Công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn

04/10/2010 23:01 GMT+7

Tại Lesvos (Hy Lạp), vào 22 giờ ngày 3.10 (giờ Hà Nội), tổ chức GGN (Global Geoparks Network - Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu) đã trao quyết định công nhận cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) là thành viên.

Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn PGS-TSKH Vũ Cao Minh, nguyên Viện phó Viện Địa chất về vấn đề này. Ông nói:

- Đây là một tổ chức được bảo trợ bởi UNESCO. Tổ chức này lấy tiêu chí về sự độc đáo trong địa chất địa mạo của một khu vực nào đó để phục vụ bảo tồn, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, đồng thời khai thác tiềm năng của nó. Đối chiếu với những tiêu chí nói trên thì cao nguyên đá Đồng Văn của chúng ta hoàn toàn đáp ứng được.

* Giá trị của cao nguyên đá Đồng Văn là gì, thưa ông?

- Về mặt khoa học, độ đa dạng địa chất ở đây rất cao. Trên diện tích không lớn lắm, song Đồng Văn có nhiều hóa thạch chứng tỏ nhiều loại sinh vật đã có mặt ở đây từ trên nửa tỉ năm. Cụ thể, có tới 13 phân vị địa tầng với nhiều hóa thạch cổ sinh đặc trưng với gần 1.000 loài, trong đó có loài cá cổ, phát hiện sớm nhất ở Việt Nam. Trên trái đất, có 5 thời điểm thế giới sinh vật bị hủy diệt, thì ở Đồng Văn, có hai giai đoạn, giai đoạn 1 bắt đầu cách nay khoảng 350 - 400 triệu năm, giai đoạn 2 khoảng trước 250 triệu năm. Đây có thể là căn cứ để lý giải các quá trình hủy diệt sự sống trên trái đất vì những lý do khác nhau.

* Ông có thể so sánh nét độc đáo của cao nguyên đá Đồng Văn với các công viên địa chất toàn cầu khác?

- Đối với Đông Nam Á, Đồng Văn có những điểm nổi bật, ví dụ, độ dày của các vỉa đá vôi có thể lên tới 4.000m. Ngoài ra, địa mạo nó cũng rất hấp dẫn, nó nói lên nguồn gốc, quá trình hình thành khu vực này, đồng thời tạo ra sức hấp dẫn rất lớn về mặt cảnh quan. Từ Đồng Văn đến Mèo Vạc, có rất nhiều kiểu địa hình, ví dụ các rừng đá, vườn đá, thú đá... trải rộng trên một không gian lớn. Riêng đèo Mã Pì Lèng, các nhà khoa học Pháp cách đây gần 100 năm đã phải thốt lên “đây là một tượng đài địa chất”, ở đây có một vách đá cao đến 700m thẳng đứng, trên thế giới rất hiếm, rất tốt cho việc tham quan cũng như giảng dạy, nghiên cứu.

* Ông nhận xét gì về mối quan hệ giữa cảnh quan và con người trên cao nguyên đá?

- Đây là một điều rất thú vị, ở đây có sự kết hợp hài hòa giữa con người và cảnh quan. Sự tồn tại của con người làm cho cao nguyên đá hết sức sinh động, chẳng hạn các ruộng đá, các bờ rào đá. Với gần 20 dân tộc, sắc phục, kiến trúc và phong tục đặc sắc của họ cũng làm cho cao nguyên đá rất hấp dẫn và có sức cuốn hút rất lớn.

Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc thuộc tỉnh Hà Giang. Trong đó, khu vực được xem là đặc sắc nhất thuộc hai huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, cách Hà Nội gần 500 km về phía bắc, tính từ thị trấn Đồng Văn. Trước khi trở thành thành viên của GGN, cao nguyên đá Đồng Văn đã được công nhận là Công viên địa chất quốc gia đầu tiên ở Việt Nam. Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Giang, UBND tỉnh đang điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội cho cao nguyên đá Đồng Văn, tiến tới áp dụng mô hình quản lý ở cấp quốc gia cho công viên địa chất đầu tiên ở Việt Nam.

Lưu Quang Phổ (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.