Chuyện đời danh hài: Lê Bình - cười với chữ tình

05/03/2009 22:52 GMT+7

Ở 5B (Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM) có một "anh hề già" gần như trụ cột, với nét diễn đằm thắm mà duyên lạ lùng. Một kiểu hài không ồn ào, hoạt náo, nhưng thấm thía.

Anh hề "thích đủ thứ"

Sân khấu nhỏ có đặc trưng của nó, không phải cây hài nào vô diễn cũng phù hợp. Nhiều diễn viên quen ồn ào, hoạt náo, bước lên 5B là "phô" ngay. Nghĩa là trở thành cường điệu, khó chịu trong mắt khán giả. Không gian của 5B rất nhỏ, rất gần, đòi hỏi diễn viên phải diễn chân thật hơn. Mà với hài, tiết tấu chậm, diễn nhẹ nhàng, có khi không gây được tiếng cười. 

Nhưng Lê Bình thì khác. Anh gắn bó với 5B chắc cũng gần 20 năm - kể từ vở Dư luận quần chúng nổi đình nổi đám, và càng diễn anh càng chứng tỏ cái chất 5B rất gần cái chất của anh. Lê Bình ít lạm dụng hình thể hay ngôn ngữ, mà bằng nét mặt thản nhiên, lành lạnh của mình cộng với sự nhấn nhá đài từ, anh tạo bất ngờ cho khán giả, bảo đảm tức cười và thú vị.

Vở Kính thưa ô-sin (2007) đã diễn hai năm mà khán giả vẫn còn mua vé, trong đó vai chính và là vai hay nhất lại giao cho Lê Bình lọm khọm, xấu trai! Bởi nhân vật ông chủ nhà vừa có tâm lý sâu sắc vừa tạo vẻ hài hước, đã chinh phục khán giả hoàn toàn. Lê Bình không làm cho nhân vật dị dạng đi, mà chỉ cần thỉnh thoảng nhấn vào những câu thoại, những trọng âm, những ngữ điệu lạ, là khán giả cười rần. Nhiều người xuýt xoa: "Có nghề quá!".

Một vai khác cũng dễ thương không kém là nhân vật Hai Bi trong vở Nhà trọ tình yêu (2008). Ông là chủ nhà trọ của các cô công nhân từ tỉnh lên, vì cứ nhớ thương người vợ quá cố, đâm ra khó chịu. Cuối cùng ông lại yêu cô công nhân lỡ thì. Mối tình già thật xúc động. Hai năm liền, Lê Bình có hai vai ấn tượng, âu là đền bù cho tấm lòng thủy chung của anh với ngôi nhà 5B.

Thật ra Lê Bình cũng rất đắt sô, nhưng anh khó hòa nhập với những sân khấu hoạt náo hay là tấu hài. Cho nên sô của anh thường là truyền hình và phim. Hơn 60 phim đã có mặt anh, nào Đất phương Nam, Blouse trắng, Cha con ông mắt mèo, Tổ quốc tiếng gà trưa, Chung cư, Người đàn bà không hóa đá… Gương mặt anh rất "ăn" phim nhựa, còn phim truyền hình thì khỏi nói.

Kể cả vóc dáng, thời buổi này kiếm người gầy như anh đâu phải dễ, bởi nhìn đâu cũng thấy diễn viên tròn trịa, mập mạp. Cho nên anh than: "Tôi cứ bị vô vai nông dân, hoặc người nghèo khổ, bị ăn hiếp, ít khi được mặc quần áo đẹp". Nhưng nói vậy chứ vui trong bụng lắm, vì đi đâu khán giả cũng thương. Đặc biệt là khán giả "nhí" càng khoái anh vì anh là "trùm" phim cổ tích với đủ loại vai từ phù thủy tới thần tiên, mà vai nào cũng không thấy ác, cứ thấy tội tội làm sao.

Và sở dĩ Lê Bình được anh em đặt biệt danh là "người thích đủ thứ" vì anh còn lắm tài khác, chẳng hạn vẽ pano, quảng cáo, viết kịch bản, đạo diễn. Hành trang lận lưng bây giờ là 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc hội diễn sân khấu chuyên nghiệp lẫn quần chúng, và một bằng khen của Bộ Quốc phòng cho tác giả kịch bản Một thời lãng quên. Thế coi như quá đủ.

Người không dám mơ

Nói "quá đủ" bởi Lê Bình không ngờ mình có được ngày hôm nay. Tính từ lúc anh là cậu học trò 11 - 12 tuổi tuần nào cũng được mẹ dắt đi coi cải lương, và chiều chiều lén thò đầu ra cửa nhìn xéo qua nhà nghệ sĩ Bạch Tuyết, ngắm chị bước lên xe chuẩn bị tới rạp hát. Chị lộng lẫy như một bà hoàng. Cậu bé hàng xóm của Bạch Tuyết không dám nghĩ có ngày mình đóng chung với chị trong vở Dư luận quần chúng. Bởi 16 tuổi, gia đình sa sút, Lê Bình phải bươn chải tự lập, một buổi đi học, một buổi chạy bàn cho quán ăn.

