Chuyện tình nghệ sĩ Mộc Lan - Bài 3: Giai thoại cuộc tình Đoàn Chuẩn - Mộc Lan

20/02/2010 17:33 GMT+7

Bấy lâu nay, trong giới nghệ sĩ vẫn lưu truyền có một mối tình thật lãng mạn giữa chàng nhạc sĩ phong lưu Đoàn Chuẩn và nữ ca sĩ lừng danh Mộc Lan. Chuyện tình này mang đậm phong cách hào hoa của “Đoàn công tử”. Thực hư như thế nào chỉ những người trong cuộc mới rõ.

Ở đây chúng tôi xin thuật lại như là một giai thoại. Xuất phát của giai thoại này có lẽ là từ bộ sách Chuyện tình các nhạc sĩ tiền chiến (2 tập) do nhạc sĩ Lê Hoàng Long biên soạn, trong đó có bài viết Gởi gió cho mây ngàn bay nói về cuộc gặp gỡ và lối tỏ tình ly kỳ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn với ca sĩ Mộc Lan. Nhiều bài viết (trên báo chí, trên mạng internet) và cả những lời kể hầu như đều dựa theo những tình tiết mà nhạc sĩ Lê Hoàng Long đã viết. Người viết bài này cũng đã từng gặp gỡ những người trong cuộc (Lê Hoàng Long, Mộc Lan, Châu Kỳ) chỉ trừ nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (do ông ở ngoài Bắc và nay đã mất). Cuối năm 2002, khi thực hiện bài phỏng vấn tác giả ca khúc Gợi giấc mơ xưa tại tư gia của ông ở đường Cách Mạng Tháng Tám (gần Bệnh viện Thống Nhất - ngã tư Bảy Hiền), nhạc sĩ Lê Hoàng Long có tặng cho người viết bộ Chuyện tình các nhạc sĩ tiền chiến, do đó mới “thắc mắc” chuyện tình cảm giữa nữ danh ca sắc nước hương trời Mộc Lan và “Ông hoàng nhạc tình” Đoàn Chuẩn.

Như ở bài trước chúng tôi đã từng nói đến, nữ ca sĩ Mộc Lan nổi tiếng cả nước với bài hát Đi chơi chùa Hương của nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp. Bài hát này có những đoạn xen kẽ giữa hát và nói thơ cho nên rất dài và kén người hát. Dạo ấy (đầu những năm 1950), bài hát này hầu như chỉ có Mộc Lan độc diễn. Nàng là người gốc Hải Phòng nhưng vào Sài Gòn khá sớm (khoảng cuối thập niên 1940), lập gia đình với ca sĩ kiêm nhạc sĩ Châu Kỳ, rồi về quê chồng ở cố đô Huế sinh sống. Tuy nhiên, thỉnh thoảng nàng vẫn được mời đi lưu diễn, kể cả ra Bắc (sau năm 1954, chia đôi đất nước mới cách ngăn sự đi lại giữa hai miền). Và trong một lần hát Đi chơi chùa Hương ở Nhà hát Lớn (Hà Nội), giọng ca và sắc đẹp của nàng đã khiến một anh chàng đẹp trai, tài hoa và phong lưu bậc nhất thời đó ngây ngất. Chàng chính là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn...

Thời ấy ở miền Bắc có những sản vật nổi tiếng được truyền khẩu và trở thành “ca dao, thành ngữ”: “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét” (dưa của làng La, cà của làng Láng, nem do làng Báng gói, tương do làng Bần làm, nước mắm của hãng Vạn Vân, cá rô sống ở Đầm Sét mới là món ngon đích thực). Đoàn Chuẩn chính là con của chủ hãng nước mắm Vạn Vân giàu có nức tiếng ở Hải Phòng. “Cái nết” ăn chơi của Đoàn công tử cũng là đề tài râm ran từ Hải Phòng đến tận Hà Nội (có lẽ chỉ thua bậc tiền bối là công tử Bạc Liêu ở trong Nam mà thôi). Chàng có hai thú đam mê, đó là âm nhạc và... ô tô! Về âm nhạc, ông từng học đàn guitar với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ và học guitar Hawaii với nhạc sĩ Wiliam Chấn. Sáng tác đầu tay của ông là ca khúc Ánh trăng mùa thu (1947) ký tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh (kể cả sau này, tất cả tác phẩm của Đoàn Chuẩn đều ký tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Nhiều người cho rằng đến nay Từ Linh vẫn là một ẩn số, nhưng theo tìm hiểu của người viết thì Từ Linh tên thật Hà Đình Thâu, vốn là nhiếp ảnh gia và là em ruột một người bạn thân của Đoàn Chuẩn. Người được nhạc sĩ chia sẻ từng bản nhạc khi vừa viết xong cũng như trút hết bầu tâm sự về những bóng hồng đi qua đời mình. Sau 1954, Từ Linh vào Nam và mất năm 1992. Một tình bạn “tri âm, tri kỷ” rất đáng trân trọng. Về ô tô thì vào thời điểm đó ông có đến 6 chiếc, trong đó có chiếc Ford Frégatte (cả Việt Nam chỉ có 2 chiếc của ông và... Thủ hiến Bắc kỳ). Tài tử Ngọc Bảo, người cùng thời với nhạc sĩ đồng thời là giọng hát được coi là hát nhạc Đoàn Chuẩn thành công nhất từng thú nhận: “Tôi là tay ăn chơi có hạng nhất Bắc kỳ nhưng còn thua xa người lịch lãm, hào hoa Đoàn Chuẩn”... Đoàn Chuẩn kết hôn từ rất sớm (năm 1942), vợ ông là cô bạn cùng lớp, cùng 18 tuổi - tên Xuyên, đẹp người đẹp nết, chịu đựng sự hào hoa của chồng cũng như chung thủy chăm sóc ông cho đến cuối đời một cách rất đáng khâm phục...

