Lê đứng ngoài cả hai cách nghĩ ấy. “Vào năm 2005, tôi đọc báo về anh Trần Quốc Hải và anh Lê Văn Danh, hai người làm chiếc trực thăng. Câu chuyện nói lên thay đổi trong xã hội. Từ một máy móc gây chết chóc, tang thương, người ta thể hiện mong muốn được sống cuộc sống hiện đại”, anh chia sẻ.

Tác phẩm “Những người nông dân và những chiếc trực thăng” ra đời sau khi anh thực hiện phỏng vấn anh Hải, anh Danh và những người thân của họ. Đã có nhiều tự sự về ký ức của họ, về chiếc trực thăng trong chiến tranh và suy nghĩ của họ về chiếc trực thăng hôm nay. Nhận tài trợ của Bảo tàng Úc Queensland Gallery of Modern Art, phim được chiếu lần đầu tại đây năm 2006. Sau đó được mời chiếu tại Singapore năm 2008.

Cuối cùng, ba người đứng đầu Bảo tàng nghệ thuật hiện đại (MoMA, New York) đã bay sang để xin mua và triển lãm nó tại  MoMA. Hiện cả phim và chiếc máy bay đều trong bộ sưu tập vĩnh viễn của bảo tàng nghệ thuật hiện đại hàng đầu thế giới này. “Điều này chứng tỏ thế giới đang rất quan tâm đến mỹ thuật đương đại của vùng Đông Nam Á”, anh cho biết.

Chuyên mục “Sáng tạo vì Khát vọng Việt” giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước...  Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.