Bản sắc trò chơi Việt

19/02/2012 03:30 GMT+7

Mỗi dân tộc đều có cách ăn và cách chơi riêng.

Mỗi dân tộc đều có cách ăn và cách chơi riêng.

Thời hiện đại, khoa học kỹ thuật rất phát triển, chủ yếu là phương Tây. Đi theo khoa học kỹ thuật, văn hóa, cách sống phương Tây được quảng bá, nhất là cách chơi từ thể thao, nhảy, cờ bạc... tràn ngập. Trong khi các món chơi của Việt Nam rất phong phú độc đáo cứ mai một dần một cách tội nghiệp bởi chẳng ai quan tâm vun trồng, phát triển. Cũng có rất nhiều nguyên nhân, song chủ yếu nước chưa hùng mạnh, nhất là về kinh tế. Mạnh vì gạo, bạo vì tiền cơ mà!

Hàng ngàn năm nay, mỗi đình mỗi đám, nhất là những hội làng thể hiện tính cộng đồng rất cao.

Trong không gian của đình làng, xuân, thu nhị kỳ đều tổ chức các trò chơi dân gian.

Với tinh thần thượng võ, trong hội làng luôn có trò chơi hay hội thi như võ vật, đấu kiếm, bắn cung, hội đấu voi, kéo co, đẩy cây, đánh đu, leo cột mỡ... hay tập trận cờ lau đánh trận giả, đua trâu, chọi trâu, đấu hổ với voi (hổ quyền), đi kheo, bắt vịt, cướp bóng, ném chài, đua thuyền... Đặc biệt có hội vật làng Mai Động (Hà Nội); cướp phết, hất phết Hiền Quang; cướp còn Bạch Hạc (Phú Thọ); hội chạy cờ làng Triều Khúc, Thanh Trì; chạy thẻ, kéo nước làng Đồng Nhân (Hà Nội)…

Luyện tập mưu trí như tổ tôm, cờ tướng, cờ người, phá trận, tam cúc, đố vui... Những trò chơi dân gian khác như đánh đáo, chơi khăng, ô ăn quan, rải gianh, bịt mắt bắt dê, ú tim, nu na nu nống...

Đặc biệt những trò chơi văn nghệ như trống võ Tây Sơn, tổ tôm điếm, hát bài chòi, hát trống quân, hát xoan, hát quan họ, hát đúm, hát ví, hát dặm, hát của đình (ca trù), tung còn, cồng chiêng…

Bên cạnh đó còn những trò chơi: thả diều đủ màu sặc sỡ, sáo diều, thổi cơm ngồi một chỗ hay vừa đi vừa thổi... và biết bao trò chơi khác nữa, sao lại nỡ bỏ đi hay ít quan tâm đến thế!

Đâu là giải pháp để bảo tồn và phát triển những trò chơi Việt?

Phải bắt đầu từ nỗ lực, uốn nắn nhận thức cũng như tâm lý cố hữu “Bụt nhà không thiêng”,  tinh thần vọng ngoại, óc tồn cổ kém cỏi như các nhà sử học Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú đã than phiền. Quan trọng hơn nữa là phải coi trọng giáo dục sáng tạo giữ bản sắc dân tộc.

Sáng tạo và tồn cổ là hai mặt không đối lập nhau mà tác động qua lại nhau khiến đất nước phát triển, không tụt hậu.

Sáng tạo đem cái mới luôn luôn có cái xưa, không phủ định sạch trơn cái cũ, bảo tồn cái cũ có chọn lọc và tiếp thu cái mới có chọn lọc là một thái độ khôn ngoan.

Song hành những nỗ lực uốn nắn nhận thức, có thái độ khôn khéo, giáo dục phát triển óc sáng tạo thì phải biết, hiểu những trò chơi dân gian như thế nào qua sách, báo, đài để gia đình và nhà trường quảng bá, huấn luyện và cộng đồng thực hiện. Giữ gìn bản sắc và sáng tạo phát huy không ngừng là yêu cầu bức thiết hiện nay vậy.

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã
(tiến sĩ sử học)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.