Cổ tích thôn nữ

25/01/2012 11:35 GMT+7

(TN Xuân Nhâm Thìn) Sơn nữ ca được nhạc sĩ Trần Hoàn viết từ lúc 20 tuổi khi ở Tuyên Hóa (Quảng Bình) và nhanh chóng lan truyền khắp Chiến khu Bình-Trị-Thiên. Nó còn loang cả vào các thành phố bị tạm chiếm. Và ở đó, du kích đã được sửa thành lữ khách; thời cơ đến rồi đợi chờ ra tay thì sửa thành hoàng hôn xuống rồi đợi chờ ai đây. Tôn trọng tác giả, sau này người ta hát đúng bản gốc, rất đúng quan điểm, nhưng tôi vẫn thích lời sửa, vì nó có tính vĩnh hằng hơn.

(TN Xuân Nhâm Thìn) Sơn nữ ca được nhạc sĩ Trần Hoàn viết từ lúc 20 tuổi khi ở Tuyên Hóa (Quảng Bình) và nhanh chóng lan truyền khắp Chiến khu Bình-Trị-Thiên. Nó còn loang cả vào các thành phố bị tạm chiếm. Và ở đó, du kích đã được sửa thành lữ khách; thời cơ đến rồi đợi chờ ra tay thì sửa thành hoàng hôn xuống rồi đợi chờ ai đây. Tôn trọng tác giả, sau này người ta hát đúng bản gốc, rất đúng quan điểm, nhưng tôi vẫn thích lời sửa, vì nó có tính vĩnh hằng hơn.

Một đêm trong rừng vắng/Ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh...

Những ca từ đó đã làm cho cả nước biết đến con gái miền sơn cước hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa thuộc tỉnh Quảng Bình quê tôi.

Công bằng mà nói, con gái ở vùng Minh Hóa - Tuyên Hóa rất đẹp. Hầu hết có điểm chung: dáng cao, da trắng, môi đỏ, tóc dài. Điều đặc biệt là, hình như các sơn nữ đều tự tin đến mức hồn nhiên, không biết có phải về sắc đẹp của mình hay không, nhưng bảo đảm là họ rất bạo dạn, không phải bây giờ mà từ rất lâu, hồi Trần Hoàn còn 20 tuổi, thế nên Sơn nữ ca mới có đoạn thế này: Một đêm trong rừng vắng/Có cô sơn nữ miệng cười khúc khích ngắm anh du kích (bản sửa gọi là lữ khách - NV) rồi lòng bâng khuâng.

 
Ảnh: Lê Văn Thọ

Người ta lý giải về miền gái đẹp Tuyên - Minh này theo nhiều cách, trong đó có người cho rằng vào thế kỷ 18, kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương được Tôn Thất Thuyết cùng các quần thần thân tín hộ tống theo đường rừng ra Quảng Bình, chọn vùng rừng núi Sa Cơ - Kim Linh - Nạ... của Minh Hóa làm căn cứ địa. Đi theo nhà vua là các cung tần mỹ nữ. Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, nhà vua bị bắt, những cung tần mỹ nữ ở lại miền sơn cước này rồi lập gia đình sinh con đẻ cái. Con gái vùng này vốn là hậu duệ của các cung tần mỹ nữ xưa kia nên mới đẹp là thế.

Có người lại cho rằng con gái Tuyên - Minh đẹp là nhờ có một vật phẩm thượng thặng do thiên nhiên ban tặng, đó là cây cỏ máu. Gọi là cỏ nhưng thực ra đó là loài dây leo trong rừng. Có cảm giác giông giống loại cây mà ông Ama Kông ở Tây nguyên dùng làm thuốc, ngâm rượu bây giờ.

Phụ nữ uống nước cỏ máu khí huyết thanh, da trắng, môi hồng, tóc đen...

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, trong nhàn đàm Miền gái đẹp đăng trên Thanh Niên thì lý giải có tính nguyên lý, rằng: "...ở đâu có sông nước đẹp thì ở đấy tất có nhiều mỹ nhân... đó là sự liên lạc giữa Đất và Người, dân gian quê tôi nói “Người ta là hoa đất”. Vùng Tuyên - Minh Hóa là nơi như thế.

Tôi thì thích tất cả cách lý giải nói trên. Đã đẹp thì nói thế nào cũng đẹp.

o0o

Thực ra ở nước ta, vùng nào cũng có miền gái đẹp, và theo đó, cũng ẩn chứa những truyền thuyết đẹp. Vì thế nên phía bắc có câu “Chè Thái gái Tuyên, mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm”. Quảng Nam - Đà Nẵng lại có câu “Nhất gái Tiên Hà, nhì gà Tiên Cảnh”. Để xếp hạng những miền có nhiều con gái đẹp, người đất Tổ (Phú Thọ) có câu: “Nhất Luông, nhì Cốc, tam Hiền”, nghĩa là trong các xã có con gái đẹp ở tỉnh thì con gái ở Văn Luông (huyện Tân Sơn), Tây Cốc (huyện Thanh Ba) và Hiền Lương (huyện Hạ Hòa)... Bảo đảm ở đâu cũng có lưu truyền những câu như thế.

