Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Tôi tin vào lẽ công bằng

05/11/2012 06:00 GMT+7

Những tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Đặng Nhật Minh luôn thoát ra khỏi những hạn chế của tư tưởng, xu hướng nhất thời. Ông là người không sợ phải “bơi ngược dòng” giữa những chỉ trích, phản đối.

Ông sinh ra trong một gia đình nền nếp, gia giáo tại Huế. Trong nhà, mọi người đều theo nghề y và dạy học, bố ông là bác sĩ nổi tiếng Đặng Văn Ngữ. Nhưng Đặng Nhật Minh không chọn nối nghiệp cha mà lại để mình đẩy đưa theo những tình cờ nối tiếp nhau của số phận. Sang Liên Xô du học, trở về làm phiên dịch viên tiếng Nga trong lĩnh vực điện ảnh, nhưng làm mãi công việc này ông thấy nhàm chán và muốn được thay đổi. Ông tự đọc các sách về điện ảnh. Và một ngày cơ hội đến khi ông được mời làm đạo diễn bộ phim tài liệu Theo chân người địa chất. Ông yêu công việc làm phim tài liệu và nghĩ sẽ dừng chân ở đây. Nhưng lạ là, cơ hội làm phim tài liệu cứ dần ít đi, trong khi cơ hội làm phim truyện lại luôn mỉm cười với ông.

Xác định hướng đi riêng

Bộ phim truyện đầu tiên do ông đạo diễn là Những ngôi sao biển, chuyển thể từ vở kịch nói của tác giả Nguyễn Khắc Phục - không gây được chú ý nên đến giờ chẳng mấy người còn nhớ. Cảm thấy bất lực trước điện ảnh, ông toan bỏ nghề để theo nghiệp viết văn - niềm say mê và năng khiếu từ thuở nhỏ. Ông dành hết tâm huyết viết truyện ngắn Thị xã trong tầm tay, trong đó bày tỏ nỗi bất bình của ông trước những giáo điều quái gở: chủ nghĩa lý lịch, chủ nghĩa thành phần, đấu tranh giai cấp… Nhà triết học Vũ Hoàng Địch đã khuyên ông chuyển thể truyện ngắn thành phim truyện. Không ngờ, đây là bộ phim mang nhiều tính thử nghiệm lại đánh dấu bước ngoặt lớn với cuộc đời làm điện ảnh của ông (phải lưu ý rằng, ông không được học chuyên ngành đạo diễn điện ảnh, chỉ được cử đi học 2 khóa thực tập ngắn hạn tại nước ngoài).

Cái tên Đặng Nhật Minh đã bắt đầu khiến giới làm nghề chú ý khi sử dụng thủ pháp kể chuyện mới, câu chuyện của quá khứ và hiện tại đan xen, kết nối qua một nhân vật. Từ bộ phim này, ông đã hiểu rõ và xác định được hướng đi riêng: chỉ làm phim với kịch bản do ông viết, về những vấn đề ông quan tâm và về những câu chuyện khiến ông rung động. Ông dám xoáy vào những góc nhìn khác biệt với xu hướng đương thời, không mô tả không khí thời cuộc mà đi sâu vào những thân phận, những góc khuất, tâm hồn và bản năng của con người, không tô hồng hiện thực mà nhìn thẳng vào những mặt trái của nó không chút e dè. Và tất nhiên, những trắc trở luôn gặp phải trên con đường ông đi là điều dễ hiểu.

