Bảo tàng nhỏ, tầm nhìn lớn

03/10/2012 03:05 GMT+7

Chỉ là trưng bày của huyện, nhưng có sự tư vấn khoa học, “bảo tàng mini” huyện Đông Triều (Quảng Ninh) liên quan đến Phật hoàng Trần Nhân Tông thực sự gây ấn tượng mạnh về cả hiện vật và ý nghĩa.

Sách Đông Triều huyện phong thổ ký ghi rõ tổ tiên nhà Trần cư ngụ ở xã An Sinh. Vì thế các vị đế vương của triều Trần đều đưa về an táng ở xã An Sinh, tạo thành quần thể lăng mộ tựa trên địa thế đẹp. “Đông Triều do đó trở thành trung tâm lịch sử, văn hóa tâm linh tiêu biểu và đặc sắc, duy nhất, lớn nhất của triều đại nhà Trần”, TS Bùi Minh Trí, Trung tâm nghiên cứu kinh thành, nói. Trung tâm của ông ngoài việc nghiên cứu giá trị văn hóa còn tư vấn cho “bảo tàng mi ni” của huyện. Phòng trưng bày tại đền An Sinh này sẽ kết nối các lăng tẩm với Ngọa Vân - nơi Trần Nhân Tông hóa Phật.

 Bảo tàng nhỏ, tầm nhìn lớn
 Phần dưới của đế tháp đất nung thế kỷ 14, sưu tập đền An Sinh - Ảnh: Trinh Nguyễn

Chính vì thế, trong phòng trưng bày này, tầm vóc của tư tưởng Phật giáo mà nhà vua kết tinh được lấy làm trọng điểm. Hai hiện vật “khủng” trung tâm phòng trưng bày chính là chiếc hộp vàng hình hoa sen và bản sao bức tranh Trúc lâm đại sĩ xuất sơn đồ vẽ Phật hoàng Trần Nhân Tông làm trung tâm. “Chúng cho thấy tinh thần Phật giáo, tinh thần Thiền phái Trúc lâm rõ nét”, ông Trí nói. Mới đây, một bản sao bức họa này đã được bán với giá 1,8 triệu USD. Với phiên bản được trưng bày tại đền An Sinh, ông Trí từ chối tiết lộ con số cụ thể để mang phiên bản này về.

 

Trưng bày Di sản văn hóa nhà Trần ở Đông Triều có hai chủ đề chính. Phần di sản kiến trúc có các loại hình di vật, hình ảnh nhằm phản ánh diện mạo, quy mô lăng tẩm với vẻ hoa lệ tương tự Hoàng cung Thăng Long đương thời. Phần đời sống văn hóa giới thiệu đồ vật dùng trong nghi lễ tôn giáo và sinh hoạt, trong đó có đồ dành riêng cho nhà vua. Tổng cộng có khoảng 90 di vật được trưng bày, chưa kể hình ảnh phụ trợ.

Đặc biệt, với hộp vàng hoa sen, việc nó xuất lộ và trở thành trung tâm trưng bày là một điều rất có ý nghĩa, nhất là những đồ vàng sau khi phát hiện đã chuyển vào kho bạc, nhưng với trường hợp này Đông Triều đã thuyết phục được cơ quan quản lý cho giữ lại trưng bày tại địa phương. “Điều này đúng với xu hướng trưng bày hiện đại - hiện vật sẽ được trưng bày gắn với di tích mà từ đó nó xuất hiện”, PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, nói.

Đặc biệt, một loạt hiện vật kiến trúc đã được chọn trưng bày giúp hình dung đời sống “gần với hoàng cung” nơi đây. Rất gần bởi đó là những chi tiết “cuộc sống” của các vua tại lăng tẩm của họ sau khi qua đời. Có thể thấy ở đây mảnh ngói úp nóc gắn lá đề trang trí hình rồng bằng đất nung tại đền An Sinh. Cũng có ngói mũi sen lợp diềm mái trên gắn lá đề trang trí hình rồng tại Thái Lăng. Tượng đầu rồng, ngói lợp tạp hình đầu sư tử cũng còn đó. Ngoài các loại đồ sứ, còn có chậu gốm lớn hoa nâu đặc trưng của thời Trần với hoa văn dây lá và hình rồng. Những hiện vật này được tìm thấy trong nhiều năm nghiên cứu di sản văn hóa nhà Trần ở Đông Triều.

Có lẽ, điều lạ nhất là một trưng bày cấp huyện lại vời chuyên gia tận trung ương tư vấn từ đào khảo cổ đến nghiên cứu, trưng bày trong nhiều năm. Từ chiến lược này, Đông Triều đang lấp dần chỗ trống chỉ thiếu sự liên kết núi - biển trong phát triển du lịch Quảng Ninh. Sự thiếu liên kết này, theo nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan tại hội thảo về Hạ Long, sẽ khiến du lịch thiếu đa dạng.

Trinh Nguyễn

>> “Phủ sóng” bảo tàng
>> Lãng phí bảo tàng - Kỳ 3: Lười trưng bày chuyên đề
>> Lãng phí bảo tàng - Kỳ 4: Hiến kế “đánh thức” hiện vật
>> Chiêm ngưỡng cổ vật quý lần đầu công bố tại Bảo tàng Nam Định

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.