Đi dọc Hà Nội - Kỳ 5: Xử vụ tham nhũng nổi tiếng thời chống Pháp

07/09/2013 00:00 GMT+7

Việc xét xử Giám đốc Cục Quân nhu - đại tá Trần Dụ Châu tham nhũng từng nổi tiếng thời chống Pháp (1946), càng cho thấy sự nghiêm minh của chính quyền.

>> Đi dọc Hà Nội - Kỳ 4: Sĩ phu chống tham nhũng

Cuộc sống ở Việt Bắc và các mặt trận vô cùng khó khăn, tài chính cho kháng chiến thời kỳ đầu trông chờ vào sự đóng góp tự nguyện của người dân ở Hà Nội và các thành phố khác, cùng lương thực của bà con nông dân ở các vùng tự do.

Bữa cơm của Bác Hồ và các chiến sĩ thời chống Pháp rất kham khổ trong khi Trần Dụ Châu và đồng bọn sống như ông hoàng - d
Bữa cơm của Bác Hồ và các chiến sĩ thời chống Pháp rất kham khổ trong khi Trần Dụ Châu
và đồng bọn sống như ông hoàng - Ảnh: Tư liệu
 

Để chống đói, bộ đội phải lấy măng rừng làm thức ăn, còn quân chủ lực phải ăn cháo để truy kích địch. Về cái mặc, mỗi người một áo trấn thủ và tấm “chăn kháng chiến” với một lớp bông rất mỏng.

Có chiến sĩ không có chăn, không có áo rét, đứng gác trên đèo phong phanh vải mỏng. Thuốc men thì khan hiếm, không có kháng sinh đã làm cho thương binh chết ngay trước mắt quân y.

Thế nhưng trong sự gian nan và khốn khó ấy, Giám đốc Cục Quân nhu - đại tá Trần Dụ Châu sống như một ông hoàng bằng tiền của do dân đóng góp cho chính phủ kháng chiến.

Châu lấy cắp của công quỹ một số tiền lớn: 57.959 đồng Việt Nam, 149 USD, các tài sản khác trị giá 143.900 đồng Việt Nam. Giá gạo ở Thái Nguyên - Bắc Kạn năm 1950 là 50 đồng/kg, còn chiến sĩ ta mỗi ngày chỉ được cấp vài lạng gạo và hơn 10 đồng tiền thức ăn.

Ngoài ra, Châu còn nhận hối lộ khá nhiều tiền, chuyên quyền, độc đoán, sống sa đọa, đồi trụy. Ủy ban Tiếp liệu Thu - Đông 49, các kho số 1, 4, 10 thường xuyên nộp cho Châu tiền tiêu, rượu, đồ hộp, hải sản khô, thuốc lá, quần áo, chăn len...

Châu tuyển người, thải người theo sở thích cá nhân, vung tiền bao gái; dùng ô tô công đưa gái đi chơi ở Bắc Kạn. Chưa hết, viên đại tá này còn dan díu với một nữ nhân viên xinh đẹp, bổ nhiệm làm “bí thư văn phòng” của Cục, làm việc cùng buồng, ăn ở cùng nhà với mình.

Các cán bộ điều tra có trong tay cuốn nhật ký của nữ “bí thư văn phòng” cùng gần 100 kiểu ảnh lãng mạn chụp với Châu.

Giữa lúc nữ bí thư đi dự lớp huấn luyện thì Châu đưa từ Phú Thọ về cơ quan một cô gái giới thiệu là em nuôi, suốt ngày ở trong buồng riêng của Châu.

Nữ bí thư từ lớp học về bất chợt bắt gặp và đã xảy ra một cuộc đánh ghen ầm ĩ. Tai tiếng của Châu nổi đình nổi đám ở Hanh Cù, Phú Thọ, một thị trấn sầm uất, tối đến cả đường phố dài rực sáng ánh đèn măng sông, với nhiều hiệu ăn sang trọng và cửa hàng đầy ắp hàng tiêu dùng nước ngoài.

Mỗi lần về công tác ở Liên khu 10, gồm các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang..., Châu đều đưa bạn bè đến chè chén ở đây, nhất là ở nhà hàng Ba Đình. Cũng tại thị trấn này, Châu tổ chức đám cưới cho Bùi Minh Trân, Trưởng ban Mậu dịch của Quân giới liên khu Việt Bắc, tiêu tốn hàng vạn đồng.

Tay chân đắc lực nhất của Châu là Lê Sỹ Cửu. Ở Cục Quân nhu không lâu nhưng Cửu lộng hành làm bậy, lấy cắp tiền công, ăn tiêu bừa bãi, thường xuyên lui tới các nhà hàng, tiệm hút vùng Cao Bằng.