Những năm 1980 khi phản ánh chiến tranh vẫn là đề tài chính trong các tác phẩm điện ảnh, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã cho ra đời bộ phim Bao giờ cho đến tháng mười. Không tái hiện cuộc chiến như những nhà làm phim khác thường làm, bộ phim xoáy vào nỗi đau của người phụ nữ có chồng hy sinh nơi chiến trận, rộng hơn là nỗi cô đơn chống chếnh của những người ở lại. Nhân vật của ông không chỉ buồn khổ mà còn khát khao được yêu thương, nhưng vào thời điểm ấy lại bị cho là sướt mướt, ủy mị, không phù hợp với “chất” tuyên truyền đang được chú trọng thời điểm đó. Trong phim, ông đưa vào chi tiết sáng tạo khá “đắt” cho thấy đời sống tâm linh, tín ngưỡng dân gian của người Việt: Duyên tìm gặp lại hồn người chồng đã hy sinh tại chợ âm phủ, nhưng lại bị chỉ trích là “mê tín dị đoan”. Người ta yêu cầu phải bỏ đi mối tình của Duyên với thầy giáo Khang và cắt cảnh Duyên gặp lại hồn chồng, nhưng ông quyết không đồng ý vì làm thế “còn đâu là phim của tôi”, sự dằn vặt, nỗi đau trong mất mát của nhân vật cũng sẽ mất đi. Ông vẫn luôn kiên định như vậy trước những sóng to gió cả. “Quan trọng nhất là nhà làm phim phải có tư tưởng trong tác phẩm. Có tư tưởng rồi thì mới kiên định được”, ông chia sẻ.

 

Sáng tác thì không bao giờ được sợ, phải luôn là chính mình, luôn trung thành với mình. Không được xu thời mà phải hướng tới cái vĩnh cửu

Đạo diễn Đặng Nhật Minh

Đến thời kỳ đầu đổi mới, đạo diễn Đặng Nhật Minh làm phim Cô gái trên sông, câu chuyện về sự phản bội của người chiến sĩ nội thành với Nguyệt, cô gái đã giúp đỡ cưu mang mình trong lúc hoạn nạn. Bộ phim được trao giải Bông sen Bạc tại liên hoan phim VN. Nhưng ngay lúc đó, có ý kiến lên án phim đã làm xấu hình ảnh người chiến sĩ cách mạng. Và dù không bị cấm chiếu, nhưng bộ phim đã không đến được với đông đảo công chúng cho tới mãi tận sau này.

Số phận của Thương nhớ đồng quê cũng long đong không kém. Người ta không ngại đổ cho tác giả tội bôi đen đời sống hiện thực nông thôn. “Tôi đã quen với những kiểu nhận xét như thế này. Nhưng sáng tác thì không bao giờ được sợ, phải luôn là chính mình, luôn trung thành với mình. Không được xu thời mà phải hướng tới cái vĩnh cửu. Mặc dù làm như thế có thể chưa được chấp nhận ngay”, ông trầm ngâm.

“Điện ảnh không phải cái ao tù”

Phải mất một khoảng thời gian, những bộ phim một thời chịu bao oan ức của ông mới được nhìn nhận lại một cách xứng đáng. Trong khi ngay tại thời điểm bị dư luận trong nước công kích, thế giới (trong đó có nhiều nước phương Tây) đã tôn vinh, trình chiếu các tác phẩm của ông - nhà làm phim đến từ đất nước cộng sản. “Có lẽ vì những phim của tôi là những phim 100% Việt Nam, không lai căng, không bắt chước ai, người ta tìm thấy trong phim của tôi tình cảm, tâm lý con người, văn hóa của người Việt Nam, chứ kỹ thuật làm phim của mình sao sánh với họ được” - ông nói. Bao giờ cho đến tháng mười được giải đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Honolulu (Hawaii, Mỹ), Cô gái trên sông được hãng truyền hình Đức mua lại, sau đó được công chiếu trong tuần phim các nước XHCN tại Kotbus, và tiếp tục chu du tới các quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Ấn Độ…

Liên tiếp sau những “ba chìm bảy nổi” với nghiệp làm phim, ông vẫn vững vàng: “Điện ảnh giống như đại dương rộng lớn, không phải cái ao tù. Đó là may mắn của những người làm phim. Những cố gắng của họ rồi sẽ được thế giới nhìn nhận. Chỉ trừ khi anh không có gì sáng tạo, không mang được đến cái gì mới lạ thì người ta mới không quan tâm. Còn nếu có thì thế nào cũng được nhìn nhận. Tôi luôn tin vào lẽ công bằng. Những tác phẩm có giá trị đích thực sẽ không bao giờ bị lãng quên”.

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Ngọc An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.