Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 12: Thanh Lan - nghệ sĩ đa tài

15/03/2013 03:15 GMT+7

Thanh Lan là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi thành công trên cả ba lĩnh vực: âm nhạc, sân khấu và điện ảnh.

Cô hàng hoa trong Xóm tôi

Xóm tôi là bộ phim hài do tôi thực hiện cho Hãng LIDAC (Phạm Hoàng Kim) để chiếu trong dịp Tết Giáp Dần 1974. Phim màu, màn ảnh rộng, hình ảnh do bạn tôi là nhà quay phim tài hoa Trần Đình Mưu phụ trách. Dàn diễn viên hùng hậu gồm những danh hài và những gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng: Khả Năng, Thanh Lan, Ngọc Phu, Thanh Việt, Tùng Lâm, Hoàng Mai, Minh Ngọc, Mai Trang, Ngọc Đan Thanh, Thái Chi Lan, Cát Phương, Bà Năm Sa Đéc, Kim Ngọc…

 Thanh Lan và Ngọc Phu trong phim Xóm tôi
Thanh Lan và Ngọc Phu trong phim Xóm tôi - Ảnh: Tác giả cung cấp

Với phim hài này, tôi đi vào một xóm phường đô thị, phê bình cách sống ích kỷ, đua đòi vật chất, hướng ngoại, ham muốn giàu sang, sống bắt chước theo lối u Mỹ, đồng thời cổ vũ cho tinh thần đoàn kết, sống vì mọi người, hướng về xã hội ngày mai tốt đẹp hơn.

Bộ phim thành công lớn về doanh thu và đã nhận được hai giải thưởng: Giải báo chí Kim Khánh 1974 cho Phim hay nhất và Giải Văn học nghệ thuật Sài Gòn 1974 cho Diễn viên xuất sắc (Khả Năng). Trong phim này, diễn viên nữ duyên dáng được khán giả yêu thích nhất là Thanh Lan trong vai cô hàng hoa.

Thanh Lan tên thật là Phạm Thái Thanh Lan, sinh ngày 1.3.1948 tại thành phố Vinh, Nghệ An. Thuở nhỏ, Thanh Lan học tại Trường trung học Marie Curie, sau đó cô theo học Đại học Văn khoa Sài Gòn và tốt nghiệp cử nhân năm 1973. Sau 1975, Thanh Lan ở lại Việt Nam tiếp tục ca hát và đóng phim. Nhiều người còn nhớ đến cô trong phim Ván bài lật ngửa đóng cặp cùng Nguyễn Chánh Tín. Cuối năm 1993, cô xuất cảnh sang Mỹ, rồi sau đó định cư tại California.

Nổi tiếng từ sớm

Thanh Lan tham gia nghệ thuật rất sớm. Trong chương trình văn nghệ học đường phát trên Đài truyền hình Sài Gòn, Thanh Lan xuất hiện trong tiết mục đơn ca ba miền, và liền sau đó được truyền hình liên tiếp mời tham gia chương trình nhạc tình ca. Đó là những năm 1967, 1968 khi Sài Gòn mới có những chương trình truyền hình đầu tiên. Thanh Lan bắt đầu trở thành một ca sĩ nổi tiếng, tham gia hát trong rất nhiều băng nhạc. Hình ảnh Thanh Lan cũng hiện diện trên bìa các bản nhạc bày bán khắp nơi. Thanh Lan là một trong những khuôn mặt quen thuộc nhất với những ca khúc lời Pháp. Cô còn hát chung với nam ca sĩ Nhật Trường qua những tình khúc của Trần Thiện Thanh tạo thành cặp song ca ăn khách trước năm 1975.

Từ năm 18 tuổi, Thanh Lan diễn vai chính nhiều vở kịch truyền hình trong ban kịch của Vũ Đức Duy và đảm nhận thành công nhiều vai chính trong những vở bi kịch như Mắc lưới với ban kịch Linh Sơn. Người ta cũng không quên Thanh Lan đã xuất hiện trong vở Chuyến tàu mang tên dục vọng tại sân khấu của Hội Việt Mỹ Sài Gòn.

