An Thuyên - nhạc sĩ của miền quê: Bài 2 - Người cách tân dân ca

07/07/2015 06:00 GMT+7

(TNO) Có thể nói, An Thuyên là nhạc sĩ đã làm ra nhiều điệu dân ca mới cho người Việt. Trong đó, Neo đậu bến quê , Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác , Ca dao em và tôi , V ầng trăng đò đưa , Hà Tĩnh mình thương … là những bài dân ca mới của Nghệ Tĩnh.

(TNO) Có thể nói, An Thuyên là nhạc sĩ đã làm ra nhiều điệu dân ca mới cho người Việt. Trong đó, Neo đậu bến quê, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Ca dao em và tôi, Vầng trăng đò đưa, Hà Tĩnh mình thương… là những bài dân ca mới của Nghệ Tĩnh. 

nhac-si-an-thuyen
Nhạc sĩ An Thuyên trong một chương trình hội diễn - Ảnh: TL
Em chọn lối này, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu… là những bài dân ca mới của các dân tộc miền núi phía bắc. Huế thương, Nhớ về mẹ Suốt, Chiều Hiền Lương… là những bài dân ca mới của Bình Trị Thiên. Chú cuội chơi trăng, Chiều sông Thương, Xe tăng qua miền quan họ… lại đậm chất dân ca đồng bằng Bắc bộ.

Là một nhạc sĩ quân đội, An Thuyên đã làm ra nhiều bài hát tâm tình cho lính hát, như Hành quân lên Tây Bắc, Mẹ Việt Nam anh hùng, Khúc hát ru của những người mẹ lính… Những bài này phảng phất chất dân ca 3 miền. Âm nhạc của anh sử dụng nhiều mô-típ có quãng 4 thứ hay quãng 3 thứ thường, tạo nên những tình cảm da diết, khắc khoải trong dòng chảy của tình cảm.

Nói An Thuyên làm ra nhiều điệu dân ca mới, hay người "cách tân dân ca” là bởi âm nhạc anh thấm đẫm chất dân ca, đặc biệt là dân ca Nghệ Tĩnh quê hương anh. Từ những ngày làm nhạc công ở một đoàn nghệ thuật của tỉnh nhà, anh không chỉ đi biểu diễn ở nhiều nơi, mà còn mang máy ghi âm đi sưu tầm những làn điệu dân ca miền xuôi, miền ngược. Những làn điệu dân ca quê hương thấm sâu vào trái tim, dòng máu của người nghệ sĩ, để khi sáng tác ca khúc, thì những âm hưởng ấy như là của chính anh tuôn chảy theo lời ca vang vọng tới trái tim bao người.

Chỉ với một ca khúc Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, ta đủ thấy anh đã sử dụng kết hợp 2 làn điệu dân ca Ví và Giặm Nghệ Tĩnh thật tài tình. Nghe bài hát này ta có cảm giác như anh đã ghép 2 làn điệu Ví, Giặm lại với nhau: trổ 1 là Ví, trổ 2 là Giặm. Nhưng thực ra trong tiến trình sáng tạo, đây là một tác phẩm âm nhạc kết hợp cấu trúc dân ca Nghệ Tĩnh và cấu trúc phương Tây, gồm 2 đoạn đơn, đoạn A nhịp điệu 2/4 tự do với âm hưởng hát Ví được rút gọn thành chủ đề và biến hóa mới mẻ; đoạn B sử dụng tiết tấu hát Giặm, nhanh hơn, pha trộn nhịp 2/4 và nhịp 7/8 tạo nên sự tương phản mạnh khiến ca khúc trở nên sinh động lạ lùng. Và sau 2 đoạn A - B, tác giả đã mở thêm một câu kết như một đoạn kết ngắn gọn trở lại chủ đề âm nhạc ban đầu là hơi thở của hát Ví để gói lại cảm xúc của mình.

Nói như thế để thấy rằng, An Thuyên luôn trăn trở để tìm kiếm những điều mới mẻ, độc đáo cho những tác phẩm âm nhạc phát triển từ phong cách dân gian truyền thống mà các nhạc sĩ lớp trước đã có công khai mở. Tuy nhiên, đôi lúc do quá “nặng lòng” với dân ca, có tác phẩm của anh khiến người nghe cảm thấy quá gần với dân ca gốc như trường hợp ca khúc Bâng khuâng đêm Hà Tĩnh.

