Cuốn theo “cơn lốc” giải trí truyền hình - Bùng phát sân chơi

16/03/2012 00:15 GMT+7

Mỗi năm, màn ảnh nhỏ có đến hàng chục chương trình giải trí truyền hình gây đình đám đủ sức cuốn khán giả, nghệ sĩ làng giải trí và cả giới truyền thông phải chạy theo. Hệ quả là đời sống văn hóa nghệ thuật trở nên mất cân đối nghiêm trọng.

Mỗi năm, màn ảnh nhỏ có đến hàng chục chương trình giải trí truyền hình gây đình đám đủ sức cuốn khán giả, nghệ sĩ làng giải trí và cả giới truyền thông phải chạy theo. Hệ quả là đời sống văn hóa nghệ thuật trở nên mất cân đối nghiêm trọng.

Chưa bao giờ màn ảnh truyền hình Việt Nam lại trở nên phong phú  và đa dạng chương trình giải trí như hiện nay, với đủ loại sân chơi cho nhiều đối tượng

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, có hàng loạt chương trình giải trí truyền hình tầm cỡ được mua bản quyền từ nước ngoài đã và đang chuẩn bị ra mắt công chúng: Vietnam’s Got Talent trên VTV3, Hợp ca tranh tài trên VTV3, The Voice (Giọng hát Việt) trên VTV3, The Amazing Race cũng trên VTV3… Cùng với những chương trình đã định hình trong nhiều năm qua, mỗi năm, màn ảnh nhỏ có đến hàng chục chương trình giải trí truyền hình gây đình đám đủ sức cuốn khán giả, nghệ sĩ làng giải trí và cả giới truyền thông phải chạy theo.

Giải trí “bom tấn”

Sau nhiều đồn đoán, chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng thế giới The Voice của Mỹ vừa xong mùa thứ 2 đã chính thức công bố có mặt tại Việt Nam với phiên bản Việt có tên Giọng hát Việt 2012  (do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp cùng Công ty Cát Tiên Sa sản xuất). Như vậy, màn ảnh nhỏ Việt có thêm một chương trình giải trí thuộc hàng “bom tấn” mà nếu chất lượng đúng như bản gốc sẽ tạo nên “cơn lốc xoáy” về lượng khán giả theo dõi như từng có trên kênh NBC (hơn cả American Idol), thậm chí, The Voice được đánh giá không có đối thủ trong bối cảnh rất nhiều chương trình truyền hình thực tế đang có mặt trên các đài truyền hình Mỹ.

 
Vân Trang và bạn nhảy trong chương trình Bước nhảy hoàn vũ 2012 sẽ diễn ra live show đầu tiên vào đêm 18-3 - Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Theo kế họach, đến tháng 6, The Voice phiên bản Việt mới lên sóng nhưng ngay từ bây giờ, chương trình này đã tạo nên sự háo hức chờ đợi của công chúng trẻ thông qua những bình luận rôm rả trên các diễn đàn mạng, nhất là khi chương trình này có Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh, Trần Lập ngồi “ghế nóng” giám khảo.

Giọng hát Việt 2012 sẽ cạnh tranh với Vietnam Idol 2012 ngay trên sóng VTV. Sau khi hết hợp đồng sử dụng bản quyền cho 3 mùa giải tại Việt Nam, Công ty BHD cũng đã tiếp tục mua lại bản quyền của phiên bản đang ăn khách nhất trong số các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc đang có ở Việt Nam này. Cuộc đua kỳ thú (phiên bản của Amazing Race) sắp diễn ra trên sóng VTV3 hứa hẹn sẽ là chương trình giải trí vận động đầy hấp dẫn.

Cạnh tranh thị phần

Nhập khẩu các chương trình truyền hình lớn của thế giới về sản xuất tại Việt Nam không phải công ty nào cũng đủ tiềm lực để có thể làm được. Đây là cuộc “chơi” của các “đại gia” trong làng kinh doanh giải trí.

Nếu Công ty Cát Tiên Sa mang về  những sân chơi thu hút người nổi tiếng trong vai trò thí sinh, như Cặp đôi hoàn hảo (phiên bản của Just The Two of Us), Bước nhảy hoàn vũ (phiên bản Dancing With The Stars), Giọng hát Việt (phiên bản The Voice) hay sắp tới sẽ là The Star Academy (thay thế cho chương trình truyền hình lâu năm Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình),… thì “đối thủ cạnh tranh” Công ty BHD lại giới thiệu với khán giả Việt Nam những chương trình truyền hình thực tế mang tính cộng đồng cũng đình đám không kém, như: Vietnam Idol (phiên bản American Idol), Tìm kiếm tài năng - Vietnam’s Got Talent (phiên bản Got Talent của Anh), Hợp ca tranh tài (phiên bản Clash Of The Choirs), Cuộc đua kỳ thú (phiên bản The Amazing Race)…

Mỗi chương trình lên sóng là một cuộc cạnh tranh nhau về tài trợ, quảng cáo. Thắng hay thua của một chương trình phụ thuộc rất lớn về hiệu quả kinh tế mà chương trình mang lại. Sự xuất hiện của các nhãn hàng trên mỗi chương trình giải trí truyền hình với tư cách là nhà tài trợ cũng trở thành cuộc cạnh tranh của các nhãn hàng. Vì vậy, các nhà tài trợ sẵn sàng đổ tiền cho các chương trình giải trí truyền hình hơn là quan tâm đến những hoạt động văn hóa giải trí khác.

Bếp núc cũng thành giải trí

Không chỉ có các “đại gia” lùng sục các chương trình truyền hình thực tế (reality show), gameshow ăn khách nhất trên thế giới để mua bản quyền mà các công ty có tiềm lực yếu hơn cũng không thể nhắm mắt làm ngơ trước sân chơi lớn như vậy, cố tìm cho mình con đường riêng.

Bên cạnh những chương trình tìm kiếm tài năng ca hát, nhảy nhót hay cuộc tranh tài của các ngôi sao, những chương trình về nấu ăn cũng được một số công ty mua về, sắp sửa ra mắt khán giả truyền hình Việt. Trong đó, chương trình nấu ăn phiên bản Việt đi tìm đầu bếp nội trợ đầy tiềm năng (phiên bản của chương trình Master’s Chef cực kỳ nổi tiếng) hay sân chơi dành cho những đầu bếp chuyên nghiệp (phiên bản của chương trình Hell’s Kitchen cũng nổi tiếng không kém) đang được khán giả Việt háo hức chờ đợi.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.