Di sản như một cơ thể sống

04/10/2010 00:49 GMT+7

* Khánh thành Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn tại Hà Nội Làm thế nào để gìn giữ được những giá trị đã làm nên bản sắc Hà Nội là trăn trở không chỉ của những công dân thủ đô mà còn của những bạn bè quốc tế gắn bó với Hà Nội.

Theo TS Almuth Meyer-Zollitsch, Viện trưởng Viện Goethe tại Hà Nội, việc gìn giữ những giá trị vật thể và phi vật thể của Hà Nội sẽ là một thách thức lớn đặt ra với các nhà lãnh đạo của thành phố. “Không chỉ có Hoàng thành Thăng Long, di sản văn hóa thế giới vừa được UNESCO công nhận, Hà Nội còn ẩn chứa trong mình rất nhiều giá trị tinh thần to lớn”, bà Meyer-Zollitsch chia sẻ.

Theo góc nhìn của Viện trưởng Viện Goethe, các nhà chức trách sẽ không chỉ có trách nhiệm phải bảo vệ các khu phố cổ, các tòa nhà mang những nét kiến trúc đặc trưng có từ thời Pháp thuộc khỏi quá trình hiện đại hóa đang diễn ra mãnh liệt, mà còn phải làm thế nào để đối xử với các di sản này không phải như những công trình xây dựng. Bà Meyer-Zollitsch nhấn mạnh: “Sẽ là vô nghĩa nếu như các bạn dựng hàng rào quanh khu phố cổ, đưa người dân ra sống ở ngoài và coi đó như kiểu viện bảo tàng mở chẳng hạn. Điều quan trọng là làm sao để các di sản được tồn tại như một cơ thể sống”.

Theo bà Meyer-Zollitsch, Hà Nội có thể hạn chế phương tiện giao thông trong khu phố cổ để giữ cho khu vực này có một không khí bình yên. Không có thành phố nào ở châu Á mà sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại lại dày đặc như ở Hà Nội và đó cũng chính là một điểm đặc trưng của thủ đô 1.000 năm tuổi này. Làm thế nào để nâng cao chất lượng sống của cư dân Hà Nội cũng thực sự là thách thức giữa quá khứ và hiện tại.

Lo cho môi trường Hà Nội

Trong ký ức của Thomas Bo Pedersen, một cựu phóng viên, cựu quan chức ngoại giao Đan Mạch, Hà Nội những năm 80 từng là một thành phố rất bình yên. “Có rất ít ô tô và hầu như chẳng có chiếc xe máy nào. Hà Nội và cũng như miền Bắc thời điểm đó thực sự vô cùng đẹp”, Thomas nhớ lại.

Mặc dù đang quản lý một doanh nghiệp ở Hải Dương và không có nhiều thời gian ở Hà Nội nhưng mỗi khi có cơ hội, Thomas vẫn dành thời gian tới chùa Trấn Quốc, Văn Miếu và vườn Bách Thảo, những nơi mà ông yêu thích. Theo Thomas, màu xanh của Hà Nội cũng như những di sản kiến trúc thời kỳ thuộc địa là những giá trị mà Hà Nội cần gìn giữ, vì đó là những đặc trưng của thành phố nghìn năm tuổi này. “Chính quyền thành phố kiểm soát các vấn đề về quy hoạch phát triển. Dưới sự tư vấn của các chuyên gia, lãnh đạo thành phố phải là người quyết định đâu là di sản, đâu chỉ là các tòa nhà cũ thay vì giao việc đó cho các nhà thầu tư nhân”, Thomas nói.

 
Lễ hội rồng, sự kiện do Đại sứ quán Tây Ban Nha phối hợp Bộ VH-TT-DL tổ chức chào mừng đại lễ - Ảnh: Trường Sơn

Điều mà Thomas thấy lo lắng và cần tránh cho tương lai của Hà Nội là: “Bầu không khí và các hồ nước của Hà Nội đang ngày càng ô nhiễm trầm trọng. Tôi hy vọng rằng, Nhà nước và chính quyền thành phố sẽ đặt ưu tiên cao cho các vấn đề này. Nếu không các bạn sẽ phải trả một cái giá rất khủng khiếp trong thời gian không xa”.

Chương trình đại lễ ngày 4.10

15 giờ: Khai mạc triển lãm Anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa VN tại Bảo tàng Cách mạng VN (25 Tông Đản, Hoàn Kiếm).
15 giờ 30: Khai mạc triển lãm Các trận đánh và chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử quân sự VN tại Bảo tàng Lịch sử quân sự VN (28A Điện Biên Phủ, Ba Đình).
17 giờ: Khai mạc triển lãm và liên hoan thư pháp Thăng Long - Hà Nội tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
20 giờ: Trao giải báo chí toàn quốc về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tại TT nghệ thuật u Cơ (8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình).
20 giờ: Biểu diễn các điệu múa cổ Thăng Long - Hà Nội tại Vườn hoa Lý Thái Tổ.

Nguyên Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.