Chuyện tình nghệ sĩ Mộc Lan - Bài 1: Gặp nữ danh ca

19/02/2010 00:36 GMT+7

Những người am hiểu và gắn bó với nền tân nhạc Việt Nam, hẳn vẫn còn nhớ về một thế hệ nữ ca sĩ cách đây hơn 60 năm. Đó là những giọng ca: Mộc Lan, Tâm Vấn, Châu Hà, Kim Tước... Thời may, tôi được gặp một người trong số họ: danh ca Mộc Lan.

Tiếng tăm của nữ danh ca một thời Mộc Lan thì tôi đã từng nghe biết từ lâu qua những lời truyền tụng và sách báo. Thời hoàng kim của bà đã cách đây hơn nửa thế kỷ nên một kẻ hậu bối như tôi dù rất ao ước cũng khó lòng gặp được, bởi bà đã “mai danh ẩn tích” từ rất lâu... Qua sự giới thiệu của một nhà thơ, được biết nhà văn Trần Áng Sơn (vốn là chỗ quen biết với tôi) chính là em ruột của bà, tôi nhờ anh Sơn dẫn đến thăm bà. Một ngày cận Tết, anh Trần Áng Sơn đưa tôi đi, nhưng dặn nhỏ: “Hạn chế hỏi chuyện đời tư nhé!”. Tôi vâng dạ mà... buồn thiu bởi thú thực tôi đang rất muốn hỏi bà một số chuyện tình cảm liên quan đến các nhạc sĩ Châu Kỳ, Đoàn Chuẩn..., đành gặp trước rồi tính sau.

Dù đã được anh Trần Áng Sơn báo trước nhưng tôi cũng không thể ngờ người đàn bà tài sắc một thời này, nay lại có hoàn cảnh khó khăn như thế. Bà hiện sống - có thể nói là cô độc trong một căn nhà chỉ chừng mười mấy mét vuông ở cuối con hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM). Càng cô độc hơn khi một mình bà phải nuôi nấng, chăm lo cho người con gái trên 50 tuổi bị bệnh tâm thần. Mảnh lưng ong ngà ngọc một thời nay đã còng xuống, trí nhớ có phần mai một nhưng vẻ xuân sắc ngày ấy vẫn chưa phai nét trên khuôn mặt mà mái tóc đã gội tuyết sương... Bà khoe: “Tôi mới vừa nói chuyện qua điện thoại với nhạc sĩ Trịnh Văn Ngân ở bên Mỹ gọi về (nhạc sĩ Trịnh Văn Ngân là tác giả các ca khúc Buồn thu, Đường tơ lưu luyến, Người đưa thư đã đi qua...). Bây giờ buồn lắm, bạn bè chỉ còn dăm người, ai nhớ đến mình, gọi điện hỏi thăm hay gửi cho chút quà là mừng lắm, cảm động lắm... Châu Hà, Kim Tước đang ở nước ngoài, chỉ có Tâm Vấn thỉnh thoảng có ghé thăm. Tất cả đều già yếu rồi nên chẳng ai trách ai...”.

* Cô đi hát từ bao giờ và bài hát đầu tiên cô biểu diễn trước công chúng là bài nào?

- Tôi tên thật là Phạm Thị Ngà, sinh năm 1931, tuổi Mùi. Đi hát từ thời 14 - 15 tuổi ở Đài Pháp Á. Nghệ danh Mộc Lan do nhạc sĩ Lê Thương đặt cho tôi. Bài hát đầu tiên thì không nhớ nổi nhưng tôi nổi tiếng với bài hát Em đi chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp, nhạc Trần Văn Khê). Ông Khê viết bài này rất kỳ công, có xen kẽ những đoạn vừa nói vừa diễn tả rồi lại hát, cho nên bài hát rất dài và rất kén người hát. Tôi may mắn được coi là người đầu tiên thể hiện thành công bài hát này... Nghe nói ông Khê về nước mấy năm nay rồi, lẽ ra tôi phải đến thăm ông vì cái ơn hồi đó ông uốn nắn cho giọng hát của tôi từng chút một, nhưng giờ cả hai đều già yếu. Tôi nhớ dạo ông ấy còn ở bên Tây, tôi đã từng về quê của ông ấy ở xã Vĩnh Kim (Cái Bè, Mỹ Tho) hát. Mới đó mà đã hơn 50 năm rồi...

