Chuyện tình thời chiến - Kỳ 1: Tình yêu dưới án tử hình

24/12/2011 00:01 GMT+7

Họ ra đi sẵn sàng hy sinh hạnh phúc, xương máu vì một tình yêu Tổ quốc, nhưng sâu thẳm trong tim vẫn nồng nàn một tình yêu đôi lứa. Cuộc chiến tranh kéo dài, họ vẫn chờ đợi nhau cho đến ngày thống nhất. Có những mối tình mong ngóng người thương đã đi hết tuổi thanh xuân.

Họ ra đi sẵn sàng hy sinh hạnh phúc, xương máu vì một tình yêu Tổ quốc, nhưng sâu thẳm trong tim vẫn nồng nàn một tình yêu đôi lứa. Cuộc chiến tranh kéo dài, họ vẫn chờ đợi nhau cho đến ngày thống nhất. Có những mối tình mong ngóng người thương đã đi hết tuổi thanh xuân.

Khi tôi gặp ông để tìm tư liệu viết kịch bản cho loạt phim tài liệu Mãi mãi một tình yêu, ông trầm ngâm: “Tôi thật sự cũng không biết bắt đầu từ đâu, bởi hơn nửa thế kỷ qua tôi vẫn xem đó như một giấc mơ. Giấc mơ về một tình yêu mà chúng tôi đã viết nên ngay dưới bản án tử hình…”. Ông là người tử tù lừng danh Lê Hồng Tư.

Lời tỏ tình đầu tiên thất bại!

Năm 1956, vậy là không có hòa bình, không có thống nhất như người ta nghĩ sau Hiệp định Geneve 1954, sau hai năm chia cắt để chờ ngày tổng tuyển cử. Quân Mỹ bắt đầu hiện diện tại miền Nam với vai trò cố vấn, và người miền Nam đã thấy rõ một điều rằng hòa bình, thống nhất chỉ có thể đến khi quân Mỹ rút khỏi miền Nam. Một trong những lực lượng đứng lên ngay tại nội thành Sài Gòn chính là phong trào học sinh, sinh viên.

Ngày ấy, Lê Hồng Tư là một thiếu niên nghèo ở miệt Bình Chánh lên Sài Gòn làm đủ mọi nghề như thợ tiện, nhân viên điện tín… để có tiền tự lo ăn học. Với anh, ngày đầu tiên gặp người con gái ấy, người con gái mà anh đã đem lòng yêu thương trọn đời, đó là ngày anh không bao giờ quên.

 
Ông bà Lê Hồng Tư - Nguyễn Thị Châu

Lê Hồng Tư là người được tổ chức đưa vào trường học để gây dựng phong trào, lực lượng đấu tranh nội thành Sài Gòn. Còn Nguyễn Thị Châu là một cô gái nghèo ở Biên Hòa, nhưng vì đàn em mà chị phải mượn tiền lên Sài Gòn ăn học để tìm tương lai cho các em. Chị chính là người mà Lê Hồng Tư lựa chọn để giác ngộ cách mạng.

Ông Lê Hồng Tư kể lại: “Khi Châu đến Trường Văn Lang đăng ký học, tôi đã chú ý ngay đến Châu. May thay Châu đăng ký vào học lớp tôi đang làm lớp trưởng. Thanh niên mới lớn mà, ai lại không thích người con gái đẹp, nết na thùy mị như Châu. Để chứng tỏ mình là người ga lăng, tôi hết lo cho Châu từ việc đăng ký học, rồi lại đưa lên lớp và bố trí ngồi bàn đầu làm nhiều bạn cùng lớp dò xét tình ý của tôi, nhưng lúc đó tôi chỉ thấy thích chứ chưa yêu Châu”.

