Ba năm tiếu luận

13/02/2013 14:50 GMT+7

(TS Xuân) Thời gian đi nhanh thật. Tôi còn nhớ như in những điều vui vẻ sau khi nghỉ hưu. Tháng 4.2010, Ban biên tập Báo Thanh Niên điện thoại trao đổi với tôi về một chuyên mục cho tờ Thanh Niên tuần san. Các anh tạm đặt tên cho chuyên mục là Tiếu luận giang hồ - cười mà bàn về giới giang hồ.

“Giang hồ” ở đây có nghĩa là cuộc sống chung quanh ta, với tất cả những hoạt động tích cực và tiêu cực, những cái tốt và cái xấu, những niềm vui và nỗi buồn... Nó có thể nhỏ, có thể lớn nhưng tất cả đều là vấn đề của cuộc sống. Các anh giao tôi chuyên mục hằng tuần tiếu luận về những sự kiện ấy.

Tôi phải viết hằng tuần chuyên mục này dưới dạng của một tạp văn báo chí, độ dài trên 1.500 chữ. Kết hợp với một tranh biếm họa của họa sĩ DAD, chuyên mục của chúng tôi đi hai trang liền mặt nhau. Bài viết phải mang theo tính thời sự, tính chiến đấu, tính trào phúng của văn chương báo chí hiện đại. Giao ước là vậy nhưng tôi được tùy nghi, tự do sử dụng “chiêu thức” lạ, độc đáo để diễn đạt cái nội hàm của từng vấn đề cụ thể.

Ba năm tiếu luận

Tôi vui vẻ chấp nhận sự phân công ấy. Nó phù hợp với kiểu viết báo của tôi. Trước đây trong nghề làm báo ngay trong những đề tài nghiêm túc nhất, tôi cũng cố tìm ra nụ cười với giọng văn tưng tửng để giải khuây cho bạn đọc. Nay nghỉ làm việc trong một cơ quan, tưởng đã “rửa tay gác kiếm” lại có thêm một công việc làm, một mục đích để suy nghĩ đã là niềm vui rồi. Nhà báo có thể về hưu nhưng cái đầu của nhà báo thì không bao giờ được phép nghỉ hưu. Vả chăng tôi nghỉ hưu không có lương (vì không đủ niên hạn). Một món tiền nhuận bút hằng tháng thực sự trở thành quý giá để nuôi gia đình trong lúc cuộc sống đang khó khăn.

Tôi làm việc chăm chỉ và có trách nhiệm với tờ tuần san y như mình là một thành viên của tờ báo ấy. Thanh Niên là tờ báo nhiệm sở thân yêu của tôi ngày xưa trong những năm trước 1997. Tôi cảm thấy có trách nhiệm phải giao bài đúng kỳ hạn cho tòa soạn, không được phép bỏ sót một thông tin chủ đạo nào trên báo chí. Thảng hoặc có chuyện phải đi công việc xa, dù bận bất cứ điều gì, tôi cũng phải có bài giao đúng ngày để họa sĩ DAD còn minh họa và tòa soạn dựng trang. Khế ước giữa chúng tôi chỉ là khế ước tinh thần nhưng độ tin cậy và tính chặt chẽ còn nghiêm túc hơn khế ước thành văn.

Ba năm tiếu luận trên Thanh Niên tuần san, tôi đã nhận được những niềm vui bất ngờ. Thể loại tạp văn - một thể loại khó chịu nhất của văn chương báo chí được viết trên tờ báo, trở thành những thí dụ sinh động đối với các em sinh viên đang học với tôi hai môn Tiểu phẩm - tạp văn và Tường thuật chuyên ngành Văn hóa - nghệ thuật - giải trí. Nhiều bài viết được in ra cho các em đọc, phân tích nội dung, cách viết. Tất nhiên, tôi còn in nhiều bài viết của các nhà văn, nhà báo khác cho các em học. Nhưng phải nói rằng tôi hiểu bài mình hơn ai hết nên khi các em có ý kiến bàn bạc, tôi dễ nhận ra sinh viên của mình hiểu đúng hay chưa đúng về tác giả.

Ba năm tiếu luận, tôi đã góp lại được một số bài, biên tập lại và được Nhà xuất bản Trẻ in thành cuốn sách Dài và to. Các chị các bà thấy cái tựa giựt gân, nhào vào mua sách để coi rõ nó là cái giống gì. Hóa ra, tôi chỉ bàn chuyện dài và to trong... kỷ lục. Ha ha. Cuốn thứ hai cũng đã được dọn xong và nộp file cho nhà xuất bản. Từ văn chương báo chí, tiếu luận trở thành văn chương của sách. Báo chí tự nó đã “tiếp thị” cho cuốn sách, dễ cho bạn đọc chọn lựa và mua sách đọc.

