Cây cầu sót lại

24/11/2013 03:20 GMT+7

Trong số những cầu cũ xưa còn sót lại ở Sài Gòn, có lẽ cầu Mống là cây cầu mang hình bóng của thứ thời gian lắng đọng nhất trong tâm tưởng rất nhiều người về một thành phố có những cây cầu in vóc dáng năm tháng đã qua.

Cầu Mống là loại cầu sắt thiết kế kiểu Pháp, do Pháp xây dựng nên đậm nét “văn hóa cầu” phương Tây. Thành cầu uốn cong, có những khoảng trống, sơn đen, bắc qua kinh Tẻ hay còn gọi là sông Ông Lãnh nối Q.1 và Q.4 (vùng đất Khánh Hội xưa). Chân cầu phía Q.1 nằm chếch công viên Diên Hồng đối diện đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý cũ). Chân cầu bên Q.4 nằm trên đường Bến Vân Đồn thuộc địa phận P.12.

Cầu Mống nằm giữa khoảng không gian của cầu Ông Lãnh và cầu Quay. Lúc tôi lên Sài Gòn đi học, cầu Mống dành cho xe gắn máy và xe đạp lưu thông, về sau chỉ dành riêng cho người đi bộ. Cách đây khá lâu tôi có về Q.4, đi bộ qua cầu Mống như một cách tìm lại kỷ niệm thời thơ ấu đã từng đi học qua đây. Nhưng có lẽ ít ai còn nhớ dưới chân cầu Mống phía Q.1 sau năm 1975 có một thời gian dài khu vực này trở thành chợ chim chó cá cảnh gọi tắt là chợ chim Cầu Mống sau khi chợ chim lề đường Hàm Nghi bị giải tỏa. Chợ chim Cầu Mống cặp bờ kinh Tẻ đoạn từ công viên Diên Hồng tới đầu đường Pasteur. Chợ chia làm hai dãy quầy sạp, lối đi chính giữa. Tôi thích nuôi chim, chó nên thường dạo chợ lúc rảnh rỗi, nhưng chợ buôn bán tấp nập nhất là vào sáng sớm, lúc người nuôi chim kéo đến mua thức ăn cho chim như sâu, cào cào, dế, châu chấu, lúa, hạt kê… Chợ chim Cầu Mống là nơi tập trung nhiều đầu mối mua bán chim, chó cảnh. Ở đây muốn mua chim gì cũng có, chó gì cũng xong, miễn thuận mua vừa bán là “tiền trao cháo múc”, cấm khiếu nại lôi thôi.

Cũng chính ở chợ chim Cầu Mống tôi mới biết có một loại chim được gọi là… chim nô tì hay chim ô sin. Đó là giống chim sắc Nhật được nhập từ Nhật Bản, nhỏ như chim sẻ lông có nhiều màu rất đẹp từ màu đen pha sọc trắng, sô cô la, tới trắng tuyền, đẻ trứng trong ổ quấn bằng dây thừng, nuôi con mình rất giỏi đồng thời cũng nuôi con “người khác” ngon lành chẳng phân biệt “địch ta”. Khi chim sắc Nhật đẻ trứng, đồng thời chim bạc má là loài chim chỉ biết đẻ trứng chứ không biết ấp trứng nuôi con thì người chơi chim bỏ bớt trứng chim sắc Nhật rồi tuồn trứng chim bạc má vào; chim sắc Nhật ấp luôn, khi nở con, chim sắc Nhật cũng nuôi chim bạc má con tận tụy như con ruột mình, bởi thế mới chết tên gọi chim nô tì hay ô sin, tức chim… ở đợ.

Chợ chim Cầu Mống chỉ tồn tại được một thời gian rồi cũng bị giải tỏa dời đi nơi khác. Bây giờ khu vực cầu Mống và cái chợ chim ngày ấy đã hoàn toàn đổi khác, không ai còn có thể nhận ra như nhiều nơi khác ở Sài Gòn. 

Từ Kế Tường

>> Chênh vênh một cây cầu sông Nhuệ
>> Cây cầu nguy hiểm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.