Di tích đang thành phế tích

05/02/2012 03:03 GMT+7

Còn nhớ năm 2005, lần lên Điện Biên năm ấy tôi gặp một bác già người Thái trong quán nước, bác cứ phàn nàn “sao nhà nước không phong tướng Giáp danh hiệu Đại tướng anh hùng cho khác với các đại tướng được phong sau này nhỉ”. Trong con mắt người miền núi, tướng Giáp của Điện Biên Phủ phải to hơn các tướng khác.

Còn nhớ năm 2005, lần lên Điện Biên năm ấy tôi gặp một bác già người Thái trong quán nước, bác cứ phàn nàn “sao nhà nước không phong tướng Giáp  danh hiệu Đại tướng anh hùng cho khác với các đại tướng được phong sau này nhỉ”. Trong con mắt người miền núi, tướng Giáp của Điện Biên Phủ phải to hơn các tướng khác.

Điện Biên Phủ, cái vùng đất gắn liền với tên tuổi tướng Giáp lừng lẫy toàn cầu trong nhiều thập niên, hôm nay ngoài những phần bị các công trình dân sinh xóa nhòa dấu vết thì phần còn lại của di tích cực kỳ quan trọng này cũng đang rơi vào cảnh hoang phế. Trong mắt khách tham quan hiện nay thì Điện Biên di tích chiến trường và Điện Biên thành phố có hai cuộc sống khác biệt. Di tích như những nấm mồ hoang vắng lặng. Còn thành phố thì như muôn vàn thành phố khác: công sở khang trang, buôn bán tấp nập. Di tích như những chiến binh già bị đẩy ra lề cuộc sống. Và đáng lo hơn nữa, chưa biết lúc nào đó nó sẽ bị chia lô bán nền, hoặc có thể bị các công trình dân sinh quây kín, lấp gọn.

Cũng hết sức lạ: trong mỗi di tích cụ thể chỉ có vài tấm biển ghi vắn tắt chiến tích, khắc trên đá hoa cương. Ngoài ra không còn gì khác. Ai đến tham quan thì phải tự tìm hiểu, mà cũng chẳng biết hỏi ai. Chẳng ai quản lý, đến nỗi khi có nhu cầu, người ta có thể tìm đến các góc tối chiến hào đi vệ sinh. Trên đồi A1 với chiếc xe tăng còn lại, khách tham quan mặc sức leo trèo chụp ảnh lưu niệm. Nóc hầm tướng De Castries lũ lĩ người lớn, trẻ con reo hò trèo lên phất cờ nghịch ngợm. Trong hầm những chiếc ghế xộc xệch long đinh mà trông thì rõ là ghế mới đóng được đặt vào. Tấm bản đồ treo trên bờ tường bắt bụi cũ mốc có dấu hiệu đang mục nát, không còn đọc được gì ngoài mấy mũi tên tô đậm các hướng tấn công.

Mường Phăng, nơi đóng đại bản doanh chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ cũng tương tự. Ngoài cái cổng xây đồ sộ bằng đá cũng không có thêm tấm biển chỉ dẫn nào trên đường vào.

Bảo rằng không ai hướng dẫn thì cũng chưa chính xác. Thật ra có những người tình nguyện là mấy cháu học sinh tiểu học. Ngoài giờ học chúng quẩn quanh theo chân du khách để mong được trả vài ngàn tiền công dẫn đường, giới thiệu này nọ. Nhưng các cháu làm sao đủ tầm hiểu biết về một sự kiện lịch sử lớn lao như thế, dẫn đến không ít chuyện tức cười. Ví dụ hai cháu, một trai một gái giới thiệu với du khách “hội trường này là nơi hội họp của các tướng lĩnh, có hai tướng thay nhau phát biểu”. Khách hỏi là những ai, các cháu “tướng Giáp và tướng Thái”. Thế còn ai nữa không? “Không ạ, chỉ có hai tướng thay nhau nói”. Bé trai còn kể thêm (chả biết có thực không), khi chiến dịch kết thúc, bà con dân bản tặng tướng Giáp 3 con trâu, tướng Giáp tặng lại cho bà con 1 con để liên hoan mừng chiến thắng, sau đó bác ấy dắt trâu đi đâu, cháu không biết…

Lịch sử dưới mắt các cháu là như vậy: lõm bõm, méo lệch, biết đâu nói đấy kể cả những tình tiết hết sức lơ mơ. Nhưng dù sao thì cũng bất ngờ với chúng tôi, giới thiệu lịch sử bây giờ hình như lại là thế hệ chưa mọc đủ răng.

Quả thật buồn. Di tích lịch sử vĩ đại của dân tộc, Điện Biên Phủ, hình như đang rơi dần vào sự quên lãng.

Nhanh như tuổi thọ một đời người. 

Đỗ Đức
(Điện Biên Phủ, 1.2012)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.