Chiếu chèo thời... Facebook

30/08/2015 15:27 GMT+7

'Chiềng làng chiềng chạ thượng hạ tây đông, con gái phú ông tên là Mầu Thị, tâm tình ngoại ý, mãn nguyệt có thai, mời già trẻ gái trai ra đình mà ăn khoán... Mời cả làng qua đình Tháp, Dịch Vọng, Cầu Giấy ngày 5.9.2015 này nhé!', dòng tin báo được đăng trên Facebook chẳng khác gì tiếng rao của mõ làng thời xưa.

''Chiềng làng chiềng chạ thượng hạ tây đông, con gái phú ông tên là Mầu Thị, tâm tình ngoại ý, mãn nguyệt có thai, mời già trẻ gái trai ra đình mà ăn khoán... Mời cả làng qua đình Tháp, Dịch Vọng, Cầu Giấy ngày 5.9.2015 này nhé!'', dòng tin báo được đăng trên Facebook chẳng khác gì tiếng rao của mõ làng thời xưa.

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, trong bối cảnh hội nhập văn hóa này, người ta vẫn thường hỏi anh là ai, anh từ đâu đến, để trả lời câu hỏi đó mình cần phải hiểu biết về văn hóa truyền thống, mình hiểu mình có vị trí nào trong một cộng đồng nhiều dân tộc khác. “Việc làm của các bạn trẻ này đã góp phần tạo nên điều đó, giúp lan tỏa văn hóa dân tộc. Họ đã có ý thức nhìn nhận văn hóa truyền thống, đây là trách nhiệm của người trẻ cần làm với văn hóa”, ông Long nhận xét.Hàng trăm khán giả ngồi kín sân đình Kim Liên (Hà Nội) để xem chèo - Ảnh: N.A
Khác chăng là “tiếng rao” của “mõ làng” thời nay không chỉ vang lên trong một ngôi làng nhỏ mà có sức lan tỏa ra cộng đồng rộng hơn.
“Đến giờ, đã có hơn 200 bạn trẻ kết nối với chúng em để tham gia vào chương trình”, Nguyễn Thu Hà, trưởng nhóm Tôi xê dịch, khoe. Tôi xê dịch, một nhóm các bạn trẻ thuộc thế hệ 9X, 10X, hiện là sinh viên, học sinh ở các trường đại học, THPT đang cùng các nghệ sĩ thuộc Nhà hát chèo VN thực hiện tour diễn Tiếng trống chèo tại đình Tháp, đình Tứ Liên, đình Xuân Tảo (Hà Nội) các tối 5, 9 và 19.9.
9X rủ nhau xem chèo
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, trong bối cảnh hội nhập văn hóa này, người ta vẫn thường hỏi anh là ai, anh từ đâu đến, để trả lời câu hỏi đó mình cần phải hiểu biết về văn hóa truyền thống, mình hiểu mình có vị trí nào trong một cộng đồng nhiều dân tộc khác.
“Việc làm của các bạn trẻ này đã góp phần tạo nên điều đó, giúp lan tỏa văn hóa dân tộc. Họ đã có ý thức nhìn nhận văn hóa truyền thống, đây là trách nhiệm của người trẻ cần làm với văn hóa”, ông Long nhận xét.
Đây là lần thứ hai nhóm Tôi xê dịch và Nhà hát chèo VN thực hiện chương trình diễn chèo ở sân đình như vậy. Năm 2013, đêm diễn chèo Tiếng vọng ngàn năm đã được tổ chức tại đình Kim Liên (Hà Nội), hàng trăm khán giả ngồi chật kín.
“Điều khiến chúng em bất ngờ là khán giả hôm đó phần lớn là các bạn trẻ”, Thu Hà kể. Đó cũng là điều mà Tôi xê dịch hướng đến, thu hút những người trẻ, những người bạn cùng thế hệ với họ đến với văn hóa truyền thống. Qua những công cụ kết nối “ảo” là Facebook, mạng internet, Tôi xê dịch đưa những người trẻ đến những trải nghiệm văn hóa thật. Đến giờ, số lượng bạn trẻ đăng ký tham gia vẫn chưa dừng lại. “Nhiều bạn còn rủ thêm cả bố mẹ đi cùng nữa”, Hà nói.
Sân khấu và khán đài của Tiếng trống chèo sẽ được sắp đặt theo đúng không gian chèo sân đình xưa: sân khấu ba mặt rộng mở, một chiếu chèo được đặt chính giữa, phường bát âm với trống, thanh la, sáo, nhị, bầu… ngồi chéo hai bên. Lối dẫn trò truyền thống sẽ được giữ nguyên. Chẳng hạn, trong các đêm diễn, khán giả sẽ được quay lại với màn “giáo đầu dẹp đám”, màn mở đầu mang ý nghĩa chúc phúc, chúc thọ và mở lời giới thiệu gánh chèo. Khán giả sẽ được thưởng thức các trích đoạn nổi tiếng của ba vở chèo cổ Lưu Bình Dương Lễ, Quan âm Thị Kính và Kim Nham.
Các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu sẽ trò chuyện về chèo và giúp khán giả được trải nghiệm với chèo như học cách cầm quạt, múa, hay sắm thử vào các vai diễn kinh điển trong chèo. Những bức tranh minh họa của họa sĩ JeetzDung sẽ giúp khán giả có thể hiểu về 5 tuyến nhân vật điển hình trong chèo là Đào, Kép, Lão, Mụ và Hề. “Trong mỗi chương trình, chúng em luôn nghĩ cách tạo ra những hoạt động hấp dẫn các bạn trẻ giống như các “chiêu” để “dụ” các bạn đến với mình”, Hà chia sẻ.
Thoát khỏi sân khấu hộp
“Chèo xưa xuất phát đình làng, nhưng đến nay đã phát triển thành chèo sân khấu hộp. Chèo trên sân khấu cũng có cái hay, nhưng trở về môi trường diễn xướng đình làng mới đúng với chèo. Xuân thu nhị kỳ, chúng tôi vẫn hay diễn ở các đình làng, nhưng dựng lại chiếu chèo sân đình như thế này thì mới làm thôi”, NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát chèo VN, nói.
“Không phải đình làng nào cũng diễn chèo, nên mô hình sân khấu xưa không phải ai cũng biết, vì thế qua mỗi dịp thế này, chúng tôi muốn cho những người cũ nhớ lại hồi xem chèo trước kia, và đặc biệt cho thế hệ trẻ được thấy đúng chèo sân đình, thấy không khí, không gian ngày hội làng trong văn hóa Việt như thế nào”, nữ giám đốc nhà hát chèo, người luôn nặng lòng với văn hóa dân tộc, nói thêm.
Các nghệ sĩ không nhận tiền thù lao, các buổi biểu diễn được mở cửa miễn phí dành cho tất cả người dân. “Chúng em vận động các bạn trẻ tham gia và ủng hộ theo hình thức crowdfunding (quyên góp cộng đồng). Hiện giờ, số tiền ủng hộ đã được 8 triệu đồng”, cô trưởng nhóm Tôi xê dịch khoe. Phải chờ đến hai năm, đến bây giờ chiếu chèo sân đình mới có thể trở lại. Vậy nên mong ước của cả nhóm là có thể tổ chức được định kỳ những chương trình như vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.