Ảnh thầy tôi nhìn từ những kỷ niệm

04/10/2012 03:20 GMT+7

Trong số ảnh thầy (bố) tôi chụp hồi còn ở Việt Bắc, tôi đặc biệt có ấn tượng với hai bức. Một bức ông chụp chung với một phụ nữ mà tôi ngờ là nữ sĩ Anh Thơ, vì người phụ nữ trong ảnh so với bà Anh Thơ mà tôi được thấy vài lần vào những năm 1956 - 1957 tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội có rất nhiều nét giống nhau, chỉ khác là hồi về lại Hà Nội bà đỏ đắn và đỡ gầy hơn.

(Tiếp theo Thanh Niên thứ tư số 277 ngày 3.10)

Phan Khôi và nữ sĩ Anh Thơ 
Phan Khôi và nữ sĩ Anh Thơ tại Việt Bắc - Ảnh: tư liệu

Nơi ông tiếp bà chắc là trong một cái lán của cơ quan Hội Văn nghệ dựng tạm bợ giữa rừng sâu Việt Bắc. Hai người ngồi trên sạp ken bằng những thanh nứa mỏng, trên có trải chiếu, đang cắm cúi xem một tài liệu hay một cuốn sách nào đó cũng để trên sạp mà ống kính thu không được rõ. Tôi có cảm tưởng như bà đi đâu đó bất chợt ghé qua nhờ ông giải đáp một vấn đề thuộc lịch sử hay ngữ ngôn gì đó. Bà mặc bộ đồ ta, còn ông đang mặc quần cộc áo may ô. Chắc là cả hai chẳng ai định chụp ảnh nhưng rồi một anh bạn trẻ là nghệ sĩ nhiếp ảnh nghịch ngợm nào đó ở cùng lán với ông bất ngờ  “chộp” được và ông thấy cũng hay hay nên giữ làm kỷ niệm. Được nhìn thấy hai cánh tay gầy guộc, dài quá gối và đôi ống chân khẳng khiu của ông hồi này tôi không khỏi mủi lòng.

Bất giác tôi nhớ lại bài viết của họa sĩ Trần Duy trong lần tọa đàm về Phan Khôi giữa thủ đô Hà Nội nhân 120 năm ngày sinh của ông, trong có nhắc tới đời sống của văn nghệ sĩ tại Việt Bắc lúc bấy giờ. Lúc này là cuối những năm 40 đầu 50 của thế kỷ trước. Chính phủ chưa có các nguồn thu từ thuế, sản xuất hàng hóa cũng không, ngân sách nhà nước rất eo hẹp. Tất cả chỉ trông chờ vào sự quyên góp và ủng hộ của nhân dân với số thóc thu được mỗi năm chừng một vạn tấn. Trong cái khó khăn chung của đất nước, đời sống và điều kiện làm việc của văn nghệ sĩ cũng chẳng hơn gì. Cơm ngày hai bữa không độn khoai thì độn sắn, ăn với rau rừng chấm muối. Lâu lâu mới có thêm mớ cá, mớ tôm do anh em trong cơ quan quây suối, tát cạn rồi bắt lấy đem về, món thì nấu, món thì nướng. Có bữa bẫy được con chồn, con cáo cũng biện ra đủ món. Nào là giả cầy, xào lăn, còn xương xẩu thì hầm với măng tươi kiếm được ở bìa rừng. Ăn uống kham khổ, lại thêm bệnh dạ dày hành hạ mà thầy tôi chưa mệnh hệ nào, còn được về lại thủ đô gặp mặt vợ con sau chín năm biền biệt đã là may mắn lắm. Vậy mà ông và các bạn ông vẫn vui, vẫn làm việc cật lực và rất hiệu quả. Có lẽ vì như sau này ông nói: “trong thời gian đó, cái vĩ đại, cái gian khổ mà vinh quang của cuộc kháng chiến ngập trên người họ, họ đang để lòng mà nghĩ đến kháng chiến, không nghĩ đến chuyện khác”. Tôi nhận ra thầy tôi thuộc số những người làm được nhiều việc thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình. Ông dịch thơ Hồ Chinh; truyện của Mã Phong, Triệu Thụ Lý, Macxim Goocki... để góp phần xây dựng nền văn nghệ cách mạng còn non trẻ, phục vụ kháng chiến. Ông dịch đoản thiên tiểu thuyết và tạp văn của Lỗ Tấn, “Chủ nghĩa Mác và vấn đề ngôn ngữ học” của Stalin, nghiên cứu những vấn đề còn khúc mắc của tiếng Việt cổ và hiện đại để rồi ngày hòa bình, trở về thủ đô, ông cho xuất bản Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn, Tuyển tập tạp văn Lỗ Tấn rồi Việt ngữ nghiên cứu đều là những tác phẩm gây được tiếng vang trong giới dịch thuật và nghiên cứu...

Bức ảnh thứ hai cũng gây ấn tượng mạnh với tôi không kém là bức ông chụp chung với gần hai mươi văn nghệ sĩ vừa trẻ vừa già, kẻ ngồi người đứng, hàng trước hàng sau tạo thành một khối thống nhất vừa mạnh mẽ, nghiêm trang vừa căng thẳng như sắp bước vào một trận đánh. Tiếc là tôi chỉ nhận mặt được mấy người là Tố Hữu, Hoài Thanh và Thế Lữ. Số còn lại, có thể tôi cũng đã gặp vài ba lần tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội nhưng vì lúc ấy so với tuổi các ông, tôi còn quá bé.

Trong ảnh, thầy tôi đứng hàng trước, phía bên phải. Ông vẫn gầy như trước nhưng lúc này trông có vẻ khỏe khoắn, rắn rỏi hơn hồi chụp ảnh với bà Anh Thơ. Cũng không còn để râu như hồi năm 1928-1932 mà như một lão nông ở các vùng quê Bắc bộ. Tuy không kiểu cách, cầu kỳ như trước nhưng râu ông hồi này trông cũng khá đẹp mà như ông nói với tôi sau này là nhờ ông có thói quen chỉ cạo râu mà không bao giờ nhổ. Ông mặc bộ đồ ta dài bằng lụa nâu mỏng, sau có mang theo về Hà Nội; đầu đội mũ dạ, vai khoác túi dết, tay phải chống gậy, nửa thân trên hơi ngả về phía trước, trông cứ như người sắp sửa leo núi vậy! Sau ảnh lại cũng không có bất cứ một ghi chú nào của thầy tôi. Xung quanh tôi giờ đây cũng không còn ai có thể biết để hỏi. Nhưng cứ theo những gì tôi biết về sau này, đây rất có thể là ảnh ông chụp chung với đoàn văn nghệ sĩ trước lúc lên đường đi thực tế chiến dịch mùa đông năm 1949. Hơn bảy mươi năm sau, giờ tôi như được nghe lại lời phát biểu của ông trong buổi lễ xuất quân hôm đó: “Tôi là một đoàn viên trong đoàn văn nghệ sĩ đi chiến dịch. Già rồi mà còn đi chiến dịch, chắc có anh bộ đội sẽ lo ngại, cho là cái anh già này mà đi chiến dịch thì chỉ tổ thêm vướng víu, chớ được cái chi? Tôi hứa rằng trong khi đi, tôi sẽ không dám phiền các cấp chỉ huy, không dám phiền một ông vệ quốc quân nào phải đưa tôi quay về hết. Mục đích của tôi đi chiến dịch là nhìn thực tế chiến đấu của bộ đội mà viết”.(Còn tiếp)

Phan Khôi (1887-1959) là một học giả tên tuổi, một nhà thơ, nhà văn, cháu ngoại của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, là người mở đầu và cổ vũ cho phong trào Thơ mới. Ông còn là một nhà báo tài năng, viết cho các báo Nam Phong, Thực Nghiệp Dân Báo, Sông Hương... Sau năm 1945, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia kháng chiến với cương vị một nhà văn hóa...

Phan Nam Sinh

>> Phan Khôi, tác phẩm đăng báo 1930
>> Ảnh thầy tôi nhìn từ những kỷ niệm 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.