Bài học đổi mới từ Cách mạng Tháng 8

25/08/2015 06:03 GMT+7

Bài học Cách mạng Tháng 8 đến giờ vẫn còn nguyên giá trị với sự nghiệp đổi mới, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Bài học Cách mạng Tháng 8 đến giờ vẫn còn nguyên giá trị với sự nghiệp đổi mới, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Các đại biểu tham dự hội thảo đều khẳng định những bài học từ Cách mạng Tháng 8 còn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới hiện nay - Ảnh: TTXVN
Các đại biểu tham dự hội thảo đều khẳng định những bài học từ Cách mạng Tháng 8
còn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới hiện nay - Ảnh: TTXVN
Đó là khẳng định của Ban tổ chức hội thảo quốc gia “70 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN với sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển (1945 - 2015)”, do Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN phối hợp Ban Tuyên giáo T.Ư, Thành ủy Hà Nội tổ chức hôm qua tại Hà Nội. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đinh Thế Huynh cùng 300 đại biểu là các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện cho các bộ, ban, ngành, nhà khoa học trong cả nước dự hội thảo.
Hơn 71 tham luận được chọn in kỷ yếu, 16 tham luận được chọn trình bày tại hội thảo. GS-TS Phạm Xuân Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, đánh giá: “Sức mạnh tổng khởi nghĩa tháng 8 chính là sức mạnh vùng lên của đồng bào cả nước, được khơi dậy và nhân lên bởi một đường lối cách mạng đúng đắn”.
Điều này, theo ông, thể hiện ngay từ thời điểm tiền khởi nghĩa. Mặt trận Việt Minh đã đề ra chương trình cứu nước gồm nhiều chủ trương, chính sách rất cụ thể, sát hợp với từng giới đồng bào. Chẳng hạn, với công nhân, chính sách đó là làm 8 giờ, định tiền lương tối thiểu, cứu tế thất nghiệp, xã hội bảo hiểm, công nhân già có lương hưu trí - thể hiện sự quan tâm đến những yêu cầu đời sống thiết yếu nhất của nhân dân. Nhiều bài học từ cách mạng đó vẫn còn giá trị tới ngày hôm nay.
Nghiên cứu sinh Hoàng Thị Hồng Nga, ĐH Quốc gia Hà Nội, phân tích tư duy hiện đại về tự chủ ĐH đã bắt đầu hình thành trong suy nghĩ của những người làm công tác lãnh đạo giáo dục từ năm 1945. GS Nguyễn Văn Huyên - Bộ trưởng Giáo dục thời bấy giờ, đã nói đến một hình thức tổ chức hoạt động văn minh tương đương với các trường ĐH hàng đầu thế giới hiện nay.
Đó là Hội đồng quản trị của trường ĐH gồm các giáo sư có kinh nghiệm, những người quan tâm. Nó có nhiệm vụ tìm một phương sách thích hợp để mở mang nền ĐH và để quản trị một ngân sách tự trị giống như các quỹ tự trị ở các trường ĐH các nước tân tiến Âu - Mỹ. Quỹ do chính phủ chu cấp và kêu gọi nhà hảo tâm đóng góp. Hiện tại, tự chủ ĐH chính là điều chúng ta hiện đang lúng túng.
TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo thì đánh giá cao sự tiến bộ về công tác tôn giáo - điều luôn được quan tâm từ 1945: “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành ngày 29.6.2004 là một bước ngoặt về sự thể chế hóa luật pháp đối với lĩnh vực tôn giáo và quản lý nhà nước về tôn giáo mà Đảng Cộng sản VN chủ trương”.
Đại tá - TS Nguyễn Văn Bạo, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự VN, nhấn mạnh bài học “toàn dân đoàn kết” để đánh đuổi quân giặc mà Bác Hồ đã chỉ ra. Theo ông Bạo, những năm qua trên cơ sở phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta đã tích cực xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.
PGS-TS Võ Kim Cương (Viện Sử học) nói về sự chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, điều đã được làm tốt từ năm 1945. Từ đó, VN đã đi tới gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Chúng ta đã đặc biệt thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 5 nước lớn là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Thế Huynh khẳng định tất cả những thành tựu to lớn đã đạt được trong suốt 70 năm qua, nhất là trong gần 30 năm đổi mới, đều bắt nguồn từ những nền tảng đầu tiên là thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng 8 năm 1945 và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ông Huynh đề nghị các nhà khoa học tập trung làm rõ hơn nữa giá trị và ý nghĩa lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng 8 năm 1945 trong tiến trình lịch sử dân tộc VN; những ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ của sự kiện này đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước châu Á, châu Phi và đối với phong trào cách mạng trên thế giới nói chung; tập trung làm rõ những bài học lịch sử của Cách mạng Tháng 8 đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước trong 70 năm qua trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, nhất là đối với sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Trên cơ sở đó, hội thảo chủ động đề xuất những giải pháp để Đảng, Nhà nước và nhân dân tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.