Từ tình bạn rồi dần dần Lê Hồng Tư cảm hóa Châu trở thành người đồng chí trong phong trào HS-SV Sài Gòn mà Châu hoạt động rất tích cực. Và rồi, nhịp đập của con tim đã hối thúc Lê Hồng Tư thổ lộ tình yêu với người bạn cùng lớp. Đó là một ngày cuối tuần năm 1958, khi biết bạn bè ở trọ cùng Châu đã về quê hết, Lê Hồng Tư tìm đến và nói bâng quơ về mối tình với một người con gái mà mình theo đuổi. Khi Châu hỏi đó là ai, Lê Hồng Tư ấp úng: “Đó chính là Châu. Tôi muốn thành hôn với em!”. Không ngờ Nguyễn Thị Châu trả lời: “Em chưa nghĩ đến chuyện đó đâu. Em còn phải lo chuyện học, chuyện nuôi các em”. Ông Lê Hồng Tư nhớ lại: “Lúc đó tim tôi thắt lại, ruột đau như cắt, lời tỏ tình đầu tiên đã thất bại. Tôi chỉ biết trèo lên gác nhìn Châu vẫn điềm tĩnh ngồi học bài, nhưng với lòng tự ái của chàng trai, tôi lại nhủ: Nếu Châu chưa quyết định thì cứ sáu tháng tôi lại hỏi Châu một lần về lời cầu hôn này…”.

“Dù có đi hết một vòng trái đất…”

Cho dù hẹn ước cứ sau sáu tháng anh lại một lần hỏi về lời cầu hôn với chị, nhưng mãi đến năm 1959, sau khi đi thoát ly, Lê Hồng Tư mới có dịp gặp lại người mình yêu và anh lại hỏi về lời cầu hôn, nhưng Châu vẫn không trả lời. Ông Lê Hồng Tư kể: “Tôi có linh tính lần gặp mặt đó là lần chia xa, nên có nói với Châu rằng: Nếu còn sống trên đời này tôi vẫn còn giữ ý định thành hôn với Châu, dù phải đi hết một vòng trái đất để đến với Châu tôi cũng sẵn lòng”. Bà Châu nhớ lại: “Thực sự tôi rất thương anh Tư, nhưng lúc đó nợ nước chưa đền, nợ nhà chưa dứt làm sao tôi có thể nghĩ đến tình riêng. Biết anh ấy sắp đi xa, nên tôi đã chuẩn bị cho anh ấy hai chiếc khăn, hai chiếc quần đùi và 200 đồng để tặng thay cho lời tôi muốn nói về lời tỏ tình của anh”.

Đó chính là lần gặp mặt định mệnh để rồi họ chia xa nhau 15 năm trong gông cùm, ngục tù và án tử hình.

Ngày 8.7.1961, cả Sài Gòn lẫn Washington đều rúng động với thông tin: biệt động Việt cộng đánh bom vào xe Đại sứ Mỹ Frederick Nolting. Báo chí Sài Gòn gọi đó là “Vụ án chấn động nhất đô thành Sài Gòn từ trước tới nay”. Đó chính là chiến công của “tiểu đội quyết tử quân” thuộc lực lượng biệt động Ban cán sự học sinh sinh viên Khu Sài Gòn - Gia Định mà Lê Hồng Tư, khi ấy mới 26 tuổi, phụ trách chỉ huy. Đây cũng là những trận đánh Mỹ đầu tiên giữa Sài Gòn, mở ra phong trào sinh viên học sinh đánh Mỹ khắp các đô thị miền Nam.

Gần như toàn bộ lực lượng cảnh sát, cảnh sát đặc biệt, an ninh quân đội, quân cảnh của Sài Gòn được tung ra để truy bắt lực lượng biệt động ám sát đại sứ Mỹ. Cả tiểu đội quyết tử Lê Hồng Tư đều bị bắt.

Ngày 23.5.1962, tiểu đội quyết tử bị tòa án quân sự Sài Gòn đưa ra xét xử và khí tiết người anh hùng vẫn hiên ngang trước quân thù. Rạng sáng 24.5.1962, tòa quân sự đặc biệt tuyên bốn án tử hình bao gồm: Lê Hồng Tư, 27 tuổi, sinh viên; Lê Quang Vịnh, 26 tuổi, giáo sư; Lê Văn Thành, 20 tuổi, học sinh; Huỳnh Văn Chính, 27 tuổi, quân nhân. (còn tiếp)

Binh Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.