Con iu ui!

23/03/2012 08:49 GMT+7

(TNTS) Người ta trưởng thành đến một độ nào đó thì lập gia đình. Đã lập gia đình thì người ta mong có con. Người ta có thể có một đến nhiều đứa con. Hỏi nhiều là bao nhiêu? Thưa rằng, nhiều là từ số hai trở lên.

(TNTS) Người ta trưởng thành đến một độ nào đó thì lập gia đình. Đã lập gia đình thì người ta mong có con. Người ta có thể có một đến nhiều đứa con. Hỏi nhiều là bao nhiêu? Thưa rằng, nhiều là từ số hai trở lên.

Tuy nhiên, đất thì có hạn, không nở thêm ra được; lương thực thì có tăng sản lượng đấy nhưng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao. Phương tiện y tế, thuốc men cho bà mẹ và trẻ em càng lúc càng phải cải thiện. Sữa cho trẻ em uống ngày càng tăng giá. Người càng đông thì chất lượng sống không cao, lại càng phải đặt ra nhiều bài toán để giải quyết nhu cầu sống cho con người.

Chính vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có nước ta đều kêu gọi giảm đà gia tăng dân số. Ngài Robert Malthus - nhà kinh tế học cổ điển nói: “Dân số tăng theo cấp số nhân, thực phẩm tăng theo cấp số cộng”.

Câu nói đó đúng y sì sì với thời chúng ta đang sống. Việc giảm đà gia tăng dân số để phù hợp với đà gia tăng của thực phẩm đã muốn... nín thở rồi. Nước ta động viên, khuyên nhủ, thậm chí có khi là năn nỉ nhân dân “Nên dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt”. Câu nói ấy nghe ra mười phần lịch sự. Chắc chắn là các cặp vợ chồng đều hiểu chữ “nên”. Chữ này khác hẳn ngữ nghĩa chữ “phải”.

 

Chúng ta là người phàm mắt thịt. Con cái chúng ta ra đời là do tình yêu thương gắn bó và máu mủ của chúng ta kết hợp lại. Yêu thương con cái là một tình cảm tự nhiên, vô kiện và tuyệt đối mà toàn thể loài người tiến bộ (và chưa tiến bộ lắm) đều đã thể hiện. Nó làm nên tính nhân văn tươi đẹp của cuộc sống con người. Mấy nhà nho Tàu ngày xưa nói cái gì gì “Đại nghĩa diệt thân” - Vì nghĩa lớn có thể giết người thân yêu của mình, là nói dóc. Hãy coi con vượn mẹ kia trong giáo khoa thư bị trúng tên của thợ săn rồi nhưng vẫn cố ôm lấy vượn con cho con bú. Động vật hoang dã còn yêu con đến vậy, huống chi chúng ta là con người. Không thương yêu con cái thì không ra cái hồn vía con người chút nào.

 

>> Từ số phận một con người
>> Lão Trư ơi!
>> Sở Khanh đời mới!
>> Thôi, ta đứng lại...
>> Hoa đào năm cũ…
>> Thông báo không nhận quà
>> Buôn lậu chào xuân!
>> Từ tái bản tới đình bản
>> Tiên xuống Sóc Trăng
>> Đông Thảo giang ký sự
>> Lưới ơi, lưới!
>> m nhạc và công chúng
>> Hội chứng “kính thưa”
>> Họ còn quá trẻ
>> Thượng, đại và siêu
>> Kịch bản ly hôn
>> Kính chào 7 tỉ người!
>> Hán hóa
>> Ngộ nghĩnh chuyện ly hôn
>> Cuộc mua danh
>> Họp & chơi mùa bão lũ
>> Chồng bo cho vợ
>> Đền lại… trinh nam
>> Tôi phục hiện "Dạ cổ hoài lang
>> Thà bị đánh còn hơn bị dị!
>> Rón rén và rổn rảng
>> Bí mật một đời người
>> Trung thu hoài niệm

Tuy nhiên, có những bậc cha mẹ yêu con hơi bị trật. Kinh tế đất nước phát triển, nhiều gia đình khá lên, giàu lên. Một số gia đình quan chức giàu lên đột xuất nhờ tham ô hay dùng quyền thế mà hối mại. Đồng tiền quá đỗi dư dụ khiến người ta phải “tư duy” ra cách xài tiền, để nhiều coi chướng mắt quá. Vậy là người ta tập cho con biết cách xài tiền và phung phí những đồng tiền cho bõ ghét.

Hình như năm nảo năm nào, báo chí đã la rùm về mấy vị quý tử con của một số đại gia đua xe hơi xịn, bị cảnh sát giao thông bắt giữ. Ngày đó, cái nhìn về luật pháp còn “thoáng” lắm. Bởi pháp luật hình sự chưa kịp quy định hành vi đua xe hơi bị xếp vào điều nào khoản nào trong bộ luật Hình sự. Nó là tội gây rối trật tự công cộng hay là cái giống gì? Thế nhưng vụ việc cũng làm... lay động tấm lòng của người nghèo và nhiều anh chị em cán bộ, công chức thường thường bậc trung. Họ tủi thân, các vị ạ. Họ thấy mình chăm chỉ làm việc, hăng hái lao động một đời mà chỉ mua được chiếc xe gắn máy để đi. Họ thua xa con cái của các đại gia dùng Lexus, BMW, Porsche, Audi mấy trăm ngàn đô la để đua chơi, quậy phá phố phường.

