Nụ cười trong tiếng nấc

25/11/2011 09:13 GMT+7

(TNTS) Ung thư, hai chữ gây kinh hoàng cho tất cả mọi người. Với sự phát triển của y học, hầu hết các loại ung thư có thể chữa trị và nhiều bệnh có thể chữa lành, nếu được phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, căn bệnh này vẫn treo lưỡi hái tử thần lơ lửng trên đầu nhân loại, bất kể màu da, quốc tịch, giai cấp.

(TNTS) Ung thư, hai chữ gây kinh hoàng cho tất cả mọi người. Với sự phát triển của y học, hầu hết các loại ung thư có thể chữa trị và nhiều bệnh có thể chữa lành, nếu được phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, căn bệnh này vẫn treo lưỡi hái tử thần lơ lửng trên đầu nhân loại, bất kể màu da, quốc tịch, giai cấp… Vì thế, ung thư và những trải nghiệm cùng nó từ lâu là một đề tài quan trọng của điện ảnh. Tiếc là trong một thời gian dài, căn bệnh bị phim Hàn Quốc và Đài Loan “bóc lột” tới mức trở thành nhàm chán. Thế nhưng, với sức nặng của mình, bi kịch ung thư vẫn có thể làm nên những bộ phim lay động lòng người nếu được xây dựng một cách nghiêm túc và thoát khỏi lối mòn.

Tâm trạng khi vừa phát hiện mình bị ung thư sẽ như thế nào? Chấn động, giận dữ, hoang mang, không chấp nhận sự thật, bi quan. Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nếu bạn là một chàng trai trẻ tràn đầy sức sống và có tương lai xán lạn như Adam trong phim 50/50 (đang chiếu tại Việt Nam với cái tựa rất teen là Hên xui). Nội dung phim khá đơn giản, kể về hành trình chiến đấu với khối u quái ác của Adam cũng như diễn tiến tình cảm, quan hệ của anh với những người xung quanh. Vậy thôi nhưng khán giả không thể rời mắt khỏi cuộc đời của Adam, được thể hiện bởi diễn viên tài năng Joseph Gordon-Levitt (từng rất dễ thương trong 500 Days of Summer và khá ngầu trong Inception).

 
Cảnh trong phim 50/50 - Ảnh: collider.com 

Nhưng nếu vậy thôi thì 50/50 cũng chỉ là một phim bi hay và sẽ không thể được giới phê bình khen ngợi hết lời như vừa qua. Nó còn là một phim hài rất cá tính. Không hài sao được khi sát cánh cùng Adam trong những ngày khó khăn là anh bạn thân dở người Kyle suốt ngày dụ Adam dùng căn bệnh của mình để… cua gái. Nổi tiếng với những vai “trẻ con trong lốt đàn ông”, Rogen hóa thân vào nhân vật Kyle tưng tửng nhưng đầy tình cảm không thể “ngọt” hơn. Thế là khán giả khóc đấy rồi lại cười đấy cùng cặp đôi Adam và Kyle.

Có một chi tiết rất thú vị là 50/50 dựa một phần trên chính cuộc đời của biên kịch Will Reiser. Reiser đã chiến thắng ung thư với sự hỗ trợ tinh thần của người thân, bạn bè, trong đó có một người bạn thân chính là Seth Rogen. Vậy đấy, nam diễn viên người Canada chỉ cần thể hiện lại những gì mình đã làm ngoài đời trên màn ảnh nên chả trách anh đóng vai Kyle hay như vậy. Vừa cảm động vừa dễ thương và gần gũi, vừa u sầu vừa lạc quan, 50/50 không những được giới phê bình đón nhận nồng nhiệt mà doanh thu cũng rất khả quan. Sau 2 tháng công chiếu, phim đã thu về hơn 30 triệu USD so với 8 triệu USD chi phí.

Dĩ nhiên với đề tài như ung thư thì không thể lúc nào cũng có nụ cười. My Sister’s Keeper (2009) đã lấy biết bao nước mắt của khán giả với tình chị em của Kate và Anna Fitzgerald. Thương chị, không thể chịu nổi khi thấy Kate (Sofia Vassilieva) quằn quại do ung thư máu nhưng Anna (Abigail Breslin) sốc nặng khi biết mình ra đời bằng thụ tinh trong ống nghiệm với mục đích sống duy nhất là để một ngày hiến thận cho chị. Bi kịch và những trạng thái tình cảm phức tạp giữa Kate và Anna cũng như tình mẫu tử bất chấp tất cả của người mẹ do Cameron Diaz thủ vai cứ xoắn chặt trái tim người xem. Nhưng rồi tình yêu đã chiến thắng và dù lưỡi hái của Thần chết có vung lên thì cũng không thể chặt đứt mối dây thiêng liêng giữa các thành viên nhà Fitzgerald.   

50/50 hay My Sister’s Keeper có thể vẫn là những xuất phẩm “công nghiệp” của Hollywood chứ không thuộc dòng phim nghệ thuật “cao sang, cá tính” gì. Nhưng chúng giúp khán giả nhận ra rằng với điện ảnh, ung thư không chỉ là cái cớ cho những câu chuyện bi tình đẫm nước mắt “sến ơi là sến”.

Trọng Kha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.