Dấu ấn trên màn bạc

Sự nghiệp điện ảnh của Thanh Lan bắt đầu vào năm 1970, khi đóng vai chính trong phim Tiếng hát học trò của Thái Thúc Nha, Giám đốc Hãng phim Alpha. Cô đoạt giải Nữ diễn viên nhiều triển vọng nhất của Giải thưởng Văn học nghệ thuật 1971.

Trước 1975, Thanh Lan đã tham gia những bộ phim sau: Tiếng hát học trò (1970), Lệ đá (1971), Ngọc Lan (1972), Gánh hàng hoa (1972), Trên đỉnh mùa đông (1972), Xin đừng bỏ em (1973), Xóm tôi (1973), Trường tôi (1973), Mộng Thường (1973), Goodbye Saigon (1975). Bộ phim sau cùng này do hãng phim Nhật Bản Amino thực hiện. Trong phim Thanh Lan thủ vai nữ chính bên cạnh hai diễn viên người Nhật.

Năm 1973, Thanh Lan cùng đi với hai nhạc sĩ Phạm Duy và Ngọc Chánh đến Nhật Bản để trình bày ca khúc Tuổi biết buồn (Yume o Miruno), được vào chung kết tại Đại hội âm nhạc quốc tế Yamaha tại Tokyo. Khi những người này về nước, tôi lập tức mời họ hợp tác về phần âm nhạc trong phim Trường tôi sắp được thực hiện vào đầu năm 1974. Đây là một phim về tuổi học trò hồn nhiên mà hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu và sở thích của giới trẻ, với nhiều hình ảnh nhẹ nhàng, vui tươi. Tất cả điều đó được thể hiện thông qua những chuyện vui buồn trong trường học, chuyện tình bạn, tình yêu trong sáng của tuổi dậy thì, những phá phách dễ thương của  lứa tuổi “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Trong không khí hồn nhiên náo nhiệt của nhà trường, có hai bạn trẻ cô đơn thầm lặng thông cảm nhau, hiểu nhau trong một mối tình ngây thơ, trong sáng và cảm động.

Năm 1988, tôi thực hiện cho Xí nghiệp Phim tổng hợp một phim truyện màn ảnh rộng Hai chị em, với các chuyên viên chính: quay phim: Đường Tuấn Ba, âm nhạc: Y Vân. Diễn viên chính gồm có: Thanh Lan, Thúy An, Lê Cung Bắc, Nguyễn Chánh Tín, Ngọc Phúc. Truyện phim do Ngụy Ngữ viết, thuộc loại tình cảm phê phán xã hội.

Phim  đã gây xúc động mạnh đối với khán giả về số phận bi thảm của một người đàn bà sống trong thời chiến tranh. Thanh Lan đã đóng rất đạt vai người đàn bà ấy trong phim. Khi những hình ảnh cuối chấm dứt trên màn bạc, mọi người xem đều lặng đi một lúc trước khi rời khỏi khán phòng.

Hiện nay thỉnh thoảng, qua những lời tâm sự bằng email gửi cho tôi, Thanh Lan thổ lộ: dù ở nơi nào trên trái đất này, tâm hồn của cô cũng không thể rời xa quê hương. Tôi chỉ mong có thế, và sẽ rất vui gặp lại Thanh Lan, một trong những người em quý mến của mình.

Những bộ phim thanh lan tham gia sau 1975

Ngoài phim Hai chị emVán bài lật ngửa, Thanh Lan còn tham gia nhiều phim khác: Bài hát đâu chỉ nốt nhạc (1986), Ngoại ơi (1987), Cao nguyên F.101 (1988), Chiều sâu tội ác (1988), Đằng sau một số phận (1989 - 1990), Tình không biên giới (1990), Bên kia màn sương (1990).

L.D

>> Chánh Tín: Khỏe mới thăng hoa nghề nghiệp
>> Vĩnh biệt đạo diễn Ván bài lật ngửa 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.