 
...và hiện nay  - Ảnh: H.Đ.N

* Ngoài Em đi chùa Hương, cô còn hát thành công những ca khúc nào nữa?

 - Nhiều lắm. Tiếng thời gian, Hình ảnh một buổi chiều (Lâm Tuyền), Gởi gió cho mây ngàn bay, Chuyển bến (Đoàn Chuẩn), Thoi tơ (Đức Quỳnh), Nhớ nhung (Thẩm Oánh), Phố buồn (Phạm Duy)... Sau này, tôi hát trong ban Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng. Lúc đó, Hoàng Trọng được mệnh danh là “Vua Tango” nên những bài tango của Hoàng Trọng đều do tôi hát đầu tiên...

* Hiện cô còn giữ băng đĩa nào ghi âm những bài hát này không?

- Hồi xưa, tôi ghi âm nhiều lắm. Thu vào đĩa 45 vòng, vào băng Magne, Akai... nhưng rồi mấy lần dọn nhà đâm ra thất lạc, cái nào giữ được thì ẩm mốc, hư hỏng hết... Có mấy người bạn ở nước ngoài gửi cho vài đĩa nhạc nhưng nhà chẳng có máy mà nghe nên cũng chỉ để đó.

*Nhiều người cho rằng bài hát Gởi người em gái là của Đoàn Chuẩn viết riêng cho Mộc Lan. Điều này đúng không?

- (cười...). (Anh Trần Áng Sơn gật đầu xác nhận: “Đã có rất nhiều tài liệu cho rằng nhân vật nữ trong Gởi người em gái của Đoàn Chuẩn chính là chị Mộc Lan”)... Thực ra thế này, dạo đó tôi ở trong Nam, còn ông Đoàn Chuẩn ở ngoài Bắc, ông ấy sáng tác và gửi bài hát vào Nam cho các ca sĩ, không cứ gì gửi cho riêng tôi. Tôi vào Nam từ rất sớm do ông anh tên là Long dắt vào. Mấy năm sau, khi tôi chung sống với ông Châu Kỳ ở Huế thì tôi đón Trần Áng Sơn vào ở chung (1952).

* Cô nhận xét thế nào về nhạc sĩ Châu Kỳ?

- Ông ấy rất hiền lành, đã hứa làm cái gì thì làm tới nơi. Riêng với phong trào âm nhạc thì ông ấy rất nhiệt tình. Sống có tình cảm nên bạn bè rất quý. Có điều nhậu vô là nói lèm bèm. Tính tôi nghe nhiều không chịu được, bực lắm! Mình đi hát thì phải tiếp xúc với nhiều người mà ông ấy lại quá ghen...

* Nhạc sĩ Châu Kỳ mất, cô có biết tin không?

- (ứa nước mắt)... Trước đó ít lâu, tôi có việc đi ngang Hội quán Nghệ sĩ trên đường Trần Quốc Thảo (Q.3), thấy Châu Kỳ ngồi phía bên ngoài. Thấy tôi, Châu Kỳ ngoắc lia lịa: “Bà vào đây chút đã!”. Tôi xua tay: “Tôi mắc công chuyện phải đi gấp!”... Ít lâu sau nghe tin ông ấy mất. Tâm Vấn và Thanh Nhạn gọi điện thoại bảo tôi nên đến viếng ông ấy một chút nhưng tôi bệnh quá không đi được. Để chừng nào tôi khỏe khỏe một chút, tôi với Tâm Vấn sẽ đến thắp cho ông ấy một nén hương...

...Chia tay người của một thời mà lòng tôi nặng trĩu. Nhan sắc ấy, giọng ca ấy từng khuấy đảo sân khấu ca nhạc cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Kẻ đưa người đón dập dìu mà nay vò võ còng lưng trong căn nhà chật hẹp. Có tâm sự cũng chẳng biết sẻ chia với ai bởi bên cạnh bà giờ chỉ còn người con gái ngờ nghệch, khật khùng... Anh Trần Áng Sơn bảo thậm chí đến cơm nước bà cũng không thể tự nấu, phải đặt cơm tháng, người ta mang đến nhà cho mẹ con bà... Buồn ghê! (Còn tiếp)

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.