Bây giờ người ta phê phán cách nói của người trẻ kiểu Sát thủ đầu mưng mủ, nhưng thời xưa, ông cha ta còn nghịch ngợm hơn thế, để chỉ vùng có con gái đẹp, người ta so sánh cái đặc trưng (chỉ phụ nữ có) với một sản vật nổi tiếng, kiểu như “Nón Ba Đồn/ (...) Thổ Ngọa” (trong ngoặc là từ cùng vần).

Bài Lý mười thương cổ của xứ Huế được dịch ra tiếng Pháp, nay lại dịch ra tiếng Việt có câu: “Tám thương, em có đôi quả vú to như trái bưởi Biên Hòa”. Đọc lên không thấy tục lại thấy thanh nếu biết tư duy người xưa rất cụ thể, không trừu tượng vòng vo như người nay.

o0o

Người ta nói, trong Thiên long bát bộ của Kim Dung, Du Thản Chi là kẻ si tình bậc nhất, nhưng Du không bao giờ tự nói ra, vì thế tôi thích Kiều Phong (Tiêu Phong), bởi quan niệm của ông về chữ sắc. Ông có một câu nói thật đến mức ai ai cũng thấy nhưng không dám nói ra. Câu đó thế này: “Tiểu tử vốn coi trọng sắc đẹp hơn tính mạng...”.

Có lẽ vì câu ấy mà người đời sau, Nguyễn Tôn Nhan đã cảm khái Tiêu Phong: Hán Liêu nào biết về đâu?/Ngậm ngùi tiếng hát A Châu thuở nào/Rượu chìm trong cõi chiêm bao...

Trong lịch sử nước ta, cũng có nhiều đấng minh quân lụy sắc. Vua Thành Thái cũng tự nói ra câu gần giống Kiều Phong.

Người Huế đến bây giờ vẫn truyền tụng câu này của ông: “Kim Long có gái mỹ miều/Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi”.

Tương truyền, hồi đó, Vĩnh Quốc công Nguyễn Hữu Độ có ba người con gái rất xinh đẹp, một gả cho vua Đồng Khánh, một gả cho em vua Hàm Nghi, còn lại người con gái út Nguyễn Hữu Thị Nga rất mỹ miều nên vua Thành Thái hay đi xe song mã đến nhà chơi. Sau này, bà Nga được vua Thành Thái đưa vào cung, phong làm huyền phi, sinh hạ được hai người con.

Kim Long cũng là nơi tập trung hầu hết các phủ đệ của họ hàng bên vợ các vua nhà Nguyễn. Cũng như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, người ta lý giải, có lẽ nhờ dùng nước nguồn sông Hương và những vườn cây trái sum suê bốn mùa mà con gái Kim Long hầu như ai cũng đẹp. Đẹp đến mức vua cũng phải... liều!

Trong dân gian cũng tương truyền, Hồ Quý Ly lên làm vua, chọn nơi thao lược binh mã quần hùng, quân lính tập trận ngay tại thôn Ô Cách, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm (thuộc tỉnh Hà Nam lúc bấy giờ). Tình cờ, một hôm người thôn nữ xinh đẹp là Nguyễn Thị Dầm đi cắt cỏ ven sông Đáy và cất cao tiếng hát: Tay cầm bán nguyệt đưa ngang/Em là phận gái sửa sang cõi bờ/Nửa vành trăng sáng đơn sơ/Trăm ngàn ngọn cỏ ngẩn ngơ quy hàng. Không ngờ tiếng hát của người con gái ấy đến tai vua lúc đó đang ngự thuyền trên sông. Hồ Quý Ly liền ghé thuyền vào bờ và cho quân lính đón nàng về làm vợ, dù bấy giờ ông đã có nhiều thê thiếp.

Vì ngưỡng mộ câu nói của Kiều Phong và thử liều như vua Thành Thái một lần, nên tôi cũng xin thành thật. Câu chuyện này là do dì tôi kể lại, rằng từ thuở còn rất nhỏ, tôi đã rất thích người đẹp, đang khóc, người nào đẹp bế thì nín ngay. Không biết dì kể thế để nói dì đẹp hay không, vì dì là người ẵm tôi từ khi còn đỏ hỏn, nhưng mà dì nói thì tôi tin. Lớn lên một chút, học với cô giáo đẹp, tôi thường học giỏi. Điều này chắc nhiều người cũng thế nhưng lại như Du Thản Chi, không nói, còn tôi thì lại làm Kiều Phong, nói ra (thay cho nhiều người) vậy.

o0o

Tôi nhớ, năm đó đang học lớp 4, tôi cùng bạn bè theo Kế hoạch 8 (gọi tắt là K8), đưa con em vùng đất lửa Quảng Bình ra học ở Thanh Hóa để giữ "hạt giống đỏ". Anh em tôi về làng Thọ Đồn, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, một làng quê bên bờ sông Mã. Một lần đi hái dâu bên bãi bồi, tôi gặp chị Cần. Thực ra tên chị sau này tôi mới biết, còn lúc đó thì tim tôi đập loạn xạ, tay chân bủn rủn, mồ hôi toát đầm đìa khi nhìn thấy một thiếu nữ tóc dài đến dượng (khuỷu chân), mặc một chiếc áo nâu sồng nền nã, mọi thứ đều căng tròn và đẫm mồ hôi. Khi chị nghe động quay lại, một khuôn mặt đẹp đến mức khó diễn tả bằng lời. Nó có gì đó rất khác biệt, như thể người bước ra từ truyện cổ tích. Sau này, chú Nguyên trong nhà tôi ở (đi học nước ngoài về), gọi chị là Sơn nữ Phù Lưu. Lần đầu tiên tôi nghe hai từ sơn nữ đầy chất thơ trong cách nói rưng rưng của một chàng trai như chú.

