4 loại nhân vật trong đời Bảo Quốc

14/05/2011 19:09 GMT+7

NSƯT Bảo Quốc thật đáng nể. Trong đêm đầu tiên của live show 14.5, ông xuất hiện liên tục gần 3 tiếng đồng hồ với 3 trích đoạn và 1 vở cải lương ngắn. Ông gom cả 52 năm theo nghề hát của mình vào 4 loại nhân vật khác nhau, mà nhân vật nào cũng gây ấn tượng.

Vai chính trong vở Đi biển một mình là nhân vật ông Điệp, chủ bút báo Con Khỉ Mốc. Ông này nổi tiếng gia đình phẩm hạnh, lại bon chen tìm cho được cái "mề đay" đạo đức trong làng báo, mặt lúc nào cũng giương giương tự đắc, và mở miệng ra là nói gia giáo đủ điều. Nhưng không ngờ, cả nhà ông xuất hiện cùng lúc... 4 cái bầu. Bầu thứ nhất là bà vợ 57 tuổi của ông (NSƯT Lệ Thủy). Bầu thứ hai là cô Thêu giúp việc (Tú Sương) bị ông dụ dỗ. Bầu thứ ba là cô thư ký của ông tằng tịu với con trai ông tên Tấn (Vũ Luân). Bầu thứ tư là của cô Trinh (Ngọc Trinh), con gái rượu mà ông vốn tự hào, nay bị người yêu ruồng bỏ. Tấm mề đay rơi xuống thảm thương. Bảo Quốc đóng "kép" chung với "cô đào" Lệ Thủy, dù cả hai hơi luống tuổi một chút nhưng vẫn gợi nhớ hình ảnh của giải Thanh Tâm ngày xưa được trao cho anh chàng đẹp trai con của bà bầu Thơ đoàn Thanh Minh. Bảo Quốc từng là "kép" nhưng duyên nợ đã khiến ông rẽ ngang sang con đường hài, và khán giả thế hệ sau dường như không còn biết tới nữa.

 
NSƯT Bảo Quốc (vai Tư Đồ) trong trích đoạn Lữ Bố hí Điêu Thuyền - Ảnh:  H.K

Cho nên khi Bảo Quốc vào vai xã trưởng của trích đoạn Thị Mầu thì ông như cá gặp nước. Ông tung hứng với NSƯT Hồng Vân (vai mẹ Đốp) khiến khán giả cười bò lăn. Khi ra công đường, ông lại tung hứng với thế hệ diễn viên em cháu như Anh Vũ (vai thầy đồ mù), Phước Sang (vai hội đồng điếc), Tấn Beo (vai thầy câm), thì cả khán phòng… hết ý kiến. Một vở kịch châm biếm sâu sắc tệ nạn xã hội phong kiến, vừa thủ tiêu quyền sống và yêu thương của con người, vừa đầy rẫy bọn tham quan, thờ ơ, vô cảm với nỗi khổ của dân. Trào lộng mà chua chát. Bảo Quốc diễn vai lão xã trưởng thâm độc nhất, tham lam vơ vét nhiều nhất, mà lại... tỉnh queo. Nét mặt của ông hài rất duyên, không cần phải vay mượn quá nhiều động tác hình thể hoặc ngôn ngữ.

Nhưng ông lại bất ngờ có một mảnh đất đắc địa là kép lão và kép độc. Kép lão là vai Tư Đồ (trích đoạn Lữ Bố hí Điêu Thuyền), vừa đau xót trước cảnh nước nhà rối ren, vừa phải giữ vẻ thản nhiên, cười cợt để đưa Lữ Bố vào thế trận của mình. Thông minh và cảnh giác. Ưu tư và tỉnh táo. Giận và kềm nén. Một kẻ sĩ phải ra tay mưu lược để dẹp loạn triều đình. Rất tiếc, giá như dành nhiều thời gian hơn cho trích đoạn này thì Bảo Quốc sẽ thể hiện Tư Đồ với nhiều tâm lý phức tạp hơn.

Tuy nhiên, mảng tâm lý sâu sắc đó đã có vai Nhan Tấn giúp ông bật sáng. Hầu như chưa bao giờ thấy Bảo Quốc đóng kép độc, vậy mà ông đóng thật xuất sắc. Một Nhan Tấn thâm độc nhưng không được phép lộ liễu. Và lúc thì thể hiện rõ sự độc ác, lúc lại đau đớn vì mất con, lúc mềm yếu ngọt ngào chui vào hàng ngũ u Lạc, lúc hèn hạ nịnh bợ người khác, lúc tự đắc kiêu căng... Tâm lý chuyển biến không ngừng, khiến Bảo Quốc vừa vất vả vừa thú vị. Đời nghệ sĩ có mấy lần đóng được kiểu nhân vật như thế. Áp lực thử thách cũng là cơ hội ngàn vàng. Cho nên có thể nói đây là "lộc nghề" của Bảo Quốc vào cuối đời khi đã xấp xỉ U.70. Thôi thế cũng đã mãn nguyện. Ông "tổng kết" 52 năm của mình với chừng ấy loại vai đã khiến người ta khâm phục. 

Từ chối màn hình LED

Bảo Quốc không chịu sử dụng màn hình LED, ông bắt buộc phải dựng cảnh thật, bảo như thế mới ra cải lương. Cho nên sân khấu phảng phất nét chân phương một thời, nhưng vẫn không xa lạ với xã hội hiện đại. Đặc biệt, không một logo quảng cáo nào xuất hiện. Ông nhã nhặn từ chối tất cả sự tài trợ. Nhưng rất may, vé đã bán rất chạy, vì nhiều công ty mua cả xấp để ủng hộ ông. Ông khiêm tốn bảo chỉ cần huề số vốn hơn 1 tỉ đồng là ông vui rồi.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.