Điện ảnh trước rào cản kiểm duyệt - Kỳ 4: Thoáng ngoài, siết trong

12/04/2013 00:10 GMT+7

Nhiều bộ phim từng đoạt các giải thưởng điện ảnh lớn ở nước ngoài có nhiều cảnh quay đầy bạo lực và dục tính vẫn được duyệt chiếu trong khi phim trong nước thì bị soi rất kỹ.

>> Điện ảnh trước rào cản kiểm duyệt - Kỳ 3: Cần sự đối thoại

Bạo lực và dục tính vẫn được phép chiếu

Trong 10 năm qua, đặc biệt là 5 năm gần đây, khán giả Việt được dịp thưởng thức những siêu phẩm điện ảnh đến từ nhiều nước có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc… Đối với mảng phim nhập khẩu, không thể phủ nhận sự thông thoáng của những nhà quản lý điện ảnh đã tạo điều kiện để thị trường điện ảnh khởi sắc hơn và tạo cơ hội cho khán giả được tiếp cận với nhiều bộ phim hay của thế giới, tiêu biểu là các phim được đề cử hay đoạt giải Oscar, Quả cầu vàng, LHP Cannes, Venice…

 Kate Winslet (Hanna Schmitz) và David Kross (Michael) trong phim The reader
Kate Winslet (Hanna Schmitz) và David Kross (Michael) trong phim The reader
- Ảnh: Megastar

Đạo diễn Bá Vũ cũng là cây bút viết về điện ảnh đưa ra nhận xét nhiều bộ phim từng đoạt các giải thưởng điện ảnh lớn ở nước ngoài đã chiếu tại VN đậm bạo lực và dục tính nhưng vẫn được cho phép chiếu. “Phim của đạo diễn lừng danh Quentin Tarantino (Mỹ) đầy những cảnh bạo lực nhưng là thứ bạo lực thấm đẫm tính nhân văn mang dấu ấn riêng biệt. Những nhà làm phim VN cần học tập điều này và hội đồng duyệt phim cũng nên cân nhắc bởi một bộ phim dù có nhiều cảnh bạo lực hay khỏa thân nhưng hướng đến con người, đề cao giá trị nhân văn thì bất cứ quốc gia hay dân tộc nào cũng muốn hướng đến. Mặt khác, nếu rào cản kiểm duyệt vẫn quá chặt thì điện ảnh Việt khó lòng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đích thực, lấy bạo lực hay dục tính để làm công cụ chuyển tải ý tưởng”, đạo diễn Bá Vũ khẳng định.

 

Các bộ phim do các đạo diễn trong nước hay Việt kiều thực hiện dễ bị “soi” hơn, bởi chúng gắn chặt với xã hội, con người VN 

Đạo diễn Lê Bảo Trung

Cũng theo Bá Vũ thì khi xem Inglourious Basterds (Định mệnh) do Quentin Tarantino đạo diễn, khán giả không khỏi bàng hoàng chứng kiến cảnh du kích Do Thái săn lùng lính Đức, lột da đầu rất tàn bạo. Hay như một phim khác vừa đoạt 2 giải Oscar 2013 là Django unchained. Bạo lực mà Tarantino thể hiện trên phim chỉ nhằm chống lại bạo lực, sự kỳ thị chủng tộc và trên hết là quyền được làm người của người da màu Mỹ ở thế kỷ 19. Django đã hạ thủ nhiều người da trắng tàn ác cực kỳ tàn bạo nhưng lại làm khán giả đồng cảm bởi anh là tiếng nói phẫn uất của triệu người da màu bị áp bức trong xã hội Mỹ.

Một bộ phim khác: The reader (Người đọc sách) của đạo diễn Stephen Daldry từng đoạt rất nhiều giải thưởng điện ảnh, mô tả mối tình đầy dục vọng giữa chàng thiếu niên và một phụ nữ Đức dốt nát không biết chữ, làm nghề bán vé xe buýt. Những cảnh làm tình dữ dội giữa cậu và người phụ nữ này được thể hiện rất “thực”, nhưng ám ảnh khán giả lại là cái chết của người đàn bà ở cuối phim bên những quyển sách mà cậu bé đã đọc và dạy bà học chữ mấy mươi năm trước. “Nếu những người làm phim lợi dụng bạo lực hay dục tính để câu khách mà thiếu giá trị nhân văn thì khán giả sẽ nhận ra ngay. Điều quan trọng là Hội đồng duyệt phim quốc gia (HĐDPQG) đã hiểu đâu là phim sử dụng bạo lực, dục tính làm công cụ để chuyển tải thông điệp, đâu là phim dùng bạo lực, dục tính để câu khách”, đạo diễn Bá Vũ nói thêm.