Trong sáng tạo âm nhạc, An Thuyên rất sợ sự nhàm chán, nên anh luôn tìm kiếm, khám phá những nét nhạc độc đáo mới lạ để làm cho mình đa dạng và phong phú hơn. Tự biết sử dụng chất liệu Nghệ Tĩnh là thế mạnh, nhưng nhiều quá dễ bị trùng lặp, anh đã tìm đến với dân ca của nhiều vùng miền khác nhau như Bắc bộ, miền núi, miền Trung hay Nam bộ. Và đặc biệt là với chất liệu cồng chiêng Tây Nguyên khi viết kịch hát “Đất nước đứng lên”. Không như những nhạc sĩ bậc thầy được đào tạo cẩn thận ở nước ngoài, An Thuyên chọn cho mình một cách làm khác: Anh viết toàn bộ phần thanh nhạc với 30 ca khúc hợp xướng, aria, dio, tốp ca... theo kịch bản của mình, rồi cùng với 3 nhạc sĩ khác soạn cho dàn nhạc (xưa nay, các nhạc sĩ viết opera đều tự làm lấy toàn bộ âm nhạc).

Và để kết hợp học và hành, An Thuyên đã chọn chính thầy trò Trường Nghệ thuật Quân đội của mình để thể hiện, coi như một cuộc tổng học hành chưa từng có. Hiệu trưởng An Thuyên trực tiếp làm đạo diễn, chủ nhiệm khoa Đức Trịnh chỉ huy và đạo diễn phần âm nhạc, Kiều Lê, Thanh Tâm biên đạo múa, Tất Ngọc, Nguyễn Hải thiết kế mỹ thuật và 120 sinh viên làm diễn viên.

Một điều đặc biệt là trong 120 diễn viên thì gần 80 người là dân Tây Nguyên đang theo học ở trường. Những nhân vật chính đều do người Tây Nguyên sắm vai: Agri trong vai anh Núp, Y Thanh Nhị trong vai Mai Liêu (vợ anh Núp), Mai Trang trong vai mẹ anh Núp, Kso Dực trong vai già làng...

nhac-si-an-thuyen
Nhạc sĩ An Thuyên có một sở thích mà không nhiều người biết là chụp ảnh - Ảnh: TL
Với vở nhạc kịch mang đề tài Tây Nguyên này, anh đã tạo nên một âm hưởng Tây Nguyên của riêng mình với nhiều sắc thái nội tâm phức tạp và đa dạng. Có những aria cho nhân vật Núp, Mẹ Núp được Agri và Mai Trang thể hiện khá ấn tượng, truyền cảm mạnh. Những bài tốp ca như Mùa xuân trên nương rẫy giai điệu rất đẹp và sinh động. Các bản hợp xướng đều vang vọng tính hào hùng của miền núi rừng Tây Nguyên bất khuất và trữ tình. Đây là một thành công của người nhạc sĩ luôn hết lòng với nghề, với các miền quê, với Tổ quốc thân yêu.

Hơn 40 năm hoạt động âm nhạc, làm nhà giáo, nhà quản lý, An Thuyên đã phấn đấu không ngừng nghỉ. Ngay cả khi đã nghỉ hưu anh vẫn lăn lộn với phong trào âm nhạc, văn hóa và không ngừng sáng tác. Nhiều tác phẩm của anh xuất hiện trong các liên hoan nghệ thuật cả bài cũ bài mới luôn gây sự chú ý, yêu thích của đông đảo công chúng và đồng nghiệp.

Ngày cuối cùng của An Thuyên vẫn là ngày anh làm việc với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Doanh nghiệp cho tới lúc thấy đau tức ngực quá mới để cho mọi người đưa vào bệnh viện. Có lẽ anh cũng không ngờ rằng, cơn nhồi máu cơ tim cấp đầy nguy hiểm chiều hôm đó đã vĩnh viễn mang anh đi, rời xa cõi tạm mà anh hằng yêu mến. Anh cũng không biết rằng, những bản nhạc quê hương của mình đang được vang lên trên mọi miền đất nước và cả những miền quê xa nơi nghìn trùng cách trở. Những bản ấy nhạc vang lên để nhớ anh, để khóc anh và để tiễn anh….

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.