Di sản kể chuyện biển

22/05/2012 03:12 GMT+7

“Trưng bày Di sản văn hóa biển Việt Nam kể những câu chuyện cụ thể về lịch sử khai thác kinh tế, thực thi chủ quyền của quốc gia, dân tộc trên biển Đông”, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, TS Vũ Quốc Hiền nói.

Trưng bày Di sản văn hóa biển Việt Nam diễn ra từ 18.5 đến 30.11 tại 25 Tông Đản, Hà Nội.

Khác với những trưng bày chuyên đề của các bảo tàng thường chỉ gọn ghẽ trong một gian trưng bày vài chục mét vuông, chuyên đề Di sản văn hóa biển Việt Nam trải dài trên diện tích 200 m2. Để phủ kín nội dung cho diện tích lớn này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phải huy động thêm hiện vật của 6 bảo tàng địa phương cùng 2 trung tâm lưu trữ khác. Nhờ đó, những hiện vật trong triển lãm trải dài qua nhiều thời kỳ và chạy dọc bờ biển nước ta, đặc biệt là tại miền Trung.

Các hiện vật từ gốm sứ, đến đồng, vàng… thể hiện đúng điều Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc (Viện trưởng Viện Việt Nam học) cho biết: Chúng ta từng là những cái tên nổi tiếng trên những hải trình thương mại nổi tiếng. Chúng ta có Óc Eo, Luy Lâu, Hà Nội, Vân Đồn, Phố Hiến, Cù Lao Chàm, Thị Nại… trên chặng đường của những con đường gia vị, hương liệu, tơ lụa. Hiện vật từ những con tàu đắm dù còn nguyên hay đã bị nhiệt độ và thời gian làm dính chặt vào nhau vẫn gợi đến những chuyến đi dài mặn mòi trên tàu ra biển lớn. Văn hóa biển của tổ tiên là đây.

 Di sản kể chuyện biển
Đại Nam nhất thống toàn đồ, trên bản đồ có ghi hai tên Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam - Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Giờ đây, trong triển lãm này, người xem được tận mắt thấy những lá vàng dát hình mặt người, đồng tiền vàng từ đế quốc phương xa, bản dập hoa văn trống đồng, hạt chuỗi đẹp khó tin, đồ gốm tinh xảo xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới. Những rồng, phượng trên hiện vật còn mách bảo đó có thể là những đồ sứ được đặt hàng làm quà tặng cho vua chúa phương xa. Trong số này, cây đèn hình người quỳ, những lá vàng miếng đã lọt vào danh sách bảo vật quốc gia.

 
Việc thực thi chủ quyền của vua Gia Long và vương triều Gia Long ở Hoàng Sa, Trường Sa chính là sự nghiệp lẫy lừng nhất của vua Gia Long ở trên biển

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc

Chủ quyền trên biển

Nhưng văn hóa biển không chỉ là kinh tế mà còn là chủ quyền quốc gia.

Người xem có thể được ngắm châu bản triều Nguyễn ghi chép về giao thương hàng hải và chủ quyền biển đảo Việt Nam. Cạnh đó là bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ triều Minh Mạng (1820-1841). Trên bản đồ có ghi hai tên Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Theo TS Vũ Quốc Hiền, bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ này là một trong những biểu hiện của việc triều đình nhà Nguyễn rất chăm lo thực thi chủ quyền quốc gia, dân tộc trên biển Đông. Sử chép, các vua nhà Nguyễn thường xuyên tổ chức vãng thám, trồng cây, xây chùa, dựng bia, cắm mốc, đo đạc, vẽ bản đồ các đảo và quần đảo thuộc chủ quyền.

Trong số các vua triều Nguyễn, có lẽ vua Gia Long là người thực hành chủ quyền quốc gia trên biển xuất sắc nhất. Theo Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: “Việc thực thi chủ quyền của vua Gia Long và vương triều Gia Long ở Hoàng Sa, Trường Sa chính là sự nghiệp lẫy lừng nhất của vua Gia Long ở trên biển”. Cũng tại triển lãm này, một số tài liệu của các nhà nghiên cứu nước ngoài cũng được trưng bày minh chứng cho sự nghiệp trên.

Một trong những tài liệu đó là bản đồ An Nam đại quốc họa đồ, tác giả Jean Louis Taber, 1834. Trên bản đồ này vẽ quần đảo Paracel seu Cát Vàng (Hoàng Sa) thuộc lãnh thổ Việt Nam. Ông này từng viết: “Vào năm 1816, nhà vua (vua Gia Long) đã tới long trọng cắm lá cờ của mình và đã chính thức giữ chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc là sẽ không có một ai tìm cách tranh giành với ông ta”.

“Qua trưng bày, chúng tôi muốn nói rõ biển, đảo là bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Biển, đảo đã cùng đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc. Hiến pháp 1992 cũng ghi rõ Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời”, TS Vũ Quốc Hiền nói.

 Trinh Nguyễn

>> Tuần văn hóa biển, đảo Quảng Ngãi
>> Triển lãm “Quảng Ngãi - Di sản văn hóa biển, đảo”
>> Ngày hội của lòng yêu nước
>> Nhiều hoạt động về Trường Sa tại Festival biển Nha Trang
>> Phục dựng mô hình thuyền chở binh phu Hoàng Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.