Ba năm tiếu luận, tôi nới rộng được thể tích tâm hồn mình và nới rộng biên độ giao lưu với tầng lớp bạn đọc trẻ. Thanh Niên tuần san, như tên gọi của nó, là một tờ báo rất trẻ, rất thanh niên. Giao lưu với bạn đọc trẻ khiến tâm hồn tôi cảm thấy được trẻ ra thêm. Có những thư góp ý, những cuộc điện thoại trao đổi thẳng thắn và chân tình. Có bài viết khiến bạn đọc thú vị, có bài chưa đạt. Mọi ý kiến của các bạn đều được tôi lắng nghe và trân trọng. Làm báo là phải biết lắng nghe bạn đọc của mình; không trân trọng ý kiến bạn đọc thì ta làm báo với ai?

Ba năm tiếu luận giúp cái đầu của tôi thanh thoát ra, hiểu về cuộc sống càng lúc càng cởi mở và rộng thêm. Tội nghiệp cái đầu của tôi - cái đầu từng thoát qua hai cơn đột quỵ vì tai biến. Ngày mới vào đời làm báo, cái đầu của tôi rất cực đoan, tâm tính cứ như một chú gà chọi hiếu chiến. Càng làm báo lâu dài, tôi càng thật sự bỏ được những suy nghĩ cực đoan và tâm tính hiếu chiến đó. Bạn thấy đấy, văn chương của tôi vừa phải, nhẹ nhàng, không làm tổn thương một ai. Tôi chỉ cười về sự kiện mà không bao giờ cười về con người cụ thể. Thảng hoặc, khi cần nói về con người, tôi viết tắt tên của họ và thậm chí không đưa cụ thể địa chỉ của họ. Với cả thiện ý, tôi chỉ mong họ tốt lên. Tôi yêu quý phẩm giá con người.

Tiếng cười trong cuộc sống vốn rất quý. Nhiều khi nhìn quanh cuộc sống, ta bắt gặp những trăn trở, buồn lo, xót xa. Đem lại nụ cười - cười ha hả, cười mỉm hay cười thầm - cho bạn đọc của mình là điều nên làm. Ít nhất, nụ cười ấy cũng giúp người ta thư giãn, dù trong phút giây ngắn ngủi. Đôi khi, tôi nghĩ đến chuyện bạn đọc đọc bài của tôi vào sáng thứ tư, qua đến tối thứ sáu nghĩ lại rồi cười một mình cũng là hạnh phúc lắm rồi.

Trước một việc đời, có nhiều cách ứng xử (tôi không dám nói là giải quyết). Văn chương chính luận của báo chí ứng xử qua một tin, một bài với phong cách chính luận, nghĩa là nói ngay ngắn, trực diện. Văn chương trào phúng của tạp văn ứng xử qua bài cười vui với một (hoặc vài) nụ cười. Tôi vẫn cho rằng, biết cười và biết ứng xử nhẹ nhàng bằng nụ cười là một thái độ hiền triết.

Từ mấy chục năm qua, tôi mong được làm anh hề trong văn chương báo chí, đem lại niềm vui cho người và cả cho mình. Tôi  tin rằng làm hề trong văn chương là thứ làm hề khó nhất, so với trong kịch nói, tuồng, tấu hài hay phim ảnh. Nó đòi hỏi người viết phải có duyên. Tôi hình dung ra bạn đọc một bài viết của tôi mà bảo hai đứa con nhỏ lấy thêm... chổi lông gà thọc vào nách để bạn cười được một chút. Than ôi, nếu thực sự bạn đã từng “cười” theo cách có gia công thọc lét như vậy thì tôi thất bại biết bao nhiêu!

Thanh Niên tuần san là tờ báo trẻ như sức trẻ, sung mãn như nội lực mùa xuân. Nó đến với bạn đọc hằng tuần, mang lại niềm vui cho mọi gia đình, mọi lứa tuổi. Người trẻ đọc nó, tâm hồn và trí tuệ lớn lên thêm một chút; người già đọc nó, tâm hồn và trí tuệ trẻ ra thêm được một chút. Đi qua con đường mây trắng quạnh hiu, vượt thoát hai cơn đột quỵ, chưa bao giờ tôi thấy bút lực mình sung mãn như những ngày tháng viết trên tờ báo này.

Lỗ Tấn nói: “Xưa kia không có đường; người ta đi lại nhiều mà thành đường”. Câu nói ấy thật phù hợp với kinh nghiệm đời làm báo. Có những thể loại văn chương báo chí không có công thức lý thuyết, được nhiều thế hệ làm báo “đi lại nhiều” mà thành. Tạp văn báo chí hiện đại là một “con đường” như vậy. Tôi đang “đi lại” nhiều trên Thanh Niên tuần san để làm ra con đường ấy, tất nhiên là theo cách thi công riêng của mình.

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.