"Mỗi lần vô một vai thành công, tôi lại nghĩ thầm "chắc hết cỡ rồi!", nhưng không ngờ lại có thêm vai khác. Chắc tổ nghiệp thương tôi. Cho nên tôi ráng giúp lại đàn em, coi như tôi trả ơn cuộc đời".

Nghệ sĩ hài Lê Bình

Và cũng trong cái quán ấy, cậu bé lại gặp Bạch Tuyết, Thanh Sang, gia đình quái kiệt Trần Văn Trạch... đến dùng bữa thường xuyên. Lê Bình bỗng dưng thèm ánh đèn sân khấu. Những vở cải lương xem với mẹ năm nào vẫn còn in trong trí Lê Bình, thậm chí đến bây giờ anh vẫn thuộc những bài bản trong đó. Nhưng thèm vậy thôi, chứ Lê Bình lại kiếm sống bằng một nghề tay trái khác nữa, là vẽ pano cho các rạp hát, rạp phim. Năng khiếu hội họa đẩy Lê Bình tiếp cận với gần 2/3 số rạp trong Sài Gòn. Cứ tưởng là cuộc đời đã an phận...

Sài Gòn giải phóng, Lê Bình được nhận vô làm ở Phòng Văn hóa thông tin phường. Lúc ấy phong trào kịch quần chúng mạnh lắm, Lê Bình viết kịch bản đoạt liền giải của toàn thành, được báo chí, truyền hình phỏng vấn xôm tụ. Nửa năm sau, Trung tâm văn hóa TP.HCM mời anh diễn vai Hoàng xích lô trong vở Chính nó đấy, tham gia Liên hoan Sân khấu kịch ngắn, kịch vui toàn quốc, anh đoạt luôn giải bạc. Phải nói là "hú hồn"! Lê Bình tự nhủ: "Thôi, chắc cỡ đó là hết rồi!" và tiếp tục... an phận.

Ai ngờ trong hội diễn sau đó anh lọt vào mắt xanh của đạo diễn Đăng Nhân, mời anh về đội kịch Nhà văn hóa Thanh niên lúc ấy đang có Việt Anh, Minh Phượng, Cảnh Đôn, Kim Loan... Lê Bình trở thành bạn diễn ăn ý với Việt Anh, vừa diễn tại Sài Gòn vừa đi khắp các tỉnh, đánh đâu thắng đó. Rồi Lê Bình cặp với danh hài Tùng Lâm cũng đi suốt từ Nam ra Bắc. Coi như trở thành chuyên nghiệp chứ không còn là nghiệp dư nữa.

Nhưng có lẽ Lê Bình thật sự chuyên nghiệp từ khi anh về đoàn kịch TP.HCM với sự hướng dẫn của đạo diễn Trần Ngọc Giàu, rồi sau đó "đóng đô" tại 5B làm dàn bao vững chắc cho lớp trẻ.

Vở nào cũng một chữ tình

Lê Bình sáng tác một loạt kịch bản từng rất ăn khách trên sân khấu IDECAF và 5B. Nhưng lạ, hình như tựa đề nào cũng gắn với chữ "tình". Tình gần, Tình sân chung, Thuyền tình, Sân ga tình người, Nhà trọ tình yêu… Anh cười: "Đời đã quá mệt mỏi rồi, người ta cần bám vào sợi dây tình cảm để mà sống. Tôi mong trong trái tim ai cũng đầy ắp nghĩa tình, và sẽ tìm được hạnh phúc". Thảo nào mà anh không viết cái gì đao to búa lớn cả, cứ loanh quanh chuyện nhà cửa, xóm giềng. Nhưng xem ra anh hiền quá, nhiều khi bị người ta ăn hiếp. Anh thở dài: "Mình muốn dữ cũng không được, quen vậy rồi. Mà thôi, có người ăn hiếp cũng có người thương. Huề!".

Lê Bình đã "lên chức" ông nội, lại thêm một thứ tình nữa. Anh khoe đang tiếp tục ấp ủ một kịch bản cũng nói về gia đình. Đến bây giờ, sau bao nhiêu năm lăn lộn với nghề, anh nghiệm ra rằng gia đình mới thật sự là pháo đài hạnh phúc của con người. Cho nên anh chỉ thèm được trở về mái ấm của mình sau một ngày làm việc vất vả. Chữ tình đâu phải dễ tìm!

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.