Băng qua tuổi thanh xuân

26/04/2015 09:00 GMT+7

Dựa vào câu chuyện có thật xoay quanh nhóm nhạc folk - Twin Folio của Hàn Quốc, C’est si bon đã hư cấu thêm thành viên thứ ba để cho ra một tác phẩm tuyệt đẹp về tuổi thanh xuân.

Dựa vào câu chuyện có thật xoay quanh nhóm nhạc folk - Twin Folio của Hàn Quốc, C’est si bon đã hư cấu thêm thành viên thứ ba để cho ra một tác phẩm tuyệt đẹp về tuổi thanh xuân.

Băng qua tuổi thanh xuân
Kiểu tóc John Lennon, quần ống loe theo phong cách The Beatles và bức ảnh trứ danh ghi lại khoảnh khắc ban nhạc vĩ đại nhất thế giới đang sải bước băng qua đường với một bộ dạng không thể phóng túng hơn. Đấy là một trong số những thứ tạo ra không khí cho bộ phim C’est si bon. Vào cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, không riêng gì Hàn Quốc, cả thế giới phát cuồng với các xu hướng âm nhạc mới. Một nửa lãnh địa âm nhạc là các giọng ca chuyên trị những bản nhạc trữ tình tiếng Anh ướt át, như bản nhạc Delilah được hát ở đầu phim và về sau còn lên cả chương trình hòa nhạc trên truyền hình quốc gia. Tại VN, bản nhạc này từng được nhạc sĩ Phạm Duy viết lại lời Việt mang tên Tình hận Delilah do danh ca Tuấn Ngọc trình bày. Những bản nhạc kiểu Delilah đã đặt dấu chấm cho thời hoàng kim rực rỡ của âm nhạc Pháp lãng mạn từng làm mưa làm gió khắp nơi trên thế giới. Rồi những pop, rock, đồng quê... Nửa còn lại chính là The Beatles. C’est si bon đã vẽ nên bức chân dung sống động về tuổi trẻ bằng hình ảnh lẫn giai điệu đặc trưng ở giai đoạn này. Và The Beatles cứ phảng phất đâu đó qua những thước phim tựa nguồn cảm hứng vô tận cho cả một thế hệ dù chỉ loáng thoáng ở thời trang hay rộng lớn hơn là đề cập tới sự định hình cái tôi của người trẻ. “Người ta biết về The Beatles qua hai thành viên John Lennon và Paul McCartney, song thử nghĩ xem, nếu không có George Harrison và Ringo Starr chấp nhận đứng lùi phía sau thì The Beatles có còn là The Beatles không”. C’est si bon mang đúng tinh thần sảng khoái pha lẫn ưu sầu của thứ giai điệu và ca từ đã làm nên một cuộc cách mạng âm nhạc thực sự đến từ bộ tứ huyền thoại của nước Anh.
Băng qua tuổi thanh xuân 2
Hai tài năng âm nhạc có thật, người thiên về pop là Young Hyung-joo và kẻ thiên về dân ca là Song Chang-sik, gặp nhau ở phòng trà C’est si bon trong cuộc thi thố diễn ra hằng tuần. Một chàng nhà quê hư cấu Oh Geun-tae có giọng nam trung trời phú dẫu chả học hành bài bản gì đang tìm kiếm việc làm thêm. C’est si bon đã hình thành như thế, thông qua sự kết nối của nhà sản xuất âm nhạc cũng trẻ không kém là Jang Lee. Thật ra trước khi The Beatles nổi tiếng, ban nhạc hầu như chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho nghệ sĩ solo. Thành công của The Beatles đã kéo theo sự bùng nổ nhóm nhạc. Bản thân Young Hyung-joo và Song Chang-sik đều có khả năng trở thành nghệ sĩ độc lập, tuy nhiên họ vẫn quyết định gắn kết và chia sẻ cá tính âm nhạc cùng nhau, chả vì mục đích lớn lao nào mà chỉ đơn giản là, làn gió của những The Beatles, Bee Gees, The Carpenters... đã lan tỏa tới đất nước này. Coi phim để thấy lời khẳng định chắc nịch của đạo diễn rằng văn hóa thần tượng không phải chỉ là những năm gần đây, người ta gào khóc vì G-Dragon hay SNSD. Khá lâu rồi mới có một tác phẩm điện ảnh về tuổi trẻ nhiều cảm xúc như C’est si bon. Bộ phim lôi cuốn người xem một cách rất tự nhiên, từ sự xuất hiện hết sức tươi mới của từng nhân vật cho đến vai trò của một cô gái xinh đẹp được gọi là “nàng thơ” đã ảnh hưởng con đường âm nhạc của họ như thế nào. Chỉ trong một buổi tối, hàng loạt ca khúc bất hủ ra đời nhờ cuộc canh tranh lấy lòng nàng thơ của hai kẻ “hợm hĩnh”. Và cũng chỉ trong một buổi tối, nàng thơ đã cắt đứt những sợi dây đàn. Phải tận hai mươi năm sau, gã nghệ sĩ ngày xưa mới ôm đàn chơi lại. C’est si bon có một đoạn chuyển tông đột ngột. Là hai mươi năm sau, những con người năm đó đã thôi trẻ. Vẫn tình yêu, cho đam mê và cho giai nhân, nhưng sao bộ phim bỗng dưng lê thê và xúc cảm dành cho những nhân vật cũ ấy đột nhiên quá đỗi xa lạ. Có phải khi thanh xuân trôi qua, tiện thể lấy đi mất sự khoan dung, con người ta khó lòng rộng lượng những giọt nước mắt vốn đã từng rơi xuống giống vậy. Người ta trở nên nặng nhọc và đáng chán biết bao. Đẹp, buồn và được phép mắc sai lầm..., đặc quyền của tuổi trẻ chỉ có duy nhất một lần trong đời.
Băng qua tuổi thanh xuân 3
Không biết vô tình hay hữu ý, con đường mà ban nhạc C’est si bon và nhà sản xuất Jang Lee mô phỏng lại hình ảnh The Beatles băng qua cứ ám ảnh mãi tâm trí người xem. Tương tự The Beatles, chẳng một chút đắn đo rụt rè, bốn chàng trai ở bên đây đại dương cũng hào sảng bước từng bước thanh xuân của họ. Rồi cũng con đường ấy, vào một đêm vắng lặng, có gã trai lần đầu biết yêu đã gục mặt ngồi khóc. Người ta đánh rơi mọi thứ: cuồng nhiệt, niềm tin, dại khờ... và cả những dang dở trên con đường lưu dấu tuổi trẻ của mình. Và người ta không bao giờ có thể quay lại để nhặt lên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.