Trở lại với sự kiện sau khi nghe nữ danh ca Mộc Lan hát Đi chơi chùa Hương ở Nhà hát Lớn (Hà Nội), “Đoàn công tử” quyết tâm chinh phục người đẹp nhưng thời gian nàng lưu lại Hà thành quá ngắn, không đủ thời gian cho công tử “xuất chiêu”. Khi Mộc Lan trở về Sài Gòn thì ít lâu sau chàng cũng đáp máy bay theo vào. Nhưng rồi qua dọ hỏi, chàng lâm vào tình trạng bẽ bàng khi biết được cành lan kia đã có chủ, nàng đã là vợ của nhạc sĩ Châu Kỳ. Tuy thế với cách “chơi ngông công tử”, Đoàn Chuẩn đã đặt một khoản tiền rất lớn cho một tiệm hoa, để mỗi buổi sáng người đẹp sẽ nhận được một bó hoa hồng tươi thắm mà không hề có tên người gửi tặng. Suốt 3 tuần đều đặn như thế, Mộc Lan không khỏi xúc động cũng như rất tò mò muốn biết người tặng hoa “mai danh ẩn tích” kia là ai? Nghĩ hết cách, nàng đành phải nhờ chủ tiệm hoa chuyển tới người ấy một bức thư cảm ơn với những lời lẽ chân thành nhưng cũng có những đoạn đầy ẩn ý. Được sự đồng ý của Đoàn Chuẩn, người chủ tiệm hoa đã tiết lộ tên và địa chỉ của “gã tình si hào hoa” - chính là... “Ông vua slow” Đoàn Chuẩn vang danh khắp nước. Mộc Lan thật bất ngờ và xúc động. Đoàn Chuẩn lại tiếp tục gửi tiền vào để tiệm hoa đều đặn tặng hoa cho nàng trong suốt hai tháng nữa... Rồi một ngày, Mộc Lan nhận được một cánh thư gửi từ phương Bắc. Trong phong bì không phải là những lời tỏ tình yêu thương mà là một bài hát. Khuông nhạc được kẻ bằng tay cẩn thận, ca từ được viết nắn nót trên tờ giấy pơ-luya xanh mỏng tang: “Gởi gió cho mây ngàn bay. Gởi bướm đa tình về hoa. Gởi thêm ánh trăng, màu xanh lá thư về đây với thu trần gian...”. Và dường như Đoàn Chuẩn cũng nhận biết đây là mối tình vô vọng nên lời ca càng trở nên da diết: “Nhưng thôi tiếc mà chi, chim rồi bay, anh rồi đi. Đường trần quên lối cũ, người đời xa cách mãi. Tình trần không hàn gắn thương lòng...”.

Cũng theo nhạc sĩ Lê Hoàng Long thì nhạc sĩ Đoàn Chuẩn còn viết Gởi người em gái (tựa cũ Gởi người em gái miền Nam) tặng riêng cho... ca sĩ Tâm Vấn (bạn thân của Mộc Lan). Người viết đã có may mắn được gặp bà Tâm Vấn trong một cuộc triển lãm tranh ở đường Lê Thánh Tôn (Q.1, TP.HCM), bèn đánh bạo hỏi bà chuyện này. Bà cười xòa: “Không, ông ấy làm bài này là để tặng cho Mộc Lan, bạn tôi”. (Còn tiếp)

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.