Tai tiếng của Cửu khiến Châu vội vã rút Cửu về Cục, lập ra một tổ chức mới gọi là “Ban Thế phẩm đay” giao cho Cửu làm trưởng ban. Châu tuyên truyền ầm ĩ rằng, ban này lo các đồ mặc mùa đông cho bộ đội, từ nay các chiến sĩ ta không phải lo đến cái rét ở rừng núi nữa. Nhưng đây chỉ là một mánh khóe tham ô của Châu: Lấy ba phần tư số tiền cấp trên phát cho Ban Thế phẩm đay, Châu giao cho Cửu đi buôn lậu.

Mỗi khi đi mua vải về cho Ban Thế phẩm, Cửu cho tăng giá thêm từ 20 đến 25 đồng mỗi tấm để lấy tiền đút túi.

Trong một chuyến mua vải mộc và vải diềm bâu, Cửu lấy được 50 vạn đồng. Khi xuất kho giao vải cho cơ sở nhuộm, Cửu chỉ tính số tấm, không tính số vuông; cho xẻ đôi những tấm vải dài để nhuộm, khi nhận về kho số vải đã nhuộm, dôi ra 1.225 tấm, bỏ túi riêng được 66 vạn đồng. Người bán vải giao hàng tận kho, không tính tiền vận chuyển, song Cửu lại tính với ban phải trả phí vận chuyển. Khi nhà thầu lĩnh hàng thì phải cung cấp đầy đủ khuy cúc, Cửu lại tính với ban tiền khuy cúc riêng. Với hai thủ đoạn trên, Cửu cũng lấy được 4 vạn đồng. Chưa hết, Cửu cho khắc một con dấu giống dấu của Nha Quân nhu để cấp cho một số người buôn lậu, mỗi lần được 2 vạn đồng.

Cửu giàu lên nhanh chóng, ăn chơi sa đọa, sắm được một chiếc thuyền đẹp để gia đình du ngoạn và tổ chức những cuộc dạ hội trên sông. Cửu hối lộ đều đặn theo từng vụ cho Châu, tổng cộng khoảng 40 vạn đồng và nhiều tài sản có giá trị. Trong Cục, cán bộ nhân viên gọi Châu là “Châu Hổ”, vì sợ Châu như cọp.

Về đám cưới của Bùi Minh Trân, dân trong vùng và nhiều khách vốn xuất thân ở thôn quê thì không tưởng tượng nổi vì họ chưa từng chứng kiến, còn với khách từng sống ở Hà Nội, Hải Phòng thì ngỡ ngàng bởi chỉ nhà rất giàu mới làm cỗ cưới như vậy. Bát đĩa sứ, cốc pha lê mới khuân từ Hà Nội lên. Châu sai thắp gần trăm cây nến to để quan khách ăn tiệc. Tiếng bốp bốp của rượu sâm banh khiến nhiều quan khách giật mình bởi nhiều người chưa từng biết có loại rượu mở ra lại nổ. Ngoài sâm banh còn có rượu vang. Vì cỗ cưới với các món đặc sản nên Châu cho mời đầu bếp từ Hà Nội lên nấu. Tiệc từ chiều kéo dài đến nửa đêm. Xong tiệc mặn, khách được ăn tráng miệng lê, táo và bánh ngọt, những thứ chỉ có ở đám cưới nhà giàu ở Hà Nội. Chưa hết, khách còn được hút thuốc lá thơm, nghe nhạc sống và thưởng thức cà phê Nestle. Tệ hơn, Châu còn bố trí một lán bên cạnh dành cho khách biết hút thuốc phiện.

Vụ án trên chỉ bị phát hiện khi nhà thơ Đoàn Phú Tứ, đại biểu Quốc hội khóa 1 gửi thư tố cáo tới Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác đã trao bức thư này cho thiếu tướng Trần Tử Bình, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Phó tổng thanh tra quân đội, khẩn trương điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ.

Ngày 5.9.1950 ở thị xã Thái Nguyên - thủ đô kháng chiến, Tòa án binh tối cao mở phiên tòa đặc biệt với 3 bị cáo hầu tòa là nguyên đại tá, Giám đốc Cục Quân nhu Trần Dụ Châu và đồng bọn can tội “biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”.

Cửa vào phòng xử án có một bảng khẩu hiệu: “Nêu cao ánh sáng công lý trong quân đội”.

Trong phòng xử, trên tường có hai khẩu hiệu: “Quân pháp vô thân” và “Trừng trị để giáo huấn”. Dân đến dự đông nghịt.

Kết thúc phiên tòa, Trần Dụ Châu bị tuyên án tử hình, 2 đồng bọn của Châu mỗi tên lãnh án 10 năm tù.

Nguyễn Ngọc Tiến

>> Đi dọc Hà Nội - Kỳ 3: Ba 'thần đèn' họ Vương
>> Đi dọc Hà Nội - Kỳ 2: Chiếc váy phụ nữ Hà thành
>> Đi dọc Hà Nội: Những con ma đất Hà thành
>> Mới nhậm chức 2 tuần, đã bị xử tham nhũng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.