Danh họa đến, danh họa không đi

17/06/2012 03:00 GMT+7

Nếu ngoại giao bằng văn hóa, bằng tác phẩm của các danh họa được nhiều nước coi là chiến lược thì tại nước ta điều đó còn rất mơ hồ.

“Nụ hôn” của danh họa người Áo Gustav Klimt trong những tiệm tranh ven hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) không còn màu sắc ảo diệu của da thịt, sự lấp lánh thoáng chất trang trí mỹ lệ trên trang phục. Nên ai không biết Klimt chẳng đoái hoài, còn người mê ông thì không thể thoải mái. Họ rút vào một Klimt khác chuẩn chỉnh hơn, chẳng hạn trong bộ sách khổ nhỏ giới thiệu danh họa (có trợ giá) của NXB Kim Đồng.

 the kiss
Bức Nụ hôn nổi tiếng của G.Klimt - Ảnh: do ban tổ chức cung cấp

Vì vậy, khi G.Klimt đến Việt Nam trên pa nô với kích cỡ lớn hơn, lại được tổ chức trong một trưng bày tại Thư viện quốc gia thì sự quan tâm cũng không dậy sóng. Thậm chí, có những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu không định đến xem vì đó không phải là bản gốc. “Tôi cũng thông cảm vì mang tranh thật đến siêu tốn kém. Nhưng nếu bạn đã tiếp xúc Klimt qua sách vở, thì tranh trên một bản in lại, dù chất lượng cao cũng khó lòng mang lại ấn tượng cao hơn”, một nhà nghiên cứu của Viện Mỹ thuật chia sẻ.

Trên trang mạng soi.com.vn, ông Nguyễn Đình Đăng còn chia sẻ niềm vui buồn lẫn lộn về triển lãm. Họa sĩ cũng là nhà nghiên cứu vốn quan tâm đến kỹ thuật và chất liệu này đúc rút được kinh nghiệm rằng xem tranh in trên poster, kể cả poster do Nhật Bản in bán tại các bảo tàng hay các cửa hàng mỹ thuật Tokyo, cỡ to bằng tranh thật, cũng không đẹp bằng xem phiên bản chụp độ phân giải cao trên màn hình digital. “Phải chi Thư viện quốc gia và Đại sứ quán Áo đặt mấy màn hình digital cỡ lớn rồi chiếu tranh của Klimt lên cho khán giả Hà Nội chiêm ngưỡng”, ông nói.

Trên thực tế, những bản in tranh và phần thông tin đi kèm trong triển lãm gợi cảm giác của trưng bày cuốn sách cỡ lớn. Tuy nhiên, cuốn sách này lại gợi những câu hỏi lớn hơn về ngoại giao văn hóa qua văn hóa mà cụ thể là mỹ thuật.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật và triển lãm (Bộ VH-TT-DL) cho biết, do điều kiện chúng ta chưa có những triển lãm giới thiệu tác gia Việt Nam ở nước ngoài bằng tranh gốc, trong khi công chúng ở các nước phát triển lại không có nhu cầu đến triển lãm xem tranh in.  Chính vì thế, dễ hiểu khi điều nhà phê bình Thái Bá Vân khi còn sống vẫn đau đáu - mỹ thuật Việt trong con mắt bạn bè quốc tế vẫn còn khá mỏng. Thậm chí, trong từ điển về mỹ thuật thế giới tại Pháp, phần về Việt Nam ít hơn hẳn so với các nước trong khu vực. Đã thế, dung lượng đó chủ yếu lại dành cho mỹ thuật Champa.

Như thế, cuộc giao lưu mỹ thuật với thế giới rơi ngay vào thế “danh họa đến, danh họa không đi” khi chỉ các bạn gửi đại sứ văn hóa lớn tới nước ta, còn ta thì tuyệt nhiên không hồi âm. Chính vì thế, nếu có buồn vui trước việc chiêm ngưỡng tranh qua pa nô hay bản in lại, chúng ta có cớ gì trách cứ khi chính những bậc thầy mỹ thuật của ta chẳng một lần xuất hiện dù chỉ qua ấn phẩm trong những lời chào ngoại giao văn hóa. 

Trinh Nguyễn

>> Cảm hứng nghệ thuật từ Việt Nam
>> Bức tranh Thủ tướng Canada “trần như nhộng” gây tranh cãi
>> Triển lãm tranh quý của hội họa VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.