Bay bổng cùng "Kẹp Hạt Dẻ"

12/11/2011 00:28 GMT+7

Lần đầu tiên, vở vũ kịch nổi tiếng khắp thế giới Kẹp Hạt Dẻ được ra mắt trọn vẹn tại Việt Nam, do Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM biểu diễn lúc 20 giờ ngày 12 và 13.11 tại Nhà hát TP.HCM.

Lần đầu tiên, vở vũ kịch nổi tiếng khắp thế giới Kẹp Hạt Dẻ được ra mắt trọn vẹn tại Việt Nam, do Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM biểu diễn lúc 20 giờ ngày 12 và 13.11 tại Nhà hát TP.HCM.

Lâu rồi khán giả yêu nghệ thuật hàn lâm - múa ballet, nhạc giao hưởng, thính phòng tại TP.HCM mới lại có dịp xem trọn vẹn một vở vũ kịch dài, sau những Carmen, Giselle, Hồ Thiên Nga, Chopiniana... Lần này, vũ kịch Kẹp Hạt Dẻ cũng do các diễn viên múa ballet của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) biểu diễn, nhưng đặc biệt hơn khi có sự góp mặt của biên đạo múa người Na Uy Jakhelln Constant trong khâu dàn dựng toàn bộ vũ kịch này.

Jakhelln Constant sẽ làm mới lại vở diễn, cả về mặt biên đạo và dàn dựng dựa trên thế mạnh, sở trường của từng diễn viên, với phần âm nhạc cổ điển tuyệt vời của nhà soạn nhạc Nga nổi tiếng P.ITchaikovsky. Phiên bản biên đạo của Jakhelln Constant được xem là khó vì đòi hỏi cao ở diễn viên về tốc độ và kỹ thuật, sự tinh tế và tỉ mỉ trong từng động tác. Cũng như hầu hết các vũ kịch dài, Kẹp Hạt Dẻ đòi hỏi người diễn viên phải biết diễn với rất nhiều đoạn mà nghệ sĩ múa phải diễn thực sự như kịch, chứ không đơn thuần là múa.

Vũ kịch Kẹp Hạt Dẻ dựa trên tác phẩm văn học Kẹp hạt dẻ và Vua Chuột của nhà văn E.T.A.Hoffman với câu chuyện cổ tích thần tiên của tuổi thơ nhưng lại có khả năng khiến những khán giả người lớn mê đắm. Quả thật, trong những giai điệu du dương, réo rắt của Tchaikovsky do nhạc sĩ Việt Anh, Triển Quang phụ trách âm thanh, với những hòa âm và nhịp điệu lôi cuốn, kịch tính, vũ kịch Kẹp Hạt Dẻ “phiên bản” Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM đã tạo nên những cảm xúc đầy bất ngờ, bay bổng và mạnh mẽ cho người xem.

Khán giả như lạc vào một thế giới thần tiên với câu chuyện cổ tích của cô bé Clara và hoàng tử Kẹp Hạt Dẻ vì bị lời nguyền của vua Chuột mà phải đội lốt trong hình hài vô tri của chú lính đồ chơi. Sân khấu lung linh sắc màu của ánh sáng, phông cảnh đạo cụ kỳ ảo, những bông hoa tuyết của trận bão tuyết rơi dày trên sân khấu khi Clara và Kẹp Hạt Dẻ du hành qua nhiều xứ sở mùa đông trong giấc mơ... và những bước nhảy điệu nghệ, tung hứng của các nghệ sĩ ballet đã đem đến những phút thăng hoa, rộn rã thật sự cho người xem.

Các diễn viên đã phải vất vả khổ luyện trong suốt hai tháng trời ròng rã để dựng nên vở kịch này, trong đó việc làm quen với phần biên đạo mới, với phong thái và cách ứng xử của những quý ông, quý bà châu u thời kỳ giữa thế kỷ 19 chính là chìa khóa để vở diễn ballet kinh điển này mang đúng “chất”. Các diễn viên múa đã thể hiện bắt mắt các kỹ thuật múa khó như xoay, đi giày mũi cứng và những bước nhảy; đặc biệt là vai chính: cô bé Clara - Quỳnh Ly đảm nhận, hoàng tử Kẹp Hạt Dẻ - Phi Điệp, nàng tiên Sugarplum - Hải Anh, chàng kỵ sĩ Cavalier - Đức Nhuận, và các màn độc diễn của các soloist trẻ.

Giám đốc và chỉ đạo nghệ thuật của vở diễn - nhạc trưởng Trần Vương Thạch chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc đến trào nước mắt và hài lòng với vở diễn này vì nhìn các em diễn viên múa, tôi thấy các em đã tiến một bước rất xa để nhập cuộc trong nghệ thuật vũ kịch. Rất nhiều mồ hôi trên sàn tập và cả một bộ máy phục vụ từ khâu sân khấu, ánh sáng, phục trang... với một tổng thể đòi hỏi phải hòa quyện mới hoàn thành được vũ kịch này”.

Sẽ diễn lại

Theo kế hoạch, Kẹp Hạt Dẻ chỉ biểu diễn vào đêm 12.11, nhưng sau khi “cháy vé” và nhận được nhiều đề nghị của khán giả, nhà hát đã quyết định diễn thêm một suất nữa là đêm 13.11. Hai đêm diễn cho ngần ấy công sức của cả một tập thể lớn, e rằng hơi uổng phí, thế nên nhạc trưởng Trần Vương Thạch đã khẳng định sẽ diễn tiếp khi Nhà hát TP.HCM có lịch trống (vì hiện tại Nhà hát TP.HCM đã kín lịch, không thể chen vào được) và “chắc chắn năm sau sẽ diễn lại, nhưng quy mô hoành tráng hơn với phần nhạc sống của dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM”.

Phan Cao Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.