Biên giới điện ảnh ngày càng thu hẹp

23/10/2011 23:12 GMT+7

Trong khuôn khổ các hoạt động diễn ra tại Liên hoan phim quốc tế Busan - BIFF, những tiếng nói từ nền điện ảnh VN đã nhận được sự chú ý của các nhà làm phim quốc tế.

Nhiều tiền có làm được phim hay?

Trong cuộc thảo luận bàn tròn giữa các nhà quản lý điện ảnh các nước trong khu vực ASEAN và quốc tế nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Chính sách điện ảnh châu Á (Asian Film Policy Forum), ông Đỗ Duy Anh - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Điện ảnh, cho rằng, chưa có nhiều bộ phim điện ảnh Việt được khán giả trong nước và thế giới chú ý đến, là do nội dung phim chưa hấp dẫn. Theo ông, nội dung là điều cốt lõi làm nên bộ phim hay. Nhưng có phải kinh phí làm phim là yếu tố quyết định nội dung hay hay dở?

Ông Đỗ Duy Anh nhận định, đó không phải là yếu tố then chốt, mà chính là năng lực của nhà làm phim. “Nếu bây giờ có đưa cho nhà làm phim VN hàng triệu USD, chưa chắc họ đã làm được phim hay, thậm chí không biết cách nào để tiêu hết nổi số tiền lớn như vậy”, ông nói. Theo ông, đào tạo mới chính là điều cần thiết cho các nhà làm phim Việt hiện nay. VN cần được hỗ trợ với nhiều chương trình đào tạo tại những môi trường chuyên nghiệp dành cho các nhà làm phim để có thể thay đổi quan điểm tư duy, cũng như cách làm phim, tiếp nhận các kỹ thuật làm phim mới trên thế giới.

Những bước đi mạnh dạn

Nếu bây giờ có đưa cho nhà làm phim VN hàng triệu USD, chưa chắc họ đã làm được phim hay, thậm chí không biết cách nào để tiêu hết nổi số tiền lớn như vậy

Ông Đỗ Duy Anh - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Điện ảnh

Sự xuất hiện của các nhà làm phim VN tại LHP quốc tế Busan năm nay là tín hiệu đáng mừng. Tại Hội chợ dự án (DA) điện ảnh châu Á (Asian Project Market), Phan Đăng Di tham gia với vai trò đạo diễn trong DA làm phim Southeast Loves của 3 nhà sản xuất đến từ Nhật Bản, Pháp và Singapore. Phim do 5 đạo diễn đến từ 5 quốc gia thực hiện: VN, Thái Lan, Indonesia, Sri Lanka, Bangladesh.

Còn trong chương trình Ties That Bind (nằm trong Hội chợ DA điện ảnh châu Á) kết nối các nhà sản xuất phim châu Á và châu u cùng hợp tác trong các DA tiềm năng, đạo diễn - nhà biên kịch Hoàng Điệp có đến 2 trong số 10 DA được lựa chọn. Đó là Cha, con và… (Big Father, Small Father and Other Stories) mà chị là nhà sản xuất (kịch bản và đạo diễn: Phan Đăng Di) và Đập cánh giữa không trung (Flapping in the Middle of Nowhere) do chị là tác giả kịch bản kiêm đạo diễn (nhà sản xuất đến từ Đức).

Việc hợp tác thực hiện các DA điện ảnh với các nhà làm phim quốc tế sẽ giúp các nhà làm phim VN tiến gần hơn với điện ảnh thế giới. Theo nhà biên kịch - đạo diễn Phan Đăng Di, đây là xu hướng toàn cầu hóa, các nhà làm phim có thể mở rộng phạm vi làm phim với các đối tác, đồng nghiệp nước ngoài, điều này sẽ khiến biên giới điện ảnh thu hẹp, giúp các nhà làm phim đến từ nhiều quốc gia khác nhau tìm ra tiếng nói chung. Nó rất có lợi cho các nhà làm phim VN. Mặc dù vậy, số lượng các nhà làm phim VN xuất hiện tại các liên hoan, diễn đàn quốc tế còn rất khiêm tốn. Nhận xét về vấn đề này, nhà biên kịch - đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng, có thể nhiều nhà làm phim trong nước chưa được tiếp cận, chưa quan tâm, hay chưa có nhiều kinh nghiệm tham gia các hoạt động như thế.

Mặt khác, những năm trở lại đây, các nhà làm phim quốc tế hay Việt kiều đã chú ý đến thị trường phim ảnh VN. Những tia sáng hy vọng đã bắt đầu xuất hiện trên con đường gian nan: đưa điện ảnh Việt tiến ra biển lớn.

Nền điện ảnh Đông Nam Á đang có những bước phát triển mới, nhận được nhiều chú ý. Những vấn đề còn tồn tại hay việc hợp tác trong điện ảnh giữa các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có VN, sẽ một lần nữa được đưa ra trong LHP Đông Nam Á, diễn ra vào tháng 11 tới tại Bali (Indonesia).

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.