Chị Cần ở làng Phù Lưu, giáp Thọ Đồn, làng cũng nằm bên sông Mã nhưng tựa lưng vào dãy núi đá vôi.

Sau này quen chị, hai anh em (tôi và em gái đang học lớp 2) rất được chị thương, coi như em ruột. Nhờ thế mà thanh niên hai làng Thọ Đồn và Phù Lưu ai cũng thương theo, hết mực.

Chị Cần đang học lớp 10 dưới thị trấn, mỗi ngày chị đi bộ từ rất sớm qua con đường trước đình làng Thọ Đồn, cũng từ rất sớm, các anh thanh niên chờ sẵn chỉ để được ngắm chị, ngắm mãi, cho đến khi mái tóc dài khuất sau góc cua rặng tre nhà chú Hoa mới thôi. Chú Hoa trở thành nhà thơ, nhiều bài thơ tôi được đọc, thấy đều có bóng dáng của Sơn nữ Phù Lưu. Chắc hồi đó chú Hoa cũng nấp đâu đó để nhìn.

Một lần đi bè nứa từ thượng nguồn về, tôi hỏi chú Nguyên, sơn nữ là răng. Chú trả lời, sơn nữ nhất định phải là người con gái ở làng có núi nhưng mà đẹp, không đẹp thì người ta gọi là gái làng, không gọi sơn nữ hay thôn nữ. Tôi hỏi lại, rứa thì không công bằng, với lại, làng chị Cần đồng bằng nhiều hơn núi sao gọi là sơn nữ. Chú Nguyên nói, ừ, thì cũng có thể gọi là thôn nữ, nhưng vì núi đá vôi mọc giữa đồng bằng, nhà chị Cần ở lưng chừng núi nên gọi sơn nữ đúng hơn. Lại hỏi, đẹp như răng mới được gọi là... sơn nữ hay thôn nữ. Chú Nguyên ừ à rồi giải thích, đại để là phải khuôn mặt trái xoan, mắt bồ câu, lông mày lá liễu, đẹp mà phúc hậu, đoan trang, không đẹp sắc sảo như cô Đoan xóm mình... Đoạn hình như hết lời diễn tả nên chú kết luận, đại để phải đẹp mà kiểu đẹp như chị Cần của cháu!

Tôi thấy cách giải thích của chú không ổn nhưng không đủ hiểu biết để bắt bẻ lại. Từ đó, cái từ sơn nữ hay thôn nữ cứ ám ảnh đến mức nhắc đến hai từ đó như là nhắc đến cái đẹp nết na, thuần hậu. Đọc thơ Nguyễn Bính lại càng mê mấy nàng thôn nữ.

Chị Cần không được vua rước, chị lấy một anh giáo làng và sống một cuộc đời bình dị. Như thế đôi khi đời chị lại may.

o0o

Cách đây dễ đến mươi năm, ở quê tôi, có một anh đi lao động xuất khẩu ở Đức rất giàu, cất công lên vùng Tuyên - Minh tìm vợ. Theo anh thì không chỉ vì sắc mà vì con gái miền sơn cước nết na, thuần hậu. Rồi anh cũng tìm được ý trung nhân. Ngày cưới tổ chức rôm rả lắm. Nhưng không hiểu thế nào vợ anh lại quen rất nhiều người, thấy lạ, anh bèn hỏi, chị vợ hồn nhiên: "Thì hồi em làm ở quán karaoke Mây Hồng, mấy người đó đều là khách quen cả". Tóa lòa lọa.

Vậy nên, thi sĩ Nguyễn Bính dù có thanh bần vẫn là người được sống như trong cổ tích:

Sang năm ra ở riêng rồi
Vợ tôi dệt lụa, tôi ngồi làm thơ
Lụa may áo, bán còn thừa
Tôi đem thay giấy viết thơ chung tình
Giăng câu này dưới mái gianh:
"Nhà cô thôn nữ, vợ anh học trò"...

Hai chữ thôn nữ hình như đã theo Nguyễn Bính đi vào cổ tích. Vì bây giờ, nếu còn, chắc ông phải viết thêm mấy câu:

Thôn nữ đổi tên Kim Jo
Kén chồng Hàn Quốc mong cho đổi đời.
Tằm tơ cô để mình tôi
Câu thơ đổi lại, “xưa rồi Diễm ơi".

Bút ký của Nguyễn Thế Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.