Chim trắng - Chuyến ra đi lặng lẽ

29/09/2011 22:01 GMT+7

(TNO) Thơ chỉ là một phần trong cuộc đời Chim Trắng. Chính cách sống của ông mới khiến những người quen biết quý trọng ông.

>> Nhà thơ Chim Trắng qua đời

Một người miền Bắc hay miền Trung sẽ nghĩ về ông như một tính cách đặc trưng của Nam Bộ: khẳng khái, khoáng đạt, đôi khi nóng nảy. Tuy nhiên, cái “nóng nảy” của Chim Trắng có căn nguyên: ông thường chỉ nóng với những ai cần phải nóng và vào những lúc cần phải nóng. Còn thường thì ông vui vẻ, rủ rỉ, có phần tư lự giữa đám đông bạn bè. Tất nhiên, trừ những lúc hào hứng, ông có thể cướp diễn đàn kéo dài. Và ông cũng có cái lơ ngơ bẩm sinh của một nhà thơ.

Trong thơ mình, Chim Trắng bộc lộ sự khoan hòa trong cảm xúc. Không dữ dội, không kỹ thuật, thơ ông là những tình cảm lắng đọng tự nhiên, rất thật, không làm người ta phải giật mình. Thời gian sau này, ông có nhu cầu thay đổi trong sáng tác: “Tôi muốn thơ mình phải khác đi, muốn hòa nhập, muốn phù hợp với “gu” thưởng thức của người đọc thơ hôm nay. Tự vượt mình, khác được mình là mới. Còn thơ có hiện đại hay không, tôi tin rằng trước hết phải làm động lòng người đọc đương đại…”.

Là người chịu khó đọc và trân trọng tác phẩm của người khác, ngay cả những người mới viết, trong thời gian là Tổng biên tập báo Văn Nghệ TP.HCM (từ 1995 - 2006), Chim Trắng đã biến tờ báo thành mái nhà chung của những cây bút trẻ. Sự gần gũi giữa người đàn anh phụ trách báo với lớp trẻ đã xóa đi khoảng cách thế hệ và giúp họ tự tin hơn trên con đường đến với nghệ thuật, để sau này trở thành những tên tuổi trong làng văn. Những Trần Hữu Dũng, Nguyễn Trọng Nghĩa, Phạm Thị Ngọc Liên, Lý Lan, Thanh Nguyên, Lưu Thị Lương… hẳn còn lưu trong ký ức nhiều chuyện đáng nhớ liên quan đến nhà thơ Chim Trắng.

Từ một học sinh hoạt động trong phong trào đòi hòa bình sau năm 1954 của trường trung học Mỹ Tho, bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt, ông trốn thoát lên Sài Gòn và lại bị bắt, bị tù. Sau khi ra tù, ông lên hẳn căn cứ, làm công tác thanh niên và sau đó tham gia viết lách.

Thơ chỉ là một phần trong cuộc đời Chim Trắng. Chính cách sống của ông mới khiến những người quen biết quý trọng ông.

So với hầu hết các nhà văn hay bị “tụt hậu” trong đời sống, Chim Trắng “hiện đại” hơn. Ở tuổi cổ lai hi, ông vẫn có thể chạy xe tay ga rất tự tin trên đường phố Sài Gòn hay cầm vô-lăng vững vàng xuyên mấy trăm cây số đường Sài Gòn - Bến Tre quê ông ngon ơ, để cùng bè bạn thăm bạn văn Trang Thế Hy và những nơi chốn tuổi thơ ông.

Về bút danh khá đặc biệt của mình, ông thường nói đùa: “Có chim trắng, chim đỏ (nhà thơ Xích Điểu) rồi, chỉ thiếu chim đen nữa thôi”. Gọi điện cho ông, hễ hỏi “Anh Ba đó hả?”, là ông "vặn" lại ngay: “Bữa nay có chuyện gì mà kêu tên tui dậy?”.

Những năm cuối đời, Chim Trắng tham gia đóng một số bộ phim, mà theo ông là “một cuộc chơi, để làm khác mình đi…”.

Mọi chuyện trên đời với ông, hình như đều nhẹ nhàng, đơn giản, ngay với căn bệnh chết người của mình (ung thư gan), khi đã vào giai đoạn cuối, ông cũng không để cho nhiều người biết. Cái chết của ông khiến mọi người đều bất ngờ, trong khi ông căn dặn người thân chỉ làm lễ tang gọn trong phạm vi gia đình, không làm phiền đến bè bạn, cơ quan cũ.

Chuyến ra đi lặng lẽ của nhà thơ Chim Trắng khiến bao người còn lại phải so sánh và suy ngẫm nhiều điều, về cuộc sống của chính mình…

Ngô Thị Kim Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.