Thấy chiếc xe hơi có vẻ kềnh càng, vừa khó đua vừa khó trốn, các trung gia cho con tiền mua xe gắn máy đời mới xịn để... tiếp tục phục vụ cho sự nghiệp đua xe. Xe con ta được trang trí cầu kỳ, vẽ rồng vẽ rắn, đôn zên xoáy nòng, đêm nào cũng có thể gầm rú trên các đại lộ, trung lộ và tiểu lộ. Đua xe gắn máy trái phép là hành vi vi phạm pháp luật. Công an TP.HCM và quận Bình Thạnh đã túm được mấy trăm chiếc xe đua. Công an TP. Hà Nội cũng túm được mấy trăm xe lạng lách, đánh võng...

Các quý tử đã ứng xử như thế nào? Hễ trốn vào hẻm được thì họ trốn. Hễ bị bắt thì có người ngoan ngoãn giao xe, có người sừng sộ cãi cọ. Một số quý tử ngon cơm, móc điện thoại ra gọi, dọa cơ quan công quyền rằng mình là con cháu của ông X, bà Y. Đặc biệt, có người còn dùng cả quyền cước với cả anh em cảnh sát đang thi hành công vụ. Một số hình ảnh coi thường luật pháp phản cảm như vậy đã được chiếu lên đài truyền hình, đưa lên báo chí.

Trước nay, người ta thường cho rằng cái nghèo làm nảy sinh ra sự sai trái. Hổng phải đơn giản vậy đâu. Chính cái giàu cũng làm nảy sinh sự sai trái, mà e rằng còn sai trái hơn cả cái nghèo. Coi chuyện quý tử đua xe thì khắc biết. Có con em nhà nghèo nào sắm được xe hơi, xe gắn máy xịn để đua đâu?

Yêu con cái là chuyện đương nhiên nhưng yêu quá... cỡ thợ mộc lại tạo ra cái nhìn phản cảm cho mọi người. Con cái lớn lên, được dựng vợ gả chồng ngay ngắn là niềm vui, niềm hạnh phúc của gia đình. Đám cưới của hai người trẻ trung, đầy đủ quyền công dân luôn được luật pháp và xã hội tôn trọng. Ta can thiệp sâu quá làm gì để cho tiếng đời đàm tiếu, biến ngày hạnh phúc nhất của con cái ta trở thành ngày tấu hài bất đắc dĩ?

Biên niên sử tấu hài cho biết có những bậc phụ huynh là quan chức đã can đảm ghi... chức danh của mình lên thiệp cưới con cái. Dù cố gắng để cải chính rằng chức danh đó chỉ là để nhắc nhở bà con nhớ mà đến cho vui thì chừng mực nào đó ta đã lạm quyền, lạm dụng chức danh của nhà nước. Chuyện này quả thật không sướng.

Yêu con, ta tổ chức đám cưới quá đỗi rình rang. Tiệc cưới diễn ra lần lượt ở bốn thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Dẫu ta có cố gắng cải chính rằng ta vốn là người quảng giao, có anh em bạn bè suốt từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau đi nữa thì miệng tiếng thế gian vẫn cho rằng ta đang nỗ lực... thu hụi chết của bá tánh. Và cũng nên mở lòng từ bi mà thương xót những người quen biết ta khi nhận được những thiệp cưới không vui như vậy. Thí dụ như một người phải chạy từ Cà Mau hay Kiên Giang về tới Cần Thơ để ăn một tiệc cưới thì họ mất bao nhiêu thời gian, bao nhiêu sở hụi?

Yêu con, ta tổ chức đám cưới... giật gân. Bần đạo phân loại giật gân phi cách mạng và giật gân cách mạng. Giật gân phi cách mạng thí dụ như A đánh B gây tỷ lệ thương tích 15%, phải ra tòa. Giật gân cách mạng thí dụ như đám cưới con ta mà ta phải chi tiền sộp để mời cho được nhạc sĩ A về làm MC giới thiệu chương trình; các ca sĩ B, C, D và F về hát; dàn nhạc sống G về chơi nhạc. Nghĩa là ta sẵn sàng bỏ hàng tỉ đồng để con cái ta “ăn theo” tiếng tăm của những người nổi tiếng.

Khi đã dộng vào vài chai bia hoặc ba ly sec rượu mạnh, thực khách trong tiệc cưới sẽ cười nói râm ran, chuyện Long Xuyên nói ra Long Hải, chẳng ai quởn đâu mà nghe ca sĩ này hay ca sĩ kia hát. Đó là chưa nói họ thường hay hát bài ruột, hát ra những Đồi thông hai mộ, Lan và Điệp, Chiều hoang vắng... thì lại rách việc.

Yêu con, ta hãy thể hiện tình yêu ấy một cách bình thường như bao nhiêu bậc phụ huynh khác. Con ta đáng yêu; ta hãy dùng đồng tiền đầu tư vào tương lai cho chúng. Con ta lỡ có điều sai phạm; ta hãy bình tĩnh chờ xem sự xử lý của cơ quan công quyền, không dùng quyền thế can thiệp, không dùng tiền bạc chạy chọt.

Hãy mạnh dạn nói: Con yêu ơi! Đừng học theo lối nói nũng nịu: Con iu ui! Nói vậy đối với con cái đã thành niên nghe không sướng lỗ tai chút nào.

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.