Đả chiến phá sông Ngân không thất bại

18/02/2011 07:19 GMT+7

Xuất hiện không ồn ào sau những ngày Tết Nguyên đán Tân Mão, Đả chiến phá sông Ngân, vở cải lương được dàn dựng thuần chất này, chưa mang lại doanh thu như mong muốn nhưng là điều tâm đắc cho giới làm nghề.

Diễn ra chỉ trong 3 ngày (mùng 4, 5, 6 Tết), tại rạp Thủ Đô (TPHCM), mỗi suất diễn chỉ được 400 khán giả, con số này quả là không nhỏ cho một vở diễn cải lương bình thường nhưng là không lớn đối với một vở cải lương có đầu tư nhiều tâm huyết và nuôi nhiều kỳ vọng như Đả chiến phá sông Ngân (do Nhà hát Trần Hữu Trang dàn dựng), nhất là khi vở được công diễn trong mùa Tết. Nhưng với những người trong cuộc, họ xem đây là thành công.
 
Tìm khán giả thật
 
So với Kim Vân Kiều và Chiếc áo Thiên Nga (cũng do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dàn dựng hoành tráng trong những mùa Tết trước), Đả chiến phá sông Ngân thua cả về mặt dư luận lẫn số lượng khán giả tham dự.
 
Ông Phan Quốc Hùng, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, lý giải về sự chênh lệch quá lớn này bằng một thông tin mà lâu nay ít ai biết, đó là các chương trình trước phải đi vận động các doanh nghiệp, các mạnh thường quân mua vé ủng hộ.
 
“Nghĩ lại tôi cảm thấy sợ quá. Đó là hai cái Tết tôi không biết gì là Tết khi mà kinh phí đầu tư cứ phát sinh mỗi ngày mà vé thì không thể bán được nhiều để lấp kín khán phòng Nhà Thi đấu Quân khu 7. Lúc đó, nhờ mối quan hệ với các giám đốc doanh nghiệp tại TPHCM, tôi cầu cứu các anh giúp đỡ.
 
Vé được bán hết nhưng không đến đúng tay những khán giả hâm mộ và yêu thích bộ môn nghệ thuật này, do vậy mới có tình trạng vé chợ đen thấp hơn so với giá chính thức phát hành.
 
Khán giả đến chủ yếu để xem các ngôi sao ca nhạc diễn cải lương, rất ít người hiểu, trân trọng và ở lại cho đến hết vở. Sau hai chương trình Kim Vân Kiều và Chiếc áo Thiên Nga, chúng tôi nhận thấy không thể chạy theo số lượng “khán giả ảo” mà phải đo sự yêu thích của công chúng đối với bộ môn nghệ thuật này ngay tại phòng vé của mình. Từ kinh nghiệm này, chúng tôi xác định  dựng cải lương thuần chất sẽ giúp nghệ thuật cải lương hồi sinh”.

Những trăn trở của ông Phan Quốc Hùng đã được tập thể những nghệ sĩ, công nhân hậu đài, chuyên viên âm thanh, ánh sáng của vở diễn chia sẻ.
 
Soạn giả Hoàng Song Việt đồng cảm với tâm sự của ông Phan Quốc Hùng: “Năm 2009, chúng tôi dự định dựng vở Hoàng đế Quang Trung của tác giả Lê Duy Hạnh nhưng vì tranh cãi không có hồi kết giữa dựng thể nghiệm hay thuần chất cải lương nên dự án này đành gác lại.
 
Năm nay, với nỗ lực đi tìm hướng đi thích hợp, chúng tôi quyết định dựng Đả chiến phá sông Ngân theo cách thuần chất cải lương, đã tồn tại nhiều thập niên qua. Hiệu quả chất lượng nghệ thuật của vở Đả chiến phá sông Ngân đã mở ra cho chúng tôi một hướng đi, đó là tìm về đúng chuẩn của bộ môn nghệ thuật này”.
 
Vì tâm huyết, chấp nhận thua thiệt
 
NSƯT Kim Tử Long cho biết: “Gần 2 tháng tập vở Đả chiến phá sông Ngân, tôi bỏ rất nhiều sô diễn khác. Ngày nay, chỉ với chiếc MD ghi âm nhạc sẵn, chúng tôi có thể chạy sô thoải mái mỗi đêm rủng rỉnh trong túi mấy chục triệu đồng tiền cát-sê.
 
Nhưng rồi cứ nghĩ chẳng lẽ nghề nghiệp của mình chỉ thế thôi sao? Tôi không biết sự hy sinh của mình có phải là vì tâm huyết không? “Tâm huyết” ai cũng nói được nhưng làm thì lại khó vì cuộc sống của mỗi người.
 
Và tôi đã cùng với rất nhiều đồng nghiệp trẻ như Trinh Trinh, Tú Sương, Võ Minh Lâm, Điền Trung, Lê Thanh Thảo... sát cánh với đạo diễn Vũ Minh đầu tư công sức cho vở diễn này. Chưa biết sau 3 suất diễn hồi đầu năm, vở này sẽ còn diễn được bao nhiêu suất nhưng hiệu ứng về nghệ thuật và doanh thu tương đối đã làm chúng tôi yên tâm”.
 
Ngồi thu mình trong khán phòng, nơi những hàng ghế trống, đạo diễn trẻ Vũ Minh – người tự cho là mình may mắn khi gắn kết với cải lương qua chương trình Gìn vàng giữ ngọc - đã nói: “Giá mà có nhiều thời gian, không bị áp lực của Tết, tôi đã làm tốt hơn nhiều”.
 
Với anh, cải lương không còn ai yêu cầu dựng vở rình rang, đầu tư lên đến tiền tỉ, gây dư luận xôn xao. Nhưng khi cải lương quay về với cách dựng thuần chất, áp lực cũng không phải nhỏ, cũng phải công phu và hoành tráng theo cách riêng.
 
Cải lương đúng chất cổ điển, không quá cầu kỳ, phô trương cảnh trí; dàn nhạc cổ được đặt trang trọng hai bên cánh gà sân khấu với nhạc cụ cổ truyền đã chinh phục lại khán giả vốn không chịu nổi cải lương hát nhép, dàn nhạc điện tử khuếch đại ồn ào.
 
Hiện nay, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho biết đang lên lịch để quảng bá diễn lại vở này.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.