Phim ngoại dễ được duyệt hơn ?

So với nhiều phim Việt, HĐDPQG có vẻ “thông thoáng” hơn trong việc đánh giá những bộ phim ngoại nhập. Tất cả những phim Hollywood được dán nhãn NC-16 (cấm trẻ em dưới 16 tuổi) được chiếu tại VN gần đây nhất có thể kể: Dead man down (Kẻ báo thù), Dark skies (Bầu trời đen), The last stand (Chốt chặn cuối cùng), Warm bodies (Tình yêu zombie), Django unchained (Hành trình Django), Zero dark thiry (30’ sau nửa đêm), A good day to die hard (Die hard 5), Mama (Mẹ ma)… Vì sao những bộ phim này lại qua được hàng rào kiểm duyệt mà ít bị cắt xén hoặc thậm chí là cấm chiếu tại VN?

Ngoài yếu tố đã nói như trường hợp phim bạo lực của Quentin Tarantino toát lên tính nhân văn cao đẹp thì còn lại rất nhiều phim ngoại nhập chỉ thuần là hành động và bắn giết đúng công thức “made in Hollywood”. Đem vấn đề này hỏi nhiều đạo diễn trong nước, tất cả đều chung nhận định: những phim bạo lực, kinh dị của Mỹ, Hàn Quốc hay Trung Quốc đều diễn ra tại một đất nước khác, với nền văn hóa khác nên dễ được chấp nhận hơn. Do vậy, các phim này dù có những cảnh bạo lực hay kinh dị, chém giết vượt quá thời lượng mà luật Điện ảnh cho phép vẫn có thể ra rạp.

Về vấn đề này, đạo diễn Lê Bảo Trung đưa ý kiến: “Đơn giản nhiều bộ phim ngoại nhập kể câu chuyện diễn ra tại một quốc gia khác, thế giới khác, xã hội khác. Nói chung là một nơi nào đó không thuộc xã hội VN và chẳng liên quan gì đến con người VN nên dễ được HĐDPQG “thoáng” hơn trong kiểm duyệt. Ngược lại, các bộ phim do các đạo diễn trong nước hay Việt kiều thực hiện dễ bị “soi” hơn, bởi chúng gắn chặt với xã hội, con người VN. Và do vậy, có thể theo quan điểm của HĐDPQG thì các phim trong nước sẽ gây ảnh hưởng nặng đến suy nghĩ của giới trẻ cũng như dễ điều chỉnh, ảnh hưởng đến hành vi, cách ứng xử của tầng lớp khán giả này. Vì vậy phim Việt ít khi gắn mác NC-16 mà chỉ có cắt bỏ những đoạn bị cho là phản cảm, bạo lực hay buộc phải quay lại, thậm chí là cấm phát hành”.

Đề cập đến sự “thoáng ngoài siết trong” này, điều giới làm phim và các nhà sản xuất mong muốn không phải là nên “siết ngoài” cho… cân bằng, mà người duyệt cũng nên có sự cởi mở đối với các tác phẩm trong nước, tạo điều kiện cho những đề tài, dòng phim đa dạng được phát triển và người xem được tiếp cận với tác phẩm trong tính toàn vẹn của nó.

Những phim gây tranh cãi, hạn chế chiếu nhưng lại đoạt giải thưởng

Midnight cowboy (1969) bị dán nhãn X (phim khiêu dâm, bạo lực, hạn chế chiếu) do đề cập đến mại dâm nam và đồng tính nam đã đoạt 3 giải Oscar phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất và kịch bản chuyển thể hay nhất. Intimacy (2001): phim Pháp đầy những cảnh tình dục nóng bỏng đã đoạt giải Gấu vàng LHP Berlin 2001. Henry & June (1990): phim đầu tiên nhận 1 đề cử Oscar trong khi bị xếp hạng nặng NC-17 (cấm trẻ em dưới 17 tuổi) vì nhiều cảnh tình dục táo bạo. The wild bunch (1969): đề tài cao bồi, bị đánh giá là quá bạo lực nên ngay từ khi phát hành đã bị dán nhãn X, sau đó giảm xuống R (khán giả dưới 17 tuổi phải có người lớn đi kèm). Đến năm 1993 lại bị “lên hạng” NC-17. Sau nhiều kiện tụng lại được xuống R. Nhưng đây là một trong những bộ phim được đánh giá rất cao bởi Viện Phim Mỹ, xếp thứ 6 trong danh sách Những phim cao bồi hay nhất.

Bụi đời Chợ Lớn lâm cảnh... bụi đời !

Chiều qua 11.4, Cục Điện ảnh đã có cuộc trao đổi với báo giới xoay quanh câu chuyện về phim Bụi đời Chợ Lớn và kiểm duyệt phim.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch Hội đồng T.Ư thẩm định phim truyện, cho biết biên bản làm việc của hội đồng nhấn mạnh: “Bộ phim vi phạm điều cấm tuyên truyền, kích động bạo lực của luật Điện ảnh”.

Cảnh phim Bụi đời Chợ Lớn
Cảnh phim Bụi đời Chợ Lớn - Ảnh: Galaxy

Cụ thể, bộ phim phản ánh sai lệch hiện thực cuộc sống TP.HCM. Các băng đảng ngang nhiên hoành hành, dàn trận thanh toán lẫn nhau bằng dao, lưỡi lê trên đường phố, trong các ngõ hẻm mà tuyệt nhiên không có sự xuất hiện hay can thiệp của bất cứ lực lượng xã hội nào, không có dân, không có chính quyền, toàn các băng đảng xã hội đen chém giết nhau. Trong phim không có những chi tiết thể hiện mong muốn hướng thiện của một số nhân vật xã hội đen như Hùng, Phong, Bụi. Hai nhân vật nữ có cố gắng khuyên bảo người thân từ bỏ thế giới tội ác nhưng thể hiện quá mờ nhạt, không có tính thuyết phục, chi tiết tâm lý tình cảm này cần được khai thác sâu hơn và nâng cao hơn. Trong số 8 thành viên của hội đồng, một nửa đồng ý với phương án sửa chữa bộ phim, nửa còn lại kiên quyết không đồng ý phổ biến cấp phép bộ phim.

Ngoài ra, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện Ảnh, cho biết nhà sản xuất phim còn vi phạm luật Điện ảnh về quy trình thẩm định kịch bản, không nộp lại kịch bản sau khi đã được yêu cầu chỉnh sửa. Với các hãng phim tư nhân, kịch bản không cần thông qua hội đồng duyệt kịch bản, nhưng trong trường hợp hãng phim của người nước ngoài hoặc Việt kiều, kịch bản cần phải được thẩm định.

Quyết định của Cục Điện ảnh là tạm ngừng phổ biến Bụi đời Chợ Lớn để nhà sản xuất sửa chữa. Có ý kiến thắc mắc nếu như hội đồng cho rằng từ đầu đến cuối, bộ phim không phản ánh hiện thực cuộc sống thì nhà làm phim sẽ phải sửa ra sao. Câu trả lời là: “Đây là việc của nhà làm phim”.

Tiếp tục trả lời câu hỏi của Báo Thanh Niên về việc vì sao không tiến hành việc dán mác, phân loại phim, bà Ngô Phương Lan cho biết sắp tới sẽ lấy ý kiến về việc này để đưa vào kế hoạch soạn thảo luật Điện ảnh mới. “Còn hiện nay, luật pháp đã quy định như thế, chúng ta phải tuân thủ theo đúng pháp luật”.

Minh Ngọc

Đỗ Tuấn

>> Điện ảnh trước rào cản kiểm duyệt - Kỳ 2: Nên sớm phân loại phim
>> Điện ảnh trước rào cản kiểm duyệt
>> Cục Điện ảnh lên tiếng về "Bụi đời Chợ Lớn
>> Bụi đời Chợ Lớn" hoãn ngày chiếu
>> Cặp đôi hành động" tái xuất với "Bụi đời Chợ Lớn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.