Ăn trầu kiểu… vua

25/10/2012 03:05 GMT+7

“Lần đầu tiên, bộ đồ ăn trầu bằng vàng của vua thời Nguyễn được giới thiệu với công chúng”, PGS-TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết.

Ống nhổ bằng vàng cao chừng hai mươi phân, chạm nổi phượng thời Nguyễn. Chiếc hộp bạc chạm rồng thời Lý đựng thuốc lào. Những cối giã, hộp đựng bằng vàng có, bạc có, ngọc có, ngà voi có. Kích cỡ nhỏ nhắn, đẹp tinh tế. Một phần của cuộc sống cung đình đã lộ diện. Đặc biệt hơn khi những hiện vật vàng dùng để ăn trầu thời Nguyễn lần đầu tiên ra mắt công chúng. Trong vàng son quá khứ còn gánh trĩu sức nặng văn hóa - điều triển lãm Văn hóa trầu cau Việt Nam muốn nhấn mạnh.

Không chỉ là vàng bạc, các hiện vật gốm - cụ thể hơn là các bình vôi mang giá trị lớn. Những người quan tâm đến bình vôi ký kiểu (được đặt làm riêng ở những lò gốm nước ngoài cho nhà quyền quý) đều từng thấy các bình vôi đẹp loại này trong sách tham khảo của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn. Tại triển lãm, chỉ có một bình vôi ký kiểu. Nhưng quan trọng hơn, các bình vôi đều có tính nguyên gốc rất cao. “Chúng tôi chỉ trưng bày những hiện vật nguyên gốc hoặc tu sửa không đáng kể”, PGS-TS Nguyễn Đình Chiến nói.

Ăn trầu kiểu… vua 
Cối ngoáy trầu và hộp đựng thế kỷ 19-20, chất liệu vàng, đồng và pha lê trong bộ sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn - Ảnh: BTC cung cấp

Triển lãm không chỉ giới thiệu cách vua chúa ăn trầu, mà còn cả cách miền xuôi, miền ngược, người Kinh, người dân tộc thiểu số ăn trầu. Nếu như bộ đồ trầu của hoàng cung cầu kỳ thì thường dân lại lấy đa dạng, dễ kiếm trong chất liệu làm đầu. Mây, tre, gỗ, đồng, gốm, vải thậm chí cả xương (gà) cũng trở thành nguyên liệu cho họ chế tác vật dụng trầu cau. “Tôi nghĩ con dao này có cán bằng xương gà”, TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành phỏng đoán về một con dao bổ cau của người dân tộc thiểu số. Con dao nhỏ, dáng cong như một chiếc đao thu nhỏ, phần xương trắng ngà hết sức duyên dáng.

 

Trưng bày Văn hóa trầu cau Việt Nam diễn ra từ 24.10.2012 đến 31.1.2013 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội. Trưng bày do Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ VN và Bảo tàng Dân tộc học phối hợp thực hiện. Khoảng 100 hiện vật, tài liệu, hình ảnh tiêu biểu được lựa chọn giới thiệu trong trưng bày. Triển lãm cũng giới thiệu một số phim tài liệu, phim hoạt hình ngắn liên quan đến sự tích trầu cau, các cuộc thi têm trầu, các chợ cau trên cả nước.

Mặc dù vậy, điều đáng tiếc là không một bình vôi nào trong triển lãm lại có hoa vôi. “Khi lấy vôi khỏi bình và gạt lại vôi thừa nhiều lần, lâu năm sẽ tạo thành hoa vôi. Có những hoa vôi dài cả chục phân”, nhà sưu tập Trung Thành nói.

“Tục nhuộm răng ăn trầu cũng là một phần trong trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Phụ nữ”, bà Nguyễn Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ VN chia sẻ. Giờ đây, tục nhuộm răng không còn, thói quen ăn trầu cũng chỉ còn rất ít. Dù vậy, trầu cau vẫn tiếp tục là một phần không thể thiếu trong các lễ vật của hàng loạt nghi lễ quan trọng như lễ tế, lễ cưới hỏi, ma chay.

“Có giả thuyết cho rằng, một nhà sư từng mang cách nhuộm răng kiểu Việt Nam sang Nhật Bản. Tuy nhiên, do không có trầu cau nên người Nhật cuối cùng đã chọn phương thức nhuộm răng khác”, một nhà nghiên cứu Nhật Bản giấu tên cho biết.

Cũng là trầu, là cau, rõ ràng văn hóa trầu cau ở Việt Nam vẫn có những nét riêng biệt so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Những khác biệt ấy cũng là điều có thể thấy trong triển lãm.

Trinh Nguyễn

>> Bảo tàng Lịch sử quốc gia xây dựng ở khu đô thị mới tây hồ Tây